Có nên cho con học tiếng Anh từ sớm?

Trong thời hội nhập, tiếng Anh là chìa khóa mở cánh cửa vào thế giới khoa học và tri thức. Vì thế, không ít phụ huynh có xu hướng cho con học tiếng Anh từ rất sớm, với mong muốn con được tiếp cận, làm quen và thành thạo ngoại ngữ ngay từ nhỏ.

Cho học sinh lớp đầu cấp tiểu học học tiếng Anh theo phương pháp vừa học vừa chơi là một trong những cách giúp trẻ tiếp cận tiếng Anh nhanh chóng, dễ dàng. Trong ảnh: Tiết học tiếng Anh tại một trường TH-THCS-THPT ở TP.Biên Hòa. Ảnh từ Facebook một trường học tại TP.Biên Hòa

Cho học sinh lớp đầu cấp tiểu học học tiếng Anh theo phương pháp vừa học vừa chơi là một trong những cách giúp trẻ tiếp cận tiếng Anh nhanh chóng, dễ dàng. Trong ảnh: Tiết học tiếng Anh tại một trường TH-THCS-THPT ở TP.Biên Hòa. Ảnh từ Facebook một trường học tại TP.Biên Hòa

Có nhiều ý kiến trái chiều về “giai đoạn vàng” để trẻ học tiếng Anh hiệu quả nhất. Người cho rằng, trẻ học tiếng Anh càng sớm càng tốt, thậm chí dạy song song với tiếng Việt ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ thành thạo ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ. Song có người lại cho rằng, học song ngữ sớm sẽ gây “nhiễu loạn” ngôn ngữ của trẻ. Chưa kể, ngay từ đầu trẻ tiếp cận tiếng Anh từ giáo viên không chuẩn, phát âm sai, sau này khó sửa chữa...

* Phụ huynh lo xa...

Nắm bắt tâm lý của nhiều phụ huynh muốn con học tiếng Anh ngay từ nhỏ, nhiều trung tâm ngoại ngữ tại TP.Biên Hòa đã tổ chức những lớp Anh văn thiếu nhi cho trẻ mầm non. Tại các trung tâm lớn, học phí không hề rẻ, khi có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nhưng nhiều phụ huynh có điều kiện cũng vẫn đầu tư cho con vì... lo xa.

Nhà có công ty riêng, làm ăn phát đạt nên anh chị Đ.T.H. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã đầu tư cho con học tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ lớn nhất TP.Biên Hòa khi bé chỉ mới 4 tuổi với học phí khoảng 70 triệu đồng/năm. Nói về quyết định đầu tư tốn kém này, chị H. cho biết: “Tôi nghe nói cho học tiếng Anh càng sớm, cháu càng tiếp thu nhanh so với khi lớn mới học, nên tôi quyết định đầu tư nền tảng ngoại ngữ cho con từ sớm để sau này cháu có du học nước ngoài cũng dễ dàng hơn”.

Theo khuyến cáo của TS Nguyễn Trùng Dương, nguyên hiệu trưởng một trường phổ thông quốc tế tại Đồng Nai, khi cho con học tiếng Anh ở các trung tâm, phụ huynh nên chọn trung tâm có chất lượng giảng dạy tốt, phù hợp với tố chất, khả năng tiếp nhận của con cũng như điều kiện kinh tế gia đình. Đặc biệt, để cho các con thoải mái “thấm” mình trong môi trường tiếng Anh, cha mẹ không nên gò ép trẻ học bằng mọi giá.

Sau 3 năm học tiếng Anh, con của chị H. dù mới 7 tuổi nhưng đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh khá chuẩn. Chị H. cho biết thêm, để duy trì môi trường cũng như tạo phản xạ giao tiếp cho con, trong sinh hoạt hằng ngày, anh chị nói với con bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Mỗi cuối tuần chở con 12 tuổi đi học tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa), ông Trần Thiện (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, mặc dù ở trường con đã học 3 buổi/tuần, nhưng ông vẫn cho con đi học thêm văn phạm tiếng Anh ở nhà một cô giáo và học thêm giao tiếp tại trung tâm ngoại ngữ với học phí 3,8 triệu đồng/khóa 3 tháng. Ông Thiện cho biết, rút kinh nghiệm từ người con lớn, dù ở trường phổ thông và đại học con ông cũng học tiếng Anh, nhưng ra trường không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh nên mất nhiều cơ hội việc làm tốt. Vì thế ông đã quyết đầu tư cho con út học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Thế nhưng nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn khi đầu tư lớn cho con đi học ở các trung tâm từ sớm với học phí không hề rẻ nhưng con vẫn không giao tiếp khá hơn, đặc biệt những kiến thức cơ bản về ngữ pháp con cũng không nắm rõ.

