Có nên hình sự hóa việc sử dụng trái phép chất ma túy?

Việc xử chỉ xử lý hành chính đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có tính nghiêm khắc không cao, không kiểm soát được người nghiện. Một khi không kiểm soát được người nghiện sẽ kích thích hàng loạt tội phạm liên quan đến ma túy như mua bán, tàng trữ chất ma túy…thậm chí là các tội phạm nghiêm trọng khác. Có thể thấy tình trạng người sử dụng ma túy phạm pháp hình sự rất đáng lo ngại…

Mong Văn Hòa (SN 1989, Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) đã sát hại vợ mình khi đang phê ma túy

Mong Văn Hòa (SN 1989, Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) đã sát hại vợ mình khi đang phê ma túy

Sử dụng ma túy trái phép không còn là tội phạm

“Sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể mình dưới bất kỳ hình thức nào (như hút, hít, uống, tiêm, chích…) nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng chất ma túy.

Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định người sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu tái phạm có thể lĩnh án tù đến 5 năm.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) không coi hành vi đó là tội phạm. Theo đó, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, căn cứ Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Sở dĩ hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không còn bị coi là tội phạm là do các nhà làm luật căn cứ vào các tài liệu khoa học cũng như kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng nghiện ma túy là một bệnh lý, nếu người nghiện đã tham gia vào quá trình điều trị, cho dù là tự nguyện hay bắt buộc nhưng vẫn chưa cai thành công thì không thể xác định đó là lỗi chủ quan, cố ý của đối tượng nghiện. Do vậy, việc pháp luật đã điều chỉnh, sửa đổi quy định chỉ xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng chất ma túy là phù hợp và sử dụng ma túy chỉ bị xử lý hành chính là hợp lý.

Hiện Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi bổ sung 2008) có quy định quy định việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 1 - 2 năm. Phạm vi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được giáo dục tại địa phương mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Và người nghiện ma túy phải trực tiếp khai báo và tự đăng ký hình thức cai nghiện và khuyến khích gia đình người nghiện tự giác khai báo, đăng ký cai nghiện cho người nhà tại cơ quan nhà nước của địa phương.

Nhưng trên thực tế, rất nhiều gia đình và bản thân người nghiện ma túy không hề khai báo. Bên cạnh đó, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc phải có giấy xác nhận tình trạng nghiện, nhưng thực tế người nghiện hiếm khi tự đến cơ sở y tế làm các thủ tục kiểm tra, xét nghiệm để xác định tình trạng nghiện. Rồi nếu đưa đến cơ sở cai nghiện ma túy thì phải làm thế nào để người nghiện hoàn toàn cắt cơn mới đưa về cộng đồng, tránh kiểu về đến nhà lại tái nghiện.

Tuy nhiên, việc xử lý hành chính đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có tính nghiêm khắc không cao, không kiểm soát được người nghiện. Một khi không kiểm soát được người nghiện sẽ kích thích hàng loạt tội phạm liên quan đến ma túy như mua bán, tàng trữ chất ma túy…thậm chí là các tội phạm nghiêm trọng khác.

Có thể thấy, tình trạng người sử dụng ma túy phạm pháp hình sự rất đáng lo ngại. Một phần xuất phát từ việc mua bán các chất gây nghiện ngày càng dễ dàng nên một bộ phận lớn thanh niên, đặc biệt trẻ chưa thành niên, có xu hướng sử dụng nhiều. Người nghiện đa phần chưa được quản lý, đưa đi cai, hoặc tỉ lệ tái nghiện vẫn cao.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ án gây chấn động dư luận mà điều đáng kể đến là trước đó đối tượng đã sử dụng ma túy như vụ ca sỹ Châu Việt Cường, vụ sát hại nữ sinh giao gà tại Điện Biên,…và rất nhiệu vụ án gây đặc biệt nghiêm trọng khác. Ngoài các đối tượng nghiện ma túy gây ra các vụ án mạng kinh hoàng, thì không ít kẻ “ngáo đá” có hành vi kỳ cục như leo lên mái nhà, leo cột điện hoặc có các hành vi quá khích khác gây ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn cho cộng đồng.

Mới đây tại Hóc Môn (TPHCM), một thanh niên dùng hung khí sát hại mẹ, bà nội tử vong và làm người cha bị thương nặng. Chỉ có những thanh niên bị ngáo đá lên cơn điên loạn vì phê thuốc mới có hành động như ác quỷ vậy thôi.

Vì sao không hình sự hóa?

Mức độ tàn khốc của những vụ thảm án do người sử dụng ma túy gây ra trong thời gian qua là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, việc xem xét hình sự hóa trở lại hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lại không đơn giản. Bởi việc đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma tuy ra khỏi Bộ luật Hình sự năm 2015 là dựa trên cách tiếp cận mới về người nghiện ma túy, coi nghiện ma túy là một thứ bệnh, mà người nghiện là bệnh nhân, cần được hỗ trợ điều trị.

Học viên tại Trung tâm Giáo dục Lao động Hoành Bồ - Quảng Ninh.

Điều này thể hiện chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng cải cách lập pháp trên thế giới. Việc đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy ra khỏi Bộ luật Hình sự là phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Trong đó, nhiều quốc gia trên thế giới chỉ coi nghiện ma túy là một thứ bệnh và người nghiện ma túy cần được hỗ trợ chữa trị.

Trước đây, những người nghiện ma túy bị bị coi là tội phạm và sẽ phại chịu xử phạt. Xử phạt là một biện pháp mang lại hiệu quả nhất định trong việc giảm thiểu các hành vi phạm tội. Nhưng chúng ta cũng thắc mắc là hiệu quả đối với những người nghiện ma túy? Biện pháp bỏ tù chỉ là những giải pháp ngắn ngủi mà ngỡ tưởng là sẽ giải quyết được chiều sâu của vấn đề nhưng thực chất thì chỉ xử lí bề mặt.

Chúng ta dùng nó để kiểm soát những tai họa, để thay đổi những hành vi sai trái của ai đó. Chúng ta có thể sử dụng một hình phạt trong một thời gian dài mà chẳng bao giờ để ý tới nó có còn phù hợp nữa không.

Từ thực tế cho thấy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Cùng với đó là xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng, để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới.

Mặt khác, các trung tâm cai nghiện bắt buộc trước kia cũng đã thay đổi chức năng thành các cơ sở giáo dưỡng tập trung. Việc hình sự hóa lại hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ dẫn đến việc phải thay đổi lại hệ thống các cơ sở giáo dưỡng tập trung hiện nay.

Như vậy, thay vì đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự, trước tiên và trên hết, cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, kiên quyết cắt đi nguồn cung cho các đối tượng có ý định sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân về tác hại của ma túy đối với bản thân và cộng đồng.

Song song đó, cần làm tốt công tác quản lý người nghiện ma túy, chỉ đưa về quản lý tại cộng đồng sau khi đã điều trị cắt cơn thành công. Và cần đầu tư tốt hơn cho các nguồn lực ở địa phương để tạo công ăn việc làm, tạo môi trường xã hội lành mạnh và thân thiện, để mở rộng “đường về” cho những người đã nhất thời lầm lỡ.

Nguyễn Sinh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phap-luat/co-nen-hinh-su-hoa-viec-su-dung-trai-phep-chat-ma-tuy-455186.html