Có nên cho người khác mượn tai nghe

Việc cho người khác mượn tai nghe hoặc chính bạn là người mượn tai nghe tưởng chừng đơn giản nhưng hãy cẩn thận.

Tai nghe từ lâu đã dần trở thành vật dụng quen thuộc trong đời sống hằng ngày, nhất là khi smartphone ngày càng bành trướng và cung cấp đủ mọi chức năng. Với chiếc smartphone và một bộ tai nghe, bạn có thể thả hồn theo âm nhạc trong những phút giây thư giãn, hoặc đơn giản hơn là sử dụng để trả lời điện thoại khi không rảnh tay.

Nói đến tai nghe, người dùng có thể nhận thấy sản phẩm này ngày càng đa dạng về kiểu hình, từ loại “to đùng” hầm hố, đến loại nhỏ nhắn có thể nhét gọn vào trong ống tai. Từ loại sử dụng dây dẫn kết nối truyền thống, cho đến những bộ headphone không dây trông cực kỳ cool, có thể quàng sau cổ và còn thông minh nhờ được tích hợp trợ lý ảo đậm chất công nghệ.

Hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mượn hoặc cho mượn tai nghe.

Tuy đa dạng về kiểu hình, nhưng nhìn chung, tai nghe có thể phân làm 4 kiểu thiết kế chính là over-ear với củ tai lớn, ôm hết vành tai, on-ear headphone sở hữu củ tai nhỏ hơn, tiếp xúc trực tiếp lên vành tai người dùng, loại earbud với củ tai nhỏ hơn đặt gọn trong vành tai, và in-ear heaphone vốn cũng có củ tai nhỏ, nhưng phần ống hướng âm được thiết kế để nằm gọn vào sâu bên trong ống tai người nghe. Mỗi kiểu thiết kế tai nghe đều có ưu - nhược điểm khác nhau và đương nhiên cách sử dụng cũng khác nhau. Chính vì những khác biệt này mà việc cho mượn hoặc chính bạn là người đi mượn tai nghe không đơn giản và an toàn như vẫn thường nghĩ.

Cụ thể, theo bác sỹ tai mũi họng Linda Dahl (New York), tai người vốn luôn sản sinh ra một chất dịch bên ngoài ống tai giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại vi khuẩn từ môi trường. Về cơ bản, điều này là hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Tuy nhiên, với chủng loại tai nghe in-ear hoặc earbud vốn có thiết kế tiếp xúc trực tiếp hoặc nằm gọn trong ống tai, người dùng khó có thể đảm bảo tai nghe không dính chất dịch đặc trưng này. Chính vì vậy, việc cho mượn, hoặc mượn tai nghe từ người khác thực sự không an toàn dẫu cho bạn là một người có thói quen giữ gìn vệ sinh tốt.

Dù vệ sinh tai nghe thường xuyên, nhưng tốt nhất vẫn không nên cho ai khác mượn tai nghe, nhất là tai nghe in-ear.

Lời khuyên được đưa ra tiếp theo đối với người sử dụng chủng loại tai nghe in-ear hoặc earbud là hãy giữ thói quen vệ sinh cả tai nghe của mình mỗi tuần một lần. Với tai nghe earbud như AirPods của Apple, việc vệ sinh thực sự rất đơn giản, người dùng chỉ cần dùng bông gòn thấm cồn lau kỹ mặt ngoài củ tai. Nếu thường xuyên sử dụng, bạn tốt nhất nên tăng tần suất vệ sinh tai nghe và cũng nên lau sạch từng củ tai trước khi dùng. Tuy nhiên, các bác sỹ cũng khuyên rằng cách làm này không thực sự hiệu quả với một số loại tai nghe earbud do đặc trưng thiết kế của từng nhà sản xuất. Với tai nghe in-ear sử dụng đệm silicon, việc vệ sinh thậm chí còn khó hơn vì vi khuẩn rất ưa thích loại vật liệu này. Chính vì vậy, nếu sử dụng loại tai nghe này, hãy giữ riêng cho mình thay vì cho ai khác mượn.

