Có nên giảm tốc độ tối đa trong đô thị?

Cục CSGT (Bộ Công an) vừa đề nghị giảm tốc độ tối đa trong đô thị để hạn chế TNGT.

Đường đôi trong đô thị, khu đông dân cư có dải phân cách giữa hiện cho phép tốc độ tối đa 60km/h - Ảnh: Khánh Linh

Đường đôi trong đô thị, khu đông dân cư có dải phân cách giữa hiện cho phép tốc độ tối đa 60km/h - Ảnh: Khánh Linh

Đề xuất giảm từ 60 km/h xuống 50 km/h

Trong văn bản kiến nghị điều chỉnh tốc độ theo hướng giảm tốc độ tối đa cho phép trong đô thị nhằm phòng ngừa TNGT, Cục CSGT cho hay, Thông tư 91/2015 quy định tốc độ tối đa cho phép trong khu vực đông dân cư đối với đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên là 60 km/h là chưa phù hợp vì trên trên tuyến quốc lộ đi qua huyện, thị xã, thành phố chủ yếu đi vào khu đông dân cư, nhiều nút giao đồng mức, mật độ tham gia giao thông đông. Do vậy, nếu lưu thông với tốc độ này rất dễ xảy ra tai nạn.

Trước đó, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cũng đề xuất giảm tốc độ tối đa cho phép trên 10 tuyến đường nhằm kéo giảm TNGT. Cơ quan này cho rằng, TNGT tăng cao những tháng đầu năm ở TP.HCM có nguyên nhân gián tiếp từ việc tăng tốc độ tối đa.

Khắc phục ngay bất cập về biển báo và tốc độ

Phát biểu tại cuộc họp xem xét điều chỉnh những tồn tại, bất cập của Quy chuẩn 41:2016 về báo hiệu đường bộ và Thông tư 91/2015 về tốc độ xe cơ giới đường bộ gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, khắc phục ngay những bất cập về biển báo hiệu đường bộ và tốc độ được quy định tại Quy chuẩn và Thông tư trên để phù hợp với thực tiễn. Theo Bộ trưởng, quy định hiện nay là tuyến đường nào muốn hạn chế tốc độ thì cắm biển, nay nên tư duy theo hướng ngược lại, có nghĩa là nếu như trên một tuyến đường nào đó không có biển báo thì quy định tốc độ tối đa là 50 km/h, còn tuyến đường nào cho phép lên 60 km/h thì phải cắm biển báo cho phép.

Cho rằng việc chạy xe quá tốc độ cho phép là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, nếu giảm 5% tốc độ sẽ góp phần giảm 30% TNGT nghiêm trọng. Các nghiên cứu tương tự tại Anh, Hà Lan, Thụy Điển đều cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa tốc độ và TNGT, nếu tăng 1% tốc độ sẽ dẫn tới tăng 1-4% TNGT.

Theo ông Minh, xu hướng chung tại các nước phát triển hiện nay là giảm tốc độ giới hạn trong khu vực đô thị xuống 50 km/h, thậm chí một số quốc gia giảm xuống 30 km/h, trong khi điều kiện về hạ tầng và ý thức tham gia giao thông của họ tốt hơn Việt Nam. Các nước như: Đức, Anh, Pháp đang áp dụng giới hạn tốc độ 50 km/h trong khu vực đô thị, các thành phố của Thụy Điển đã giảm tốc độ xuống 30 km/h. Một nghiên cứu đã được công bố của Đại học Monash (Australia) cho thấy, việc giảm tốc độ giới hạn trong khu vực đô thị từ 60 km/h xuống 50 km/h có ảnh hưởng rất nhỏ tới thời gian đi lại của người dân nhưng đem lại rất nhiều lợi ích về ATGT với cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, nên giảm tốc độ trong đô thị xuống 50 km/h, nếu quy định như hiện nay rất nguy hiểm, nhất là đối với các loại xe tải nặng, xe container.

