Có nên bỏ vinh danh Thủ khoa đại học?

Gần đây Trung Quốc tuyên bố sẽ cấm việc tuyên truyền vinh danh gương Thủ khoa, các chuyên gia giáo dục Việt Nam nói gì?

Một số quốc gia đã bỏ việc vinh danh thủ khoa đại học, tại Việt Nam việc này vẫn được thực hiện trong nhiều năm qua. Ảnh: TL

Một số quốc gia đã bỏ việc vinh danh thủ khoa đại học, tại Việt Nam việc này vẫn được thực hiện trong nhiều năm qua. Ảnh: TL

Vinh danh - tư tưởng nặng thi cử

Theo Global Times đưa tin ngày 17/5, người đứng đầu ngành giáo dục Trung Quốc muốn chấm dứt việc tôn sùng quá mức thủ khoa đại học. Global Times dẫn lời ông Trần Bảo Sinh - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc, nếu phát hiện trường hợp vi phạm nào, sẽ xử lý nghiêm, ông Chen Baosheng nhấn mạnh trong hội nghị quốc gia mới đây. Đồng thời, tỷ lệ đỗ đại học của từng địa phương cũng bị cấm tiết lộ. Nhiều người cho rằng, chỉ thị trên xuất phát từ lo ngại danh hiệu thủ khoa bị gắn quá nhiều yếu tố thương mại như công cụ quảng bá, kinh doanh và việc tuyên truyền quá mức của các trường, mang đến quá nhiều áp lực cho học sinh lẫn phụ huynh và cả xã hội.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam là nước có “truyền thống” vinh danh thủ khoa đại học ở cả phương diện “đầu vào”, lẫn thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH, học viện. Đây là một hình thức khuyến khích, vinh danh với những thí sinh, sinh viên có nhiều nỗ lực trong học tập, thi cử trong những năm qua. Tuy nhiên, không chỉ phạm vi cấp trường, mà còn diễn ra lễ tôn vinh cấp toàn quốc, tỉnh thành, quận, huyện… Nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đứng ra tổ chức lễ vinh danh, tặng quà, học bổng hay chế độ đãi ngộ tuyển dụng các thủ khoa sau khi ra trường.

Cho rằng, hình thức tôn vinh thủ khoa chỉ có một số nước châu Á ảnh hưởng từ nền giáo dục trọng bằng cấp, Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh chuyên nghành giáo dục tại Đại học Newcastle (Australia) và là thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) chia sẻ, Trung Quốc được xem là cái nôi của nền giáo dục khoa cử, lấy bằng cấp, học hàm làm thước đo năng lực của cá nhân. Việc tôn vinh mang tính sùng bái các thủ khoa phản ánh rõ sự ảnh hưởng của tư tưởng đó. Do việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Trung Quốc đang được ưu tiên hàng đầu, do đó việc xóa bỏ vinh danh thủ khoa cũng nằm trong ưu tiên đó.

Các quốc gia tiên tiến đã xóa bỏ từ lâu

Ủng hộ cho việc xóa bỏ trọng bằng cấp, thi cử, Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, Việt Nam muốn xóa bỏ được tư tưởng trọng bằng cấp, trọng danh vị không thể làm trong một sớm một chiều mà cần phải có lộ trình và thời gian. Việc đánh giá học sinh hiện nay còn theo điểm số và chạy đua thành tích đã vô hình kéo theo nhiều hệ lụy cho cả phụ huynh và học sinh. Ngay cả việc vinh danh thủ khoa hay những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi cũng vô tình định hướng cho trào lưu “học gạo” mà không chú trọng đến kỹ năng thực nghiệp. Vì vậy, nhiều thí sinh đậu thủ khoa nhưng khi vào học đại học lại học rất yếu, một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng khi ra làm thực tế thì rất kém về kỹ năng.

Lấy so sánh ở một số quốc gia phát triển, Thạc sỹ Hiền cho biết: “Ở các nước có nền giáo dục tiến bộ như Mỹ hay Úc. Học sinh phổ thông không bị áp lực về điểm số và chạy đua thành tích. Học sinh được quyền lựa chọn môn học mình thích, phụ huynh cũng không bao giờ gây sức ép cho con phải đứng đầu lớp hay phải có thành tích hơn bạn hơn bè. Việc vinh danh ở trường phổ thông Úc được xem như là phương pháp để khích lệ năng lực riêng của mỗi em, ở bất kỳ môn học nào học sinh cũng đều được tuyên dương và vinh danh nếu như đạt thành tích tốt. Mục đích của việc vinh danh học sinh là để ghi nhận và thúc đẩy phát triển năng lực riêng của cá nhân học sinh, chứ không phải để khoa trương tạo hư danh cho các em”.

“Để hướng tới được nền giáo dục thật sự tiến bộ, cần dần xóa bỏ nền giáo dục khoa cử, trọng hư danh và bằng cấp. Tôi cho rằng, Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Vì thế, việc tôn vinh thủ khoa hay đề cao điểm số trong thi cử cần được nghiên cứu giảm lược, thậm chí tiến tới xóa bỏ cách thức tổ chức rùm beng, gây lãng phí và tạo áp lực cho cả người được vinh danh”, Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền nhận định.

Những năm qua trên phạm vi cả nước đã có nhiều hoạt động vinh danh thủ khoa khối các trường đại học, học viện. Tuy nhiên, trong số đó, những sinh viên duy trì thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, được vinh danh thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc lại không nhiều. Tại Hà Nội, sau 15 năm (tính đến hết 2017), đã có 1.617 Thủ khoa được vinh danh, được tạo điều kiện về công việc trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, tính đến năm 2016, chỉ có 147 thủ khoa xuất sắc làm việc trong các cơ quan nhà nước tại Hà Nội. Ngoài ra, năm 2017, câu chuyện của Bùi Thị Hà (Hà Giang), Thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ở nhà phụ mẹ bán hoa, nuôi lợn để chờ kỳ thi vào biên chế được tranh luận rất nhiều trên mạng xã hội.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/co-nen-bo-vinh-danh-thu-khoa-dai-hoc-2018052521535835.htm