Có nên giảm tốc độ trong khu dân cư?

Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 91/2015 quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới.

Đường Phạm Văn Đồng, TP HCM giờ thấp điểm thường vắng xe, nếu quy định tốc độ 50km/h tài xế rất dễ bị phạt vì vi phạm tốc độ, đồng thời không khai thác hiệu quả thiết kế của đường (Ảnh chụp lúc 16h ngày 18/10)

Đường Phạm Văn Đồng, TP HCM giờ thấp điểm thường vắng xe, nếu quy định tốc độ 50km/h tài xế rất dễ bị phạt vì vi phạm tốc độ, đồng thời không khai thác hiệu quả thiết kế của đường (Ảnh chụp lúc 16h ngày 18/10)

Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất giảm tốc độ của xe khách trên 30 chỗ, xe tải nặng trong khu vực đông dân từ 60km/h xuống còn 50km/h và khống chế tốc độ không quá 100km/h trên đường cao tốc. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Doanh nghiệp vận tải lo lắng

Ngay khi biết được dự thảo thông tư quy định sẽ giảm tốc độ của xe khách và xe tải nặng ở khu vực đông dân cư, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc DNVT Lâm Vinh (TP HCM) cho rằng, TNGT có rất nhiều nguyên nhân, không chỉ do tốc độ. “Nếu nói TNGT tăng cao do tốc độ, cơ quan chức năng cần có số liệu chứng minh thuyết phục. Trên tuyến đường đó mỗi năm có bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra, bao nhiêu vụ có nguyên nhân do vượt quá tốc độ quy định”, ông Vinh nói và cho rằng, không thể cảm tính nói rằng vì tai nạn tăng cao rồi đề xuất giảm tốc độ là bất cập. Vào giờ cao điểm đường phố đông đúc, muốn chạy 60km/h cũng không được. Những lúc đường vắng vào ban đêm mà chạy 50km/h sẽ lãng phí, gây áp lực cho tài xế.

Nên đọc

Đừng giảm tốc độ theo kiểu đánh đồng

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Viết, Giám đốc Công ty TNHH TM & DVVT Viết Hải (Hà Tĩnh) cho rằng, những thành phố hay khu đô thị lớn đều có đường tránh, xe tải trọng lớn phải đi vào. Còn khi qua khu đông dân cư, thường tài xế cũng không dám chạy nhanh vì vấn đề an toàn. Nếu tiếp tục giảm tốc độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa của DN, gây hệ lụy cho nền kinh tế. Đó là chưa kể, việc giảm tốc độ sẽ gây nguy cơ ùn tắc giao thông.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Nghệ An cho biết đã nhận được văn bản về đề xuất này. “TNGT hiện nay chủ yếu do phương tiện đi từ đường nhánh, đường dân sinh xung đột với xe lưu thông trên tuyến chính. Vì thế, muốn hạn chế tốc độ để giảm TNGT phải cắm biển hạn chế ở đường nhánh, đường dân sinh. Còn bắt buộc các phương tiện trên quốc lộ giảm tốc độ là vô lý. Bởi quốc lộ là tuyến đường cấp cao hơn, phải được ưu tiên”, ông Hùng nói.

Nên linh hoạt trong quy định tốc độ

Anh Nguyễn Văn Bình (Lê Chân, Hải Phòng) - tài xế xe khách có thâm niên lái xe trên 20 năm của DN Vận tải Hoàng Long cho rằng, không nên quy định khung tốc độ cố định mà có thể cho chạy với tốc độ cao hơn trong thời gian từ 23h - 4h sáng. “Xe khách, xe tải nặng thường chạy đêm, nhiều khi nửa đêm đường vắng mà vẫn phải lầm lũi đi tốc độ 50km/h là không hợp lý”, anh Bình nói.

Tại Điều 6 dự thảo quy định, trên đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều từ hai làn xe cơ giới trở lên tại khu đông dân cư, tốc độ tối đa là 50km/h đối với ôtô trên 30 chỗ, xe buýt, xe khách giường nằm hai tầng, ôtô tải trên 10 tấn và xe đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, ô tô chuyên dùng (Thông tư 91 hiện quy định tốc độ xe tối đa 60km/h); các phương tiện còn lại được giữ tốc độ tối đa 60km/h.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN (đơn vị soạn thảo Thông tư), trước đây đường đi qua khu đông dân cư hay cao tốc được quy định cùng loại tốc độ cho nhiều loại xe, để đảm bảo ATGT có ý kiến cho rằng, cần phân rõ tốc độ từng loại xe, nhất là đối với các loại xe có sức chở lớn nên Tổng cục đã chỉnh sửa theo hướng nêu trên cho phù hợp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho rằng, mỗi tuyến đường có thiết kế khác nhau tùy vào tốc độ cho phép lưu thông. Chẳng hạn đường Võ Văn Kiệt thiết kế tốc độ 80km/h nhưng giờ giảm xuống chỉ còn 50km/h vừa không hợp lý lại gây lãng phí trong đầu tư hạ tầng.

“Không nên quy định một tốc độ chung cho tất cả các tuyến đường đô thị mà phải tùy theo tình hình thực tế của tuyến đường. Bộ GTVT chỉ quy định khung tốc độ lưu thông trong đô thị, các địa phương dựa vào điều kiện cụ thể của từng tuyến đường để cắm biển giới hạn tốc độ phù hợp”, ông Chánh đề xuất.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời gian qua, nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, xây mới đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, đi lại của người dân. Bởi vậy với những tuyến đường có điều kiện tốt, kiểm soát tốt giao cắt xung đột, có thể khai thác ở tốc độ cao hơn, việc nâng tốc độ giới hạn là giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, thực trạng GTVT Việt Nam rất đa dạng, ngay cùng một loại đường nhưng mức độ an toàn có thể rất khác nhau, bởi vậy nếu áp dụng nguyên tắc tốc độ giới hạn một cách đồng nhất có thể tạo ra những vấn đề về TNGT.

Nhóm PV

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/co-nen-giam-toc-do-trong-khu-dan-cu-d276172.html