Có nên chọn nghề bị xã hội định kiến?

Khi chọn nghề bị xã hội định kiến, bạn phải có cái 'tôi' thật mạnh mẽ, bản lĩnh hay nghề nghiệp chính là công việc của mình và không phải của xã hội..., là những quan điểm của các chuyên gia đưa ra tại ra talk show 'Chuyện nghề, chuyện ta' do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức vào chiều ngày 6.4.

Khách mời chia sẻ về chuyện nghề, chuyện ta. Ảnh: PM

Tại chương trình, những câu chuyện, chia sẻ thú vị từ các chuyên gia đã khắc họa nhiều mảnh ghép đa chiều về những nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Talk show “Chuyện nghề, chuyện ta” nằm trong dự án “Chuyện nghề” được khởi động từ ngày 14.1 với sự tham gia của ba vị diễn giả có uy tín trong lĩnh vực giáo dục và chuyên gia phân tích xã hội: PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh – giảng viên tại Đại học Ngoại thương, Nhà báo Phạm Gia Hiền và Viện sĩ Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Nguyễn Khắc Giang.

Chương trình không chỉ định hướng nghề nghiệp mà còn mang đến một góc nhìn mới về những nghề đang chịu nhiều định kiến xã hội như barber, rapper, photographer và ngành công nghiệp game.

Chương trình trọng tâm về câu chuyện có nên hay không nên vào đại học và có nên theo đuổi đam mê của bản thân vẫn là một dấu hỏi lớn đối với nhiều bạn trẻ khi xã hội còn tồn tại định kiến. Bàn về điều này, nhà báo Phạm Gia Hiền cho rằng: “Xã hội luôn có những quy chuẩn, nếu chúng ta không đi theo những quy chuẩn đó thì cái tôi của bạn phải thật mạnh mẽ và bản lĩnh, phải làm sao để xã hội phải thừa nhận”. Song, anh cũng cho rằng, mỗi bạn trẻ khi bước vào sự lựa chọn nghề nghiệp cần cân nhắc kĩ quyết định của mình.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh nhận đinh: “Định kiến không phải từ xã hội, mà do chính suy nghĩ của mỗi người, do bản thân họ đã chọn định kiến trước khi quyết định nghề nghiệp của mình”. Theo bà, nghề nghiệp chính là công việc của mình và không phải của xã hội. Bà cũng cho rằng các bậc cha mẹ không nên áp đặt mong muốn, suy nghĩ của mình lên cuộc đời con.

Chương trình còn có sự tham gia của hai nhân vật đặc biệt – những người trẻ dám lựa chọn con đường cho riêng mình và đã rất thành công. Đinh Quốc Phương – người sáng lập của “Game không hay, xóa page” - đã phải rời khỏi nhà và sống tự lập khi chỉ mới 14 tuổi chỉ vì theo đuổi ngành công nghệ game. Mặc dù bị sự phản đối của bố mẹ và người thân nhưng với bản lĩnh, ý chí của mình, anh đã chứng minh một cách thuyết phục bằng thành công của bản thân mình.

Còn Lê Anh Đức là một rapper trẻ nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng khi đang là sinh viên của Đại học Công đoàn. Câu chuyện của hai bạn trẻ đã truyền cảm hứng và thay đổi cách nhìn của nhiều người về những ngành nghề chịu nhiều định kiến xã hội.

PHẠM MINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/co-nen-chon-nghe-bi-xa-hoi-dinh-kien-600034.ldo