Chị P.B.C. (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, chị vừa cho con học lớp 3 của chị nghỉ học tại một trung tâm ngoại ngữ lớn ở TP.Biên Hòa sau hơn 1 năm theo học. Nguyên nhân là do chị thấy việc học của con không hiệu quả, điểm thi trên lớp luôn thấp hơn các bạn.

* Quan niệm khác nhau về độ tuổi học tiếng Anh tốt nhất

TS Nguyễn Trùng Dương, nguyên hiệu trưởng một trường phổ thông quốc tế tại Đồng Nai cho biết, theo nhiều nghiên cứu khoa học, sự thành công của việc học ngoại ngữ sẽ đạt mức độ cao nhất nếu trẻ được học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, càng lâu càng tốt và môi trường càng thuận lợi càng tốt.

“Trong giai đoạn trẻ tập nói mà được tiếp xúc với ngoại ngữ thì các bé tiếp thu ngôn ngữ thứ hai tự nhiên như tiếp thu tiếng mẹ đẻ, do được “sống” trong môi trường tồn tại 2 ngôn ngữ song song nên trẻ sẽ thành thạo 2 ngôn ngữ này như nhau. Một ví dụ dễ thấy là, trẻ em trong gia đình có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, trong quá trình tiếp xúc với ngôn ngữ của cha hoặc của mẹ ngay từ nhỏ, khả năng cao trẻ sẽ thành thạo cả hai ngôn ngữ này” - TS Nguyễn Trùng Dương phân tích.

Học viên một trung tâm ngoại ngữ ở TP.Biên Hòa trong một tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Ảnh: P.Liễu

TS Nguyễn Trùng Dương cho biết thêm, nếu trẻ tiếp xúc với tiếng Anh ở độ tuổi đã nói “sõi” tiếng Việt (từ 4-6 tuổi) thì sau này, tuy vẫn có khả năng nói tiếng Anh được như người bản xứ, nhưng phải mất khoảng 2-3 năm đầu để học quá trình giao tiếp cơ bản. Để thành thạo còn phải trải qua một quá trình học tập từ vựng qua những môn học, kiến thức khác như: đọc sách, xem phim... Nếu trẻ tiếp thu tiếng Anh ở độ tuổi chậm hơn nữa, nghĩa là từ 13-14 tuổi thì khả năng nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ hầu như là không thể. Bởi lúc đó, tiếng Việt đã hình thành sâu đậm vào quá trình nhận thức và phát triển của trẻ, nên khi học một ngôn ngữ khác, trẻ phải mất một bước “phiên dịch”, nghĩa là suy nghĩ bằng tiếng Việt rồi mới dịch ra tiếng Anh, vì thế phản xạ giao tiếp ngoại ngữ cũng sẽ chậm hơn.

Trong khi TS Nguyễn Trùng Dương rất tâm huyết đề nghị ngành Giáo dục nên đưa môn tiếng Anh vào trường mầm non để các trẻ có thể tiếp cận với ngoại ngữ ở độ tuổi sớm nhất, thì quan điểm của Ths Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ Trường đại học Đồng Nai lại có khác hơn khi cho rằng, học tiếng Anh rất quan trọng và cần thiết, nhưng xu hướng nào thì cũng cần để trẻ đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ trước, rồi mới học ngoại ngữ.

Theo ThS Nguyễn Văn Nam, phụ huynh không nên quá sốt ruột khi dồn, thúc con mình phải học tiếng Anh khi các con còn quá nhỏ, vì sẽ ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ cũng như ngoại ngữ của con. Ông lấy ví dụ, nếu trẻ nhỏ học song ngữ, nhưng có thời gian ở môi trường tiếng Anh nhiều hơn thì tiếng mẹ đẻ của các trẻ sẽ... chậm lại, trẻ gặp khó khăn với vốn từ tiếng Việt, điều này gây bối rối và mất tự tin cho trẻ.

ThS Nguyễn Văn Nam cũng cho rằng, độ tuổi “đẹp” nhất để trẻ học ngoại ngữ là từ lớp 3 (khoảng 9-10 tuổi), nhưng không có nghĩa ở tuổi này học sẽ... hiệu quả nhất. Bởi để học tốt một ngoại ngữ, đòi hỏi trẻ phải yêu thích môn học, được tạo môi trường và cần một chút năng khiếu. Cho nên, nếu muốn con học tiếng Anh từ nhỏ, thì chỉ nên để trẻ làm quen với môi trường tiếng Anh kiểu “học mà chơi - chơi mà học”. Thời gian “học - chơi” này không quá 30 phút/ngày và không quá 10 phút cho một hoạt động liên quan đến tiếng Anh. Ngoài ra, phụ huynh nên chọn giáo viên chuẩn tiếng Anh ngay từ đầu, vì nếu trẻ phát âm sai, sau này rất khó sửa.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202104/co-nen-cho-con-hoc-tieng-anh-tu-som-3050606/