Có nên luật hóa hình xăm?

Từ nhiều năm nay, đã tồn tại vấn đề khó xử lý trường hợp người bị gọi nhập ngũ cố ý xăm hình trên người.

Chiến sĩ nghĩa vụ Quân sự làm thủ tục ra quân tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Chiến sĩ nghĩa vụ Quân sự làm thủ tục ra quân tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Từ tháng 4/2016, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khoản 9, Điều 5 Thông tư này quy định không tuyển chọn nhập ngũ những trường hợp "trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện, như mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên".

Theo Bộ Quốc phòng, những hình xăm này thuộc tiêu chuẩn chính trị, đạo đức. Nếu Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự các địa phương để lọt những công dân có hình xăm nội dung như trên nhập ngũ vào quân đội là "trái với quy định, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng".

Lợi dụng quy định trên, một số công dân trước ngày khám tuyển cố tình vi phạm, cố tình xăm hình nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Xử lý “lỗ hổng” trên, hai năm trước, cuối 2018, Bộ Quốc phòng từng có văn bản đề nghị nơi tuyển quân, cơ quan quân sự, công an địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xem xét, đánh giá về tính chất, mức độ của hình xăm để quyết định phân loại tiêu chuẩn nhập ngũ.

Tuy nhiên giải pháp Bộ Quốc phòng nêu ra khá chung chung: "Cần vận động hoặc bắt buộc cá nhân tự tẩy xóa hình xăm trước khi khám tuyển; bằng nhiều biện pháp hạn chế công dân lợi dụng hình xăm để trốn tránh nghĩa vụ quân sự".

Giải pháp chưa xử lý được tận gốc như trên khiến tình trạng một số thanh niên cố tình “bôi mực lên người” nhằm né đi bộ đội vẫn tái diễn.

Tháng 11/2020, Bộ Quốc phòng khi ban hành hướng dẫn về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021, dường như đã “nới lỏng” tiêu chuẩn khi nêu "nếu hình xăm, chữ xăm dưới da ở vị trí lộ diện, nhưng diện tích nhỏ, không ảnh hưởng đến lễ tiết tác phong quân nhân, xây dựng chính quy, môi trường văn hóa Quân đội thì vẫn được xem xét gọi nhập ngũ".

Về giải pháp, Bộ Quốc phòng đã có sự cứng rắn hơn: “các cơ quan cần vận động, giáo dục kết hợp với bắt buộc tẩy xóa hình xăm, chữ xăm; nếu cố ý vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật hoặc buộc phải cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ Quân sự”.

Vấn đề nằm ở chỗ “xử lý theo quy định của pháp luật” cụ thể là điều khoản nào, nội dung ra sao? Nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định chưa có quy định nào cấm xăm hình, hay chỉ được xăm hình ở bộ phận nào, kích cỡ màu sắc hình khối ra sao, người đã xăm hình sẽ bị cưỡng chế xóa hình xăm khi nào… Mà luật chưa quy định thì không thể xử lý. Vì vậy nên chăng cần luật hóa chuyện xăm hình, để vừa dung hòa được sở thích cá nhân và nghĩa vụ trách nhiệm công dân?

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-nen-luat-hoa-hinh-xam-d143646.html