Có nên áp dụng 'thiết quân luật' trong khu cách ly dịch Covid-19 phòng bỏ trốn?

Cách ly để theo dõi sức khỏe trước tình hình dịch Covid-19 (nCoV) là phạm trù nhân đạo, không thuộc về an ninh nên không cần áp dụng biện pháp 'thiết quân luật'.

Để chống lây lan dịch bệnh Covid-19 (nCoV), hạn chế đỉnh dịch lên cao, các địa phương trong cả nước đang tập trung thực hiện các biện pháp cách ly nhằm khoanh vùng, dập dịch.

Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp bỏ trốn khỏi khu vực cách ly hoặc tự ý đi ra ngoài. Điển hình như trường hợp người phụ nữ bỏ trốn khỏi khu vực cách ly tại Trung đoàn 123 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn (phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) vào sáng 10/2 khiến nhiều người lo lắng.

Có ý kiến cho rằng, nên áp dụng biện pháp “thiết quân luật” trong khu cách ly để phòng các trường hợp bỏ trốn, khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an). (Nguồn: VietnamNet)

Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an). (Nguồn: VietnamNet)

Chiều 14/2, trả lời PV VTC News, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho hay, cách ly để theo dõi sức khỏe trước tình hình dịch Covid-19 là phạm trù nhân đạo, không thuộc về an ninh. Vì vậy, chúng ta không nên đưa "thiết quân luật" áp dụng trong trường hợp này.

Cách ly để theo dõi sức khỏe trước tình hình dịch Covid-19 (nCoV) là phạm trù nhân đạo, không thuộc về an ninh nên không cần áp dụng biện pháp "thiết quân luật".

Thiếu tướng Lê Văn Cương

“Nguyên tắc của cách ly là phải tuyệt đối, phải theo quy định, không được ai ra vào tự do để bảo vệ cộng đồng và người thân”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Còn "thiết quân luật' chỉ áp dụng trước tình hình mất an ninh, trật tự xã hội mà không thể kiểm soát được. Trong trường hợp đó, áp dụng thiết quân luật để ngăn chặn hành động phạm tội, làm mất an ninh trật tự, rối loạn xã hội.

Tùy từng quốc gia sẽ áp dụng các giờ thiết quân luật. Sau đó không ai được đi lại, nếu đi lại phải có điều kiện đặc biệt.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông luật cho hay, Luật Quốc phòng 2018 có hiệu lực từ 1/1/2019 dành riêng một điều quy định về "thiết quân luật".

"Thiết quân luật" là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện.

"Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ", luật sư Bình cho hay.

Có nên áp dụng biện pháp 'thiết quân luật' trong khu cách ly dịch Covid-19 phòng bỏ trốn?

Luật sư Bình phân tích, đến thời điểm này chỉ có Thủ tướng công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Khi dịch bệnh trong tình trạng khẩn cấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch phải được thực hiện theo nguyên tắc: Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp; Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

"Cho đến nay chưa có bất cứ việc ban bố tình trạng khẩn cấp nào của Ủy ban thường vụ Quốc hội hay của Chủ tịch nước nên việc cách ly này không phải "thiết quân luật", luật sư Bình nhấn mạnh.

Chốt chặn cách ly tại xác Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Đông - Bí thư huyện Ủy Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết, sáng 14/2 là ngày thứ 2 huyện thực hiện quyết định cách ly, khoanh vùng xã Sơn Lôi (nơi được xem là "tâm dịch" Covid-19), mọi hoạt động của người dân vẫn diễn ra bình thường.

“Các chốt được lập lên ngăn không cho người dân trong xã đi ra vùng khác nhằm phòng chống dịch lây lan. Hiện tại đang mới cách ly, người dân chưa hiểu phải tuyên truyền cho họ hiểu, nếu cố tình mới dùng đến biện pháp cụ thể, mạnh hơn”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, nhiều người dân xã chia sẻ rất đồng tình với biện pháp cách ly nhằm giúp mình và cũng để giúp cộng đồng. Lực lượng chức năng kiểm soát chặt người ra vào xã tại các chốt chặn ở xã Sơn Lôi.

Bệnh viện dã chiến tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) để cách ly các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 (nCoV).

Cũng liên quan đến vấn đề này, thông tin với PV VTC News, ông Nguyễn Trọng Diện - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, hiện nay, Bệnh viện Dã chiến được thiết lập tại TP Móng Cái và những cơ sở y tế để cách ly tập trung đối với những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 (nCoV).
Khu vực này được tăng cường các lực lượng chức để đảm bảo an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ, không để cho bất cứ trường hợp nào trốn khỏi nơi cách ly.

"Các lực lượng gồm công an, quân đội, dân quân giám sát chặt chẽ để người phải cách ly không bỏ trốn được và người nhà không được tiếp xúc với người nghi nhiễm thì mới đảm bảo cho việc cách ly được an toàn", ông Diện thông tin.

Chiều 12/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 269 chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương kể từ 13/2 phải triển khai khẩn cấp nhiệm vụ khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời, lập 8 chốt ở những điểm thuận lợi trên những con đường đi vào và đi ra xã Sơn Lôi. Các chốt này được bố trí các lực lượng canh gác, kiểm tra kiểm soát cả ngày lẫn đêm với quyết tâm ngăn ngừa, không lây lan mầm bệnh.

Thời gian khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên là 20 ngày (13/2 đến 3/3).

Minh Khang - Mạnh Đoàn - Hữu Dánh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/doi-song/co-nen-ap-dung-bien-phap-thiet-quan-luat-trong-khu-cach-ly-dich-covid-19-phong-bo-tron-ar526623.html