Có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh? Những lưu ý cần ghi nhớ khi cắt tóc máu là gì?

Tóc máu có chức năng bảo vệ thóp và giữ ấm phần đầu của bé. Vậy mẹ có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh hay không và cần lưu ý gì khi cắt tóc máu?

Nội dung:

1. Tóc máu là gì?
2. Có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh?
3. Cắt tóc máu có làm tóc mới dày và mọc nhanh hơn không?
4. Những lưu ý khi cắt tóc máu cho bé

Theo quan niệm từ xa xưa, việc cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh sẽ giúp tóc mới mọc ra đen, dày và óng mượt hơn. Nhưng liệu việc này có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của bé hay không?

1. Tóc máu là gì?

Tóc máu là gì? Tóc máu còn có tên gọi khác là tóc non. Đây là lớp tóc đầu tiên của trẻ sơ sinh được hình thành từ khi còn trong bụng mẹ. Cụ thể hơn, tóc máu được hình thành từ tuần thứ 24 của thai kỳ và phát triển dài ra đến khi bé được sinh ra.

Tóc máu là lớp tóc được hình thành từ khi bé còn trong bụng mẹ (Ảnh: Internet)

Tóc máu là lớp tóc được hình thành từ khi bé còn trong bụng mẹ (Ảnh: Internet)

Tóc máu có chức năng bảo vệ phần thóp của trẻ. Do phần thóp của trẻ sơ sinh rất non nớt nên cần được bảo vệ cũng như cần được giữ ấm. Lớp tóc máu này sẽ rụng dần qua thời gian và để lớp tóc sau này mọc lên.

2. Có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh?

Theo các bác sĩ, da đầu bé sơ sinh rất mỏng. Việc cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh là hoàn toàn không cần thiết và không an toàn. Nếu trong quá trình cắt không cẩn thận có thể dẫn đến trầy xước da gây nhiễm trùng da ở trẻ. Thông thường khi trẻ được hơn 1 tuổi, thóp mới bắt đầu liền. Khi đó các bậc phụ huynh mới có thể cắt tóc máu an toàn cho bé. Khi thóp chưa liền, cắt tóc máu cũng làm cho thóp không được giữ ấm.

Trên thực tế, theo thời gian tóc máu sẽ tự rụng để lớp tóc khác mọc lên. Chính vì vậy phụ huynh cũng không nhất thiết phải cắt tóc máu cho bé. Trừ khi tóc quá rậm và dày làm hạn chế tầm nhìn hay gây khó chịu cho bé khi trời nóng.

3. Cắt tóc máu có làm tóc mới dày và mọc nhanh hơn không?

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng tóc của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào yếu tố di truyền. Tóc thưa hay mỏng, đen hay vàng hoa, xoăn hay thẳng hoàn toàn không phải do việc cắt tóc máu quyết định. Điều này là do tóc mọc từ các nang lông dưới da đầu và việc cắt tóc chỉ can thiệp trên bề mặt. Việc can thiệp này không ảnh hưởng đến sự phát triển hay tính chất của tóc.

Cắt tóc máu không làm cho tóc trẻ mọc nhanh và dày hơn (Ảnh: Internet)

Ngoài ra tóc máu của trẻ cũng có cấu trúc như các sợi tóc bình thường do vậy sẽ có sự rụng tóc tự nhiên. Tuy nhiên quá trình này diễn ra không đồng đều nên sẽ có sợi mọc trước sợi mọc sau. Sợi tóc nào dài ra trước sẽ rụng trước và tương tự. Do đó tóc của trẻ thoạt nhìn không được đồng đều và gây nên cảm giác tóc không được dày, óng ả.

Việc cắt tóc cho trẻ sẽ khiến các sợi tóc của trẻ dài đều nhau, vì vậy sẽ có cảm giác tóc nhiều và dày hơn. Điều này hoàn toàn không phải do cắt tóc máu làm tóc mới dày và mọc nhanh hơn như quan niệm dân gian xưa truyền lại.

4. Những lưu ý khi cắt tóc máu cho bé

Tuy rằng việc cắt tóc máu là hoàn toàn không cần thiết, nhưng nếu tóc quá dày và dài gây ngứa cũng như khó chịu cho bé. Mẹ có thể cắt tóc để đảm bảo sự thoải mái cho trẻ và cần tuân thủ những lưu ý sau đây:

- Không cắt tóc cho bé khi bé chưa đủ 5 tháng tuổi.

- Nếu bé mới ốm dậy hay trong người mệt mỏi, không khỏe thì không nên cắt tóc cho bé.

- Không cắt tóc khi bé đang bứt rứt khó chịu, quấy khóc.

- Cố gắng cắt tóc cho bé càng nhanh càng tốt vì bé chưa ý thức được lời người lớn nói. Trẻ ngọ nguậy không chịu ngồi yên dễ dẫn đến bị thương do dụng cụ cắt tóc chạm vào.

- Không nên cắt tóc khi bé đang ngủ. Nhiều người nghĩ việc cắt tóc trong lúc ngủ sẽ dễ dàng do bé không ý thức được. Tuy nhiên trẻ có thể thức giấc và sẽ hoảng sợ cũng như quấy khóc.

- Cần tắm lại cho trẻ bằng nước ấm sau khi cắt tóc xong để bé không bị ngứa hay khó chịu do vụn tóc bám lại trên da.

Hướng dẫn mẹ cách cho trẻ sơ sinh bú đúng tư thế

Anh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-nen-cat-toc-mau-cho-tre-so-sinh-nhung-luu-y-can-ghi-nho-khi-cat-toc-mau-la-gi-4120201191331676.htm