Có nên nâng tuổi 'nghỉ hưu' của máy bay?

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất nâng độ tuổi máy bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm.

Đưa ra giải trình về vấn đề trên, Bộ GTVT dẫn thống kê của hãng Boeing cho thấy độ tuổi trung bình của máy bay chở khách là 28 năm đối với máy bay thân hẹp và 25 năm đối với máy bay thân rộng. Với máy bay vận chuyển hàng hóa là 38 năm và 31 năm. Nếu được nâng độ tuổi máy bay chở khách lên 25, các hãng hàng không sẽ có được lợi ích lớn. Cụ thể, việc đi thuê máy bay ngắn ngày trong các dịp lễ, tết sẽ trở nên dễ dàng hơn, các hãng cũng chủ động hơn trong việc đàm phán với các đối tác cho thuê; từ đó tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, trong quá trình họp lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định 92, một số doanh nghiệp cho rằng quy định về tuổi máy bay hiện tại của Việt Nam quá chặt chẽ. Cũng theo phân tích của ông Ngọc, độ tuổi máy bay chỉ là một phần tác động tới an toàn hàng không chứ không phải là yếu tố quyết định. Bởi vậy, sau khi tính toán kỹ lưỡng, Bộ GTVT đã đề xuất tăng tuổi thọ của máy bay khai thác thương mại thêm 5 tuổi.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác đội máy bay trung bình 2,8 tuổi; Vietnam Airlines 5,5 tuổi và Jetstar Pacific 7,8 tuổi...

Trong những năm qua, các hãng hàng không Việt Nam gặp khó trong việc phát triển đội máy bay chở hàng vì không đáp ứng được theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP. Do đó, chưa xây dựng được đội máy bay chở hàng theo định hướng phát triển đội tàu bay được Thủ tướng phê duyệt.

Trước đề xuất của Bộ GTVT, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT nên đưa ra căn cứ để đề xuất việc gia tăng này, có tham khảo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và các quy định tương tự của các nước khác. Theo tiêu chuẩn hàng không của ICAO, máy bay đã hết hạn của nhà sản xuất, không đủ tiêu chuẩn an toàn bay, thì không được phép bay. Nếu máy bay đã hết niên hạn sử dụng, các hãng vẫn cho hoạt động, khi xảy ra tai nạn thì các hãng bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường. Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc quy định tuổi thọ của máy bay phải do nhà sản xuất quy định, chứ không phải do các cơ quan quản lý hay các hãng hàng không, bởi nhà sản xuất mới là đơn vị thiết kế.

D.Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/co-nen-nang-tuoi-nghi-huu-cua-may-bay-tintuc418560