Có nên tập ngồi bô quá sớm cho bé?

Tập ngồi bô cho bé là một cột mốc vô cùng quan trọng với cả mẹ và bé. Và không phải lúc nào quá trình này cũng suôn sẻ. Hãy xem ngay những bí quyết dưới đây để 'cuộc chiến' này dễ dàng hơn nhé!

Bé không cần tập ngồi bô quá sớm

Dù luyện ngồi bô vô cùng quan trọng nhưng mẹ hãy nhớ rằng, mỗi bé có một tốc độ phát triển khác nhau. Mẹ cũng không nên tập ngồi bô cho bé quá sớm đâu nhé, vừa tạo áp lực tâm lý không tốt lên cả mẹ và con, bé còn quá nhỏ sẽ phải tập đi tập lại nhiều lần để hình thành thói quen mới.

Dưới góc độ y học, khi bàng quang đầy sẽ gửi tín hiệu qua dây thần kinh cảm giác tới não khiến bé cảm thấy mắc tiểu. Tuy nhiên, các đường truyền thần kinh này vẫn chưa được hình thành cho tới khi bé được khoảng 2 tuổi.

Ngoài ra, từ 18 tháng – 2 tuổi, các cơ vùng chậu mới phát triển đủ để lưu trữ nước tiểu trong một khoảng thời gian nhất định. Vì thế, tuổi phù hợp trên quan điểm y học để bé bắt đầu tập ngồi bô là từ 18 tháng đến 3 tuổi, trung bình 2 - 2,5 tuổi. Bé gái thường có thể tập sớm hơn bé trai.

Các dấu hiệu nào cho thấy bé đã sẵn sàng để tập ngồi bô?

- Bé đi tiêu phân thành khuôn, mềm, vào thời điểm nhất định trong ngày và không đi tiêu vào ban đêm

- Bé không đi tiểu trong ít nhất một hoặc hai giờ, hoặc thức dậy với một tã khô sau một giấc ngủ trưa. Điều này cho thấy các cơ bàng quang của bé đã phát triển đủ để giữ nước tiểu.

- Có thể tự kéo quần lên xuống mà không cần giúp đỡ quá nhiều từ người lớn

- Tò mò, quan tâm khi thấy bạn đi vệ sinh.

- Thể hiện mong muốn độc lập.

- Khó chịu khi tã bị ướt hoặc bẩn.

- Có thể hiểu và làm theo hướng dẫn đơn giản, như "Con có mắc tiểu/ mắc tiêu không?" hoặc "Cái bô của con ở đâu?"

- Có dấu hiệu báo trước khi đi tiêu/tiểu: bé có thể ngưng chơi/đứng yên trong một phút, hoặc nói cho bạn biết bé muốn đi tiểu.

Bí quyết để mẹ giúp bé ngồi bô dễ dàng hơn

- Bắt đầu một cách từ từ để bé làm quen dần. Khuyến khích trẻ ngồi trên bô một lần một ngày, có thể là sau khi ăn sáng, trước khi tắm, hoặc vào thời điểm bé thường đi tiêu.

- Đừng bắt ép nếu bé không muốn ngồi hoặc tỏ ra sợ hãi. Nếu bé không thích, cho bé mặc lại tã và bắt đầu tập lại sau vài tuần. Ở giai đoạn này, bạn chỉ cần bé làm quen với cái bô.

- Nếu bé tỏ ra thích thú, bắt đầu giải thích rằng đây là những gì mẹ và ba, và bất kỳ anh chị em nào, làm mỗi ngày. Nói rằng việc cởi quần áo ngồi xuống để đi vệ sinh là điều mà người lớn phải làm.

- Tích cực khen ngợi trong mỗi bước tiến của bé. Khi bé cố gắng dùng bô, hãy nói ràng bé làm tốt lắm và rằng bạn tự hào về bé. Tuy nhiên không quá say sưa với lời khen ngợi sẽ khiến bé trở nên lo lắng và sợ thất bại, điều này có thể dẫn đến nhiều “sự cố” hơn.

- Khi bé gặp “sự cố”, cố gắng không tức giận hoặc trừng phạt con, hãy bình tĩnh dọn dẹp nó, đặt bé ngồi vào bô và đề nghị lần sau bé thử dùng bô để đi tiêu/tiểu. Hầu như mọi đứa trẻ đều sẽ gặp “sự cố” trước khi tập luyện thuần thục, nhưng nếu bé thường xuyên làm ướt đồ có thể bé chưa thật sự sẵn sàng, hãy cho bé mặc lại tã và thử tập lại sau vài tuần.

Những lưu ý cho mẹ khi bắt đầu tập cho bé ngồi bô

Theo ThS. BS Ngô Thị Thu Hiền, Bệnh viện Nhi Đồng 1, “Đừng cảm thấy áp lực nếu bạn thấy bé vẫn chưa sẵn sàng về mặt tâm lý và cơ thể. Dù bạn muốn tập bé ngồi bô thật sớm, cơ thể chưa sẵn sàng sẽ khiến quá trình tập luyện kéo dài hoặc bé phải tập đi tập lại nhiều lần. Vì thế, hãy cứ mặc lại tã cho bé như trước.”

Theo afamily.vn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/co-nen-tap-ngoi-bo-qua-som-cho-be-3949046-l.html