Có nên bỏ phong tục lì xì ngày Tết cho trẻ?

Có ý kiến cho rằng, nên bỏ phong tục lì xì ngày Tết cho trẻ để tránh việc trẻ coi trọng mệnh giá tiền.

Hiện nay do tác động của kinh tế thị trường, khó tránh khỏi chuyện trẻ em coi trọng mệnh giá tiền lì xì. Do đó, có ý kiến cho rằng, nên bỏ phong tục lì xì ngày Tết cho trẻ.

Chuyên gia văn hóa, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, tục lì xì mừng tuổi đầu năm đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết.

Người lớn cũng cần gieo vào lòng con trẻ rằng, ý nghĩa lớn nhất của Tết Nguyên đán vẫn là dịp để gia đình được sum vầy.

“Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu xuân năm mới. Lì xì đã có từ ngàn năm chứ không phải bây giờ mới có nên không thể bỏ được phong tục vốn có ý nghĩa tốt đẹp này”, TS Sơn nói.

Thực chất, lì xì nên chỉ có món quà nhỏ để tặng cho trẻ con với mong muốn trẻ con hay ăn chóng lớn, tặng người già theo nghĩa chúc tuổi người già. Bởi người xưa có câu “trẻ được bát canh, già được manh áo mới”.

Để giữ được nét đẹp của tục lì xì và trẻ không coi trọng mệnh giá, trước hết người lớn phải nâng cao ý thức, nên nghĩ rằng mừng tuổi cho trẻ em là ý nghĩa biểu tượng. Người lớn cố gắng làm sao đó để phong tục này là mỹ tục đừng biến thành hủ tục thì nó sẽ trở thành nét đẹp văn hóa.

Để tránh sự biến tướng từ phong tục lì xì, chỉ có cách tuyên truyền, vận động. Đến thời điểm nào đó, con người sẽ nhận thức được rằng, đó là tiêu cực và trở lại đúng ý nghĩa ban đầu của tục mừng tuổi đầu năm.

Bên cạnh đó, mọi người lưu ý câu “của cho không bằng cách cho”, tức là chú ý đến thái độ ân cần, vui vẻ, niềm nở của người mừng tuổi và trẻ em có thái độ trân trọng, mừng rỡ, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết.

Người lớn cũng cần gieo vào lòng con trẻ rằng, ý nghĩa lớn nhất của Tết Nguyên đán vẫn là dịp để gia đình được sum vầy, đoàn viên và mừng tuổi chỉ là để lấy lộc may mắn đầu năm.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi lì xì, mọi người chỉ nên cho vào phong bao một số tiền rất nhỏ. Số tiền trong phong bao càng nhiều thì giá trị càng ít. Lì xì nhiều - ít, dày - mỏng không phải là thước đo tình cảm và tôn vinh nhau.

Cha mẹ hãy dạy con không xé phong bao lì xì trước mặt khách vì đây là hành động không đẹp. Đôi lúc sẽ khiến khách cảm thấy khó chịu và xấu hổ.

Cha mẹ tuyệt đối không bình luận so sánh về giá trị mỗi bao lì xì. Trong ngày Tết chúng ta vẫn thường nghe đâu đó trẻ em hay so sánh: Người này mừng nhiều, người kia mừng ít.

Diệu Thu

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-nen-bo-phong-tuc-li-xi-ngay-tet-cho-tre-d448863.html