Giảm tốc độ càng ùn tắc hơn

Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về đề xuất này. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây mới, nâng cấp đường, tạo điều kiện cho phương tiện tăng tốc độ nhằm rút ngắn thời gian đi lại. “Việc giảm tốc độ tối đa sẽ làm tăng thêm thời gian chiếm dụng đường của xe, gây thêm ùn tắc. Giảm tốc độ là kéo lùi vận tải, kéo lùi phát triển KT-XH, DN sẽ thiệt hại do vận chuyển hàng hóa chậm lại, mất thời gian, gây ức chế cho lái xe”, ông Thanh nói và đề nghị cần có đánh giá khoa học thuyết phục chứng minh việc tăng tốc độ làm tăng TNGT.

Thông tư 91 của Bộ GTVT quy định: Từ 1/3/2016, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường trong khu vực đông dân cư là 60km/h đối với đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên; 50km/h đối với đường hai chiều (không có dải phân cách giữa) và đường một chiều có một làn xe cơ giới. Quy định trước đó là 40-50km/h tùy loại phương tiện. Ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông được điều chỉnh tùy từng loại. Ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt); Ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn có thể được chạy với tốc độ tối đa 90km/h (đường đôi có dải phân cách giữa; Đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên) và 80km/h (đường hai chiều không có dải phân cách giữa; Đường một chiều có một làn xe cơ giới). Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt); Ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn có thể được chạy tối đa 80km/h (đường đôi có dải phân cách giữa; Đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên) và 70km/h (đường hai chiều không có dải phân cách giữa; Đường một chiều có một làn xe cơ giới).

Ông Bùi Khắc Điệp, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, Thông tư 91 sau khi ban hành được dư luận đánh giá cao. Theo thống kê nguyên nhân gây TNGT chỉ chiếm hơn 7% liên quan đến chạy quá tốc độ, còn lại hơn 70% liên quan đến hành vi của người tham gia giao thông. Theo ông Điệp, Thông tư 91 thay thế Thông tư 13/2009 có hai thay đổi lớn là đối với đường đôi ngoài đô thị tăng từ 80 km/h lên 90km/h, đối với đường đôi trong đô thị tăng từ 50 km/h lên 60 km/h. “Quy định này là tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông, đối với những đoạn đường không cắm biển thì được đi với tốc độ tối đa theo quy định. Còn đối với những tuyến đường do yêu cầu tổ chức giao thông có thể cắm biển nhỏ hơn tốc độ tối đa cho phép”, ông Điệp nói.

Còn theo ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ (Bộ GTVT), quá trình soạn thảo Thông tư 91 đã nghiên cứu kỹ, xin ý kiến đầy đủ các Bộ, ngành. Trong điều kiện hạ tầng chật hẹp, việc quy định tốc độ theo thông tư này là để tăng năng lực thông hành các tuyến giao thông trong đô thị. Thông tư quy định tốc độ tối đa trong đô thị ở nơi đường đôi có giải phân cách giữa và đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên là 60km/h, còn các đường khác tốc độ tối đa 50km/h và thông tư cũng không cấm đặt biển hạn chế tốc độ nếu hạ tầng không đảm bảo, nhiều ngã 3, ngã tư, đơn vị quản lý có quyền cắm biển hạn chế tốc độ thấp hơn. Vì vậy, nên giữ nguyên quy định về tốc độ theo Thông tư 91.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, thời gian qua nhiều tuyến đường được đầu tư tốt hơn, phương tiện ngày càng tốt hơn, hệ thống đăng kiểm, giám sát hành trình giám sát chặt chẽ tốc độ phương tiện. Theo ông Thắng, các trường hợp đi tốc độ cao gây tai nạn chủ yếu đến từ vi phạm vượt quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu. “Từ các yếu tố trên nên giữ nguyên tốc độ quy định như hiện nay. Nếu trong thành phố đường rộng mà bắt xe tải chạy với tốc độ 40 km/h sẽ không đi nổi, sẽ gây ùn tắc cho xe đi sau, rồi đến khi ra đường vắng lại tăng tốc hoặc chuyển làn không đúng quy định”, ông Thắng nói.

Trần Duy

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/co-nen-giam-toc-do-toi-da-trong-do-thi-d263049.html