Có nên cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán?

Chiều 13-6, thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có hay không nên cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia thị trường chứng khoán.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển cả về quy mô và chất lượng, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo không ủng hộ quy định cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo không ủng hộ quy định cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, theo ông Bảo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với đặc điểm là nhiều rủi ro, chưa xác định rõ ràng hiệu quả hoạt động, nếu chào bán chứng khoán ra thị trường sẽ không đảm bảo chất lượng chứng khoán như các công ty đại chúng khác, có thể dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.

“Tôi đề nghị không quy định tại dự thảo luật về chào bán chứng khoán riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để đảm bảo chất lượng hàng hóa đưa ra thị trường cũng như đảm bảo công bằng đối với các thành viên tham gia thị trường”, ông Bảo nói.

Cùng bàn về quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp, song đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) bày tỏ quan điểm cần tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm khơi thông dòng vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp này trong sản xuất kinh doanh.

Theo bà Thủy, hiện cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, với đặc điểm là có mức vốn thấp, độ rủi ro cao nên khó huy động vốn, vì vậy việc tạo thêm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, huy động vốn là cần thiết.

“Tuy nhiên doanh nghiệp doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào thị trường chứng khoán cũng phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc, để tránh gây tác động, ảnh hưởng thị trường vốn chung”, bà Thủy lưu ý, đồng thời đề nghị cụ thể hóa việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong dự thảo luật.

Trong khi đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, tạo thêm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, huy động vốn là cần thiết

Dẫn một loạt số liệu, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết có đến 390 công ty đại chúng có vốn nhỏ hơn 30 tỷ đồng sẽ “chết nhưng chưa chôn”.

Vì mặc dù, dự thảo luật có điều khoản chuyển tiếp cho song song tồn tại nhưng thực chất các công ty này không thể hoạt động được do nhà đầu tư không đầu tư tiếp, thậm chí thu hồi vốn đầu tư.

Từ phân tích trên, bà Thủy đề nghị cân nhắc kỹ, đảm bảo quyền lợi công ty đại chúng có số vốn dưới 30 tỷ đồng và quyền lợi nhà đầu tư, tránh tình trạng “quản không được thì cấm”.

Cho rằng chứng khoán là hàng hóa rất dễ rơi vào trạng thái mất đối xứng, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị phải xem xét kỹ trách nhiệm kiểm soát tính minh bạch trên thị trường chứng khoán.

“Ngoài quy định xử phạt đối với vi phạm trong cung cấp thông tin thì cần tăng trách nhiệm trong đảm bảo tính chính xác; vai trò, trách nhiệm của cơ quan chứng khoán nhà nước trong kiểm soát thông tin thị trường; cũng như phải có cơ quan kiểm soát hoạt động của Ủy ban chứng khoán nhà nước trong việc kiểm soát thông tin này”, ông Cường nói.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-nen-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-tham-gia-thi-truong-chung-khoan/814040.antd