Có nên kiểm toán toàn bộ dự án PPP?

Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), sáng 28/5.

Nguồn: VTV

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công-tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án. Dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển. Ngoài ra, theo khuyến nghị của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), bản chất của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP là hoạt động đầu tư của nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải là đầu tư công trình tư nhân và nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó, Nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án được thu phí về mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Do đó, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, không kiểm toán phương án tài chính của dự án công, không kiểm toán toàn diện dự án PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí và cũng không thể xác định được chính xác giá đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư.

“Đề nghị phải bổ sung kiểm toán toàn diện đầu dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP”, ĐB Hiền nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) . Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh: Trong dư luận cho rằng, nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp chậm chạp do những cá nhân tìm cách này tìm cách kia để kiếm chác, bôi trơn.

Dẫn chứng gần đây nhất qua phản ánh báo chí cho thấy một dự án của Nhật Bản bôi trơn lần thứ nhất 2,2 tỷ, lần thứ hai 3,3 tỷ mà mình không phát hiện được, nhưng về Nhật thì Nhật phát hiện được.

Vì vậy, theo đại biểu, trong tất cả các dự án hiện nay cần thiết phải có Kiểm toán nhà nước vào để kiểm tra và giám sát.

Để nâng cao vai trò, hiệu quả của luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng cần phải cho Kiểm toán nhà nước tham gia ngay từ đầu để quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ cơ sở của việc không quy định tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh quản lý nhằm góp phần phân loại dự án phù hợp với đặc thù của dự án đầu tư PPP.

Tranh luận với các đại biểu trước, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) phân tích: Trong quá trình bắt đầu triển khai dự án, đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao tới Nhà nước thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước thì đấy mới là tài sản công 100%. Vì vậy, nếu đặt vấn đề chúng ta kiểm toán một cách toàn diện thì không hợp lý. Bởi vì có những dự án, nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng, đền bù thì trong phần đấy kiểm toán hoàn toàn là tài sản công. Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư đầu tư vào thì mình chỉ kiểm soát sản phẩm chất lượng đầu ra.

Theo đại biểu, có ba nội dung phải kiểm toán toàn diện tất cả các dự án. Một là toàn bộ tuân thủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đấu thầu. Quá trình này là toàn bộ vốn của nhà nước trong thiết kế luật đã có thì phải kiểm toán toàn diện để đảm bảo rằng khi chúng ta phê duyệt dự án hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Hai là kiểm toán toàn bộ về đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra cung cấp cho xã hội. Ba là kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán vốn, tài sản nhà nước tham gia các dự án PPP. Nếu phát hiện vốn, tài sản nhà nước tham gia dự án sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng, có khả năng thất thoát thì Kiểm toán nhà nước đề nghị chủ đầu tư giải trình cụ thể, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiểm toán toàn bộ dự án. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, cũng không được lạm dụng kiểm toán để gây khó khăn hoạt động cho nhà đầu tư.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước như sau:

(1) Kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

(2) Kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có); hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

(3) Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công sau thời gian vận hành, khai thác tối thiểu 03 năm;

(4) Khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.

Thu Hằng

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/co-nen-kiem-toan-toan-bo-du-an-ppp-555852.html