Có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học?

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại diễn đàn Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đề cập đến quy định tại Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT về các hành vi học sinh không được làm: 'Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép'.

Theo ông Bình, việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học. Việc "giao quyền" cho giáo viên - theo quy định của Bộ GD&ĐT, theo ông Bình dẫn đến tình trạng cùng một môn học, cùng một trường, có giáo viên cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.

Có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học?

Có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học?

Còn nhớ cách đây không lâu, vấn đề cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học đã từng "nóng" dư luận, với nhiều quan điểm trái ngược nhau. Trong khi một số học sinh cho rằng, việc cho sử dụng điện thoại để phục vụ học tập là tốt, là cần thiết, thì nhiều phụ huynh lấy làm ái ngại khi ngay cả lúc ở nhà họ còn không quản lý được việc sử dụng điện thoại của con, nhiều trẻ lạm dụng điện thoại ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng học hành, nhiều bất thường trong sinh hoạt và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. "Việc trẻ lạm dụng điện thoại để tán gẫu, chơi game, truy cập web "ngoài tầm kiểm soát của phụ huynh" là có thật và rất đáng lo ngại. Liệu trường nào dám khẳng định sẽ quản lý tốt, để học sinh mang điện thoại vào trường chỉ để phục vụ học tập không?" - nhiều phụ huynh đặt câu hỏi và cũng dễ dàng đoán ra câu trả lời.

Lấy lý do "phục vụ việc học" để học sinh mang điện thoại đến trường trong điều kiện hiện nay, theo nhiều người là không phù hợp. Bởi việc dạy học của Việt Nam cho đến lúc này chưa có nhiều nguồn học liệu trên mạng, nhiều giáo viên chưa thuần thục việc sử dụng mạng để phục vụ việc dạy học. Ngay cả những chương trình cải cách, với hệ thống sách giáo khoa mới được viết lại trong thời gian gần đây hầu như chưa có những yếu tố đòi hỏi kết nối mạng internet.

Thực tế ở một số trường chuyên hoặc trường "chất lượng cao" - nơi học sinh có ý thức tự giác học cao, việc sử dụng điện thoại để bổ trợ nguồn kiến thức là hữu dụng, nhưng số này không nhiều, không phải đại diện cho toàn nền giáo dục.

Ngay tại Nhật Bản - quốc gia có nền giáo dục và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, cũng chỉ cho học sinh từ cấp 2 được phép mang điện thoại đến trường với mục đích liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Tại trường, các em được yêu cầu cất điện thoại vào tủ cá nhân để tránh mất tập trung trong giờ học.

Kết quả điều tra dư luận do một số tờ báo lớn tổ chức gần đây cho thấy, đại đa số ý kiến không đồng tình với việc "thả cửa" cho học sinh mang điện thoại đến trường. Việc giao giáo viên quyền "cho hoặc không cho" học sinh sử dụng điện thoại là cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/co-nen-cho-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-20210326181015321.htm