Có nên siết kinh doanh của các sàn thương mại điện tử?

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 về thương mại điện tử đang bị đánh giá là tạo thêm nhiều thủ tục phiền hà cho các doanh nghiệp. Trong khi Bộ Công Thương cho rằng, mục đích là để cân bằng lợi ích của các bên tham gia, minh bạch thông tin hàng hóa.

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT). Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), văn bản dự thảo nghị định sửa đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sàn TMĐT trong nước. Theo đó, các thương nhân kinh doanh trên sàn TMĐT; các mạng xã hội; các doanh nghiệp logistics và các tổ chức, doanh nghiệp khác có hoạt động liên quan đến TMĐT cũng đều chịu tác động.

Có đi ngược xu thế?

Nội dung đang nhận được sự quan tâm nhiều nhất là sửa đổi một số quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT và sửa đổi trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.

Yêu cầu các sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm liên đới về hàng giả, hàng nhái.

Yêu cầu các sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm liên đới về hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong dự thảo dường như "trói buộc" nhiều hơn là thúc đẩy phát triển. Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty CP Sen Đỏ, các sàn TMĐT trong nước đang phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp từ Singapore, Indonesia nên bất cứ rào cản chính sách nào cũng phải ảnh hưởng tới khả năng hút vốn đầu tư vào TMĐT. Dẫn tới, một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào TMĐT nhưng sau một thời gian không đầu tư nữa, hiện sàn chủ yếu hút vốn từ nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW dẫn quy định các sàn TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước công cụ tra cứu các thông tin liên quan tới người bán để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bình luận về quy định trên, ông Hà cho rằng ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, có thể hiểu việc yêu cầu cung cấp công cụ này là để phục vụ các biện pháp quản lý trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, điều này gây ra mối lo ngại lớn từ phía các DN vì quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân được cụ thể hóa theo Luật định.

Bà Chu Thị Hoa, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đánh giá Nghị định dường như đang tập trung quá nhiều vào xây dựng pháp luật, thiên về siết chặt quản lý nhiều hơn. "Nếu thế có phù hợp không vì giờ chính sách của chúng ta đang hướng đến việc đẩy mạnh phát trển kinh tế số", bà Hoa đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết, thời gian qua, dự thảo Nghị định này có một số quy định đi theo hướng khá thắt chặt. Hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích kinh tế số, xem đây là động lực phát triển của đất nước. Vậy nếu như đi theo tư duy thắt chặt thì liệu có đi ngược với xu thế đó.

Lo chưa ban hành đã lỗi thời

Ông Đồng cho biết quan ngại của ban soạn thảo là trên môi trường TMĐT có vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái là hợp lý, nhưng hãy nhìn tổng thể hơn là các công cụ, văn bản khác đã hỗ trợ tốt hay chưa và liệu áp đặt hết trách nhiệm như vậy liệu có giải quyết thêm phần về chống hàng giả, hàng nhái hay không.

Đặc biệt về yêu cầu các sàn giao dịch phải có trách nhiệm liên đới trong việc xử lý các phần về hàng giả, hàng nhái của người bán hàng trên đó, ông Đồng cho rằng không hợp lý.

"Hãy so sánh, nếu như chợ truyền thống, cơ quan quản lý có yêu cầu là chủ chợ phải chịu liên đới trách nhiệm nếu một người trong chợ bán hàng giả hàng nhái hay không? Rõ ràng là không. Chợ chỉ là một đơn vị tổ chức, họ thu phí của một người bán hàng trên đó cho phần giữ chỗ và phục vụ cho phần hành chính, chứ không thể tham gia và chịu trách nhiệm trong việc thương nhân trong đó bán hàng giả, hàng nhái", ông Đồng nói.

Bên cạnh đó, nhận định Dự thảo Nghị định này vẫn đang còn bỏ sót nhiều yếu tố. Ông Trịnh Công Thanh, Trưởng nhóm cộng đồng những người bán hàng online trên mạng xã hội, trên Shopee với hơn 90 nghìn thành viên, cho biết không thấy dự thảo nói đến hình thức TMĐT phổ biến như hình thức mua hộ, bán hàng cộng tác viên, hình thức tiếp thị liên kết... Như vậy, Nghị định ban hành ra lại lỗi thời, không bao phủ được đối tượng hành vi điều chỉnh.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng khi người bán hàng biết rõ việc sai phạm là ở sàn, đối tác thanh toán, vận chuyển... muốn tìm một đơn vị đứng ra bảo vệ người dùng thực sự không có. Hay một người khách hàng đặt đơn ảo hàng loạt, lừa đảo người bán. Chúng tôi tìm cơ quan đứng ra bảo vệ cho chúng tôi thì không có. Do vậy, Nghị định cần chỉ rõ cơ quan nào đứng ra bảo vệ người tiêu dùng online, người bán hàng online.

Trước nhiều phản ánh trên, đại diện ban soạn thảo, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số khẳng định, Nghị định không can thiệp quá mức vào hoạt động của DN mà hướng tới cân bằng mục đích của các bên tham gia TMĐT như chủ sàn, nhà sản xuất, người bán hàng và người tiêu dùng.

Thời gian qua, tình trạng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng nhái ngày càng tăng trên sàn, vì vậy Nghị định đưa ra các giải pháp minh bạch thông tin hàng hóa, trách nhiệm chủ sàn.

Theo Lê Thúy/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/marcom/co-nen-siet-kinh-doanh-cua-cac-san-thuong-mai-dien-tu/20210116035516069