Có nên 'là' mặt?

Báo Sức khỏe&Đời sống mở chuyên mục Tư vấn thẩm mỹ nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ.

Người tư vấn:Đại tá - TS.BS. Nguyễn Huy Thọ (ảnh), nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện TW Quân đội 108, Ủy viên Hội đồng Khoa học Sở Y tế Hà Nội.

Hồi trẻ em bị mụn nhiều, đã đi chữa mụn rất tốn kém. Kết quả là mụn hết nhưng để lại những vết sẹo lõm chằng chịt trên mặt, nom rất buồn thảm. Bạn em bảo nên đi là mặt để da mặt trở nên bằng phẳng, mịn màng. Bác sĩ cho em thêm thông tin về phương pháp này với ạ.

(hanhdo... yahoo.com)

Mụn là một quá trình viêm các nang lông hoặc tuyến bã của da. Phần giữa của mụn bao giờ cũng chứa những tổ chức hoại tử (mủ), phần xung quanh là một tổ chức viêm. Những tổ chức viêm này là do cơ chế bảo vệ của cơ thể chống lại ổ nhiễm trùng. Nếu ổ nhiễm trùng thoái lui chậm thì thường để lại quầng thâm xung quanh tổ chức viêm đó. Việc giải quyết quầng thâm quanh sẹo là một việc khó. Nếu quầng thâm ở bề mặt nông, xuất hiện trong một thời gian ngắn của quá trình viêm thì sẽ tự khỏi sau 3-6 tháng. Nếu quầng thâm xuất hiện một cách chậm trễ do nguyên nhân không giải quyết sớm, quầng thâm để lại lâu và khó lành thì có thể làm mờ bằng laser: Dùng laser bào mòn phần da bị thâm nhiễm, kết hợp thuốc dưỡng da để cải thiện vết thâm trên sẹo mụn.

Điều trị sẹo bằng lasez.

Điều trị sẹo bằng lasez.

Đối với sẹo lõm, có 2 phương pháp để cải thiện tình hình là mài da và chiếu tia laser. Ở nước ngoài, người ta sẽ mài da trên vùng sẹo lõm, sau đó đắp thuốc để mọc lại biểu mô. Còn tia laser có tác dụng làm da mặt mỏng đi, bốc bay bờ xung quanh sẹo lõm (bạn cứ tưởng tượng sẹo lõm giống như những hố bom vậy, khi mài xung quanh bờ hố bom thì bề mặt da sẽ trở nên bằng phẳng hơn). Chất làm đầy không sử dụng để điều trị sẹo lõm, vì bản chất nó là sẹo rồi, chất làm đầy cũng không làm căng phần sẹo được.

Để bảo vệ da mặt, bạn không nên dùng tay bóp mụn. Nên rửa mặt bằng nước chanh vì nước chanh có tác dụng làm săn da, bổ sung một chút vitamin, một chút axit. Tuy nhiên, nếu có nhiều mụn xuất hiện, hết lớp nọ sang lớp kia, bạn nên đi khám da liễu để xác định nguyên nhân gây mụn, do nội tiết, do môi trường sống (bụi bặm), hay do thói quen (hay nặn mụn bằng tay, ít rửa mặt, thức khuya...).

V.H.T (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-la-mat-n185888.html