Có nên tập thể thao khi đang mang thai?

Việc đổ mồ hôi rất tốt cho mẹ và bé. Tuy nhiên, tập ở mức độ nào là hợp lý phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn có một lối sống tích cực và ưa vận động, hãy duy trì điều đó với một vài sửa đổi đơn giản, thông qua sự tư vấn của bác sĩ.

Bạn sẽ rất hài lòng nếu trong quá trình mang thai thấy mình mảnh mai, tràn đầy năng lượng và ít đau nhức hơn nhờ tập thể dục, em bé của bạn cũng sẽ cảm nhận như thế.

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em tiếp xúc với việc tập thể dục từ trong tử cung sẽ giảm nguy cơ thừa cân và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tập thể thao không chỉ là một cách kết nối của mẹ và con, mà còn là cách kết nối bạn và cơ thể bạn.

Nhớ tập theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc huấn luyện viên

Làm ấm và hạ nhiệt

Việc làm ấm cơ bắp rất quan trọng trước khi tập luyện, đặc biệt là với người mang thai, giúp cơ bắp và khớp ngăn ngừa sự căng cơ. Sự nóng lên của cơ thể cũng làm cho nhịp tim của bạn có tốc độ vừa phải, do nhịp tim vốn đã cao hơn một cách tự nhiên khi mang thai.

Hãy đảm bảo thời gian cho sự làm ấm và hạ nhiệt khi kết thúc buổi tập. Cho phép ít nhất 5-10 phút nghỉ ngơi sau khi tập để nhịp tim trở lại trạng thái bình thường và ngăn ngừa sự đau nhức sau tập luyện.

Cung cấp đủ nước

Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập. Hydrat hóa rất quan trọng khi mang thai. Nếu bạn mất nước sẽ gây co thắt hoặc tăng nhiệt độ cơ thể, có khả năng gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Mặc dù chưa có đề xuất cụ thể về lượng nước nên uống, nhưng tốt nhất là một ly trước, một ly sau và một ly trong mỗi 20 phút của buổi tập.

Và nhớ tập theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc huấn luyện viên.

Tránh nằm ngửa

Sau khi tập luyện, bạn thường muốn nằm ngửa, nằm ở vị trí này sẽ đặt áp lực lên tĩnh mạch, có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim và tử cung, khiến bạn thấy chóng mặt hoặc buồn nôn, do trọng lượng bụng ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Nên tránh nằm ở tư thế này.

Đừng lạm dụng

Cho dù bạn là vận động viên lâu năm hoặc chỉ mới bắt đầu hành trình tập thể dục cũng nên nhớ rằng, mang thai không phải là thời gian giảm cân hoặc bắt đầu một thói quen tập luyện nghiêm ngặt.

Mang thai là sự duy trì sức khỏe cho mẹ và con. Ba mươi phút tập thể dục trung bình mỗi ngày là lý tưởng. Những người mới tập nên bắt đầu bằng 5-10 phút, rồi sau đó tăng lên tối đa 30 phút. Ngưng tập và gọi cho bác sĩ nếu bạn thấy chóng mặt, đau ngực, khó thở, co thắt tử cung hoặc chảy máu âm đạo.

Bài tập yoga lý tưởng cho bà bầu

Tập an toàn

Tránh các môn thể thao mạnh mẽ hoặc các hoạt động gây mất thăng bằng như trượt tuyết, cưỡi ngựa hoặc thể dục dụng cụ, vì khi bụng to lên, bạn khó giữ sự ổn định bằng hai chân.

Ngay cả khi không luyện tập, thì quá trình mang thai cũng khiến hóc môn thư giãn, các khớp xương chậu giãn ra, các dây chằng và các khớp khác thay đổi cũng khiến bạn dễ tổn thương.

Hãy di chuyển

Tránh việc tập thể dục mà chỉ đứng một chỗ, như nâng tạ hoặc giữ một tư thế yoga quá lâu. Vì khi đứng yên quá lâu, sẽ giảm lưu lượng máu đến tử cung và khiến bạn chóng mặt. Thay vào đó, hãy vừa tập luyện vừa di chuyển.

Huấn luyện viên tại Los Angeles - Kourtney McCullough, đề xuất các bài tập lý tưởng cho phụ nữ mang thai là bơi lội, đi bộ, lớp yoga trước khi sinh…

NGỌC LINH (theo health)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/co-nen-tap-the-thao-khi-dang-mang-thai-13450.html