Nhìn chung, việc chia sẻ tai nghe, nhất là tai nghe in-ear cho bất kể là bạn bè hay người thân thuộc trong gia đình được khuyên rằng không nên làm.

Như PC World Vietnam từng thông tin, trong số các dạng tai nghe hiện nay, loại nhét sâu vào ống tai (in-ear monitor hay IEM) được xem là sản phẩm có khả năng gây nguy hiểm đến thính lực nhiều hơn hẳn các dạng thiết kế còn lại như chụp tai (around-ear/on-ear) - hay loại earbud bán kèm theo các thiết bị di động hay máy nghe nhạc bỏ túi. Hầu hết người dùng headphone luôn có khuynh hướng tăng âm lượng (tăng áp lực âm thanh - SPL) để át tiếng ồn từ môi trường. Trong khi đó, tai nghe IEM vốn được thiết kế nhét sâu vào trong ống tai của sản phẩm nên khoảng cách giữa màng loa và màng nhĩ được rút ngắn tối đa; và sẽ làm tăng đáng kể áp lực lên hệ thính giác của con người. Như đã nói ở trên, não bộ vốn có cơ chế giảm bớt sự khó chịu với âm thanh cường độ lớn trong một mức độ cho phép, nhưng không có nghĩa là các tế bào đảm nhiệm các nhiệm vụ nghe, khuyếch đại âm thanh và chọn lọc tần số bên trong tai không bị tác động. Nguy hiểm hơn là người nghe không hề cảm nhận sớm việc thính lực của mình đang bị suy giảm mà phải mất một thời gian dài, có thể từ 1 đến 2 năm tùy theo độ tuổi người dùng.

Theo NIOSH, Viện Quốc gia về an toàn lao động và sức khỏe, độ lớn của âm thanh phát ra từ tai nghe an toàn nhất cho thính giác chỉ nên dao động ở mức từ 80dB đến 85dB. Tuy nhiên, hầu như không người dùng headphone nào sở hữu thiết bị để đo cường độ âm thanh của sản phẩm mà họ đang sử dụng. Thêm vào đó, không phải mọi hãng đều cung cấp giá trị này trên bao bì sản phẩm mà họ bán ra. Vì thế, để bảo vệ đôi tai của chính mình, hay luôn nhớ cài đặt mức âm lượng nguồn phát/tai nghe nhỏ hơn hoặc bằng 60%.

Khi sử dụng tai nghe, cần tuần thủ chặt chẽ quy tắc 60-60, nghĩa là luôn nghỉ ngơi sau mỗi 60 phút sử dụng tai nghe ở mức âm lượng 60%. Vì theo Tiến sĩ, Giám đốc dịch vụ y tế trong thính học Sharon A. Sandridge (trung tâm y tế học tập đa ngạch Cleveland Clinic) cho hay, để sử dụng một cách an toàn các loại tai nghe, người dùng cần đảm bảo cân bằng giữa mức âm lượng và thời gian nghe. Càng sử dụng headphones lâu (trên 90 phút), bạn càng phải tiết giảm âm lượng để tránh làm giảm thính lực về sau.

Một khi đã sử dụng tai nghe, không nên nghe nhạc liên tục với thời lượng trên 2 giờ. Và nếu có thể, hãy sử dụng các mẫu tai nghe rộng vành hoặc trùm kín tai (around-ear/on-ear headphone), những sản phẩm có khả năng loại bỏ tạp âm từ môi trường tốt. Hạn chế dùng các mẫu tai nghe nhét tai liên tục với cường độ âm thanh lớn trên 80dB. Hãy luôn cố gắng thiết lập âm lượng nguồn phát, tai nghe ở mức thấp nhất có thể nghe được. Tránh dùng tai nghe trong các môi trường náo nhiệt. Và nếu có, hãy cố gắng bỏ thói quen đeo headphone để nghe nhạc trước lúc ngủ.

Quỳnh Chi

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/song-va-cong-nghe/2018/03/1255828/co-nen-cho-nguoi-khac-muon-tai-nghe/