Có nên áp dụng biện pháp cắt điện, nước để xử phạt hành chính?

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC). Theo đó, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế mới là ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức VPHC trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Hiện nay, chưa áp dụng biện pháp ngưng cung cấp điện, nước để xử lý vi phạm hành chính. Trong ảnh: Một căn nhà xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản tại P.Tân Vạn (TP.Biên Hòa) bị cưỡng chế. Ảnh: Khắc Thiết

Hiện nay, chưa áp dụng biện pháp ngưng cung cấp điện, nước để xử lý vi phạm hành chính. Trong ảnh: Một căn nhà xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản tại P.Tân Vạn (TP.Biên Hòa) bị cưỡng chế. Ảnh: Khắc Thiết

Theo nhiều cơ quan chức năng tại Đồng Nai, việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước là một trong những biện pháp có thể hỗ trợ cho việc cưỡng chế, xử phạt VPHC, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và trật tự xây dựng.

* “Đau đầu” với xử lý vi phạm

Lâu nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (xây dựng trái phép, tự ý thay đổi kết cấu công trình...) hoặc vi phạm bảo vệ môi trường (xả thải bốc mùi hôi sang khu dân cư...). Việc này khi được cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản xử phạt, cho thời hạn khắc phục thì một số cá nhân, tổ chức (chủ nhà hoặc chủ cơ sở vi phạm) lại chống đối, không nộp phạt, không khắc phục, phản ứng khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế.

Chủ tịch một UBND phường tại TP.Biên Hòa cho biết: “Lực lượng xử lý VPHC về xây dựng của phường hiện khá mỏng, mỗi lần cưỡng chế thời gian kéo dài, rất căng thẳng trước áp lực từ phía người vi phạm. Bên cạnh đó, với VPHC trong bảo vệ môi trường lại càng khó vì có những khái niệm như mùi hôi, bụi... chỉ mang tính cảm quan. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng xuống đo, lấy mẫu thì chủ cơ sở và những người bị ảnh hưởng cũng không hợp tác chấp hành”.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo một phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, hiện nay việc xử lý VPHC các cá nhân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Lý do là việc cải tạo, thay đổi kết cấu, xả thải không diễn ra rầm rộ bên ngoài doanh nghiệp mà diễn ra bên trong các nhà xưởng, các khu vực được che chắn bởi hàng rào mà không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có thể kiểm tra được.

Vị lãnh đạo này nói thêm: “Khi đến đợt kiểm tra thì công trình cải tạo bên trong đã xong, lập biên bản yêu cầu khắc phục; quá hạn khắc phục mới ra quyết định xử phạt, thậm chí tống đạt quyết định xong nhưng lại có trường hợp doanh nghiệp chây ỳ không đóng phạt. Tôi cho rằng, nếu được thì nên xem xét cho phép áp dụng “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” để xử lý vi phạm. Có như vậy, doanh nghiệp, cá nhân sẽ hạn chế vi phạm”.

Để đạt được hiệu quả trong cưỡng chế, xử phạt VPHC, các cơ quan chức năng đều nhận định nếu được áp dụng thì chỉ cần thực hiện tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt. Đặc biệt là chỉ XPHC đối với những vi phạm về trật tự xây dựng và bảo bệ môi trường; đồng thời áp dụng có thời hạn đến khi nộp phạt hoặc khắc phục xong vi phạm.

* Chưa có cơ sở pháp lý

Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, trước đây, việc ngưng cung cấp điện, nước để cưỡng chế, xử phạt VPHC trong lĩnh vực môi trường và xây dựng đã từng được áp dụng. Cụ thể là tại Khoản 1, Điều 52, Nghị định 117/2009 ngày 31-12-2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Khoản 2, Điều 4, Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị .

Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành như Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 của Chính phủ (về xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở) và Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ (về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng không đề cập biện pháp cưỡng chế ngừng cấp điện. Ngoài ra, trong Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020) và Luật Xử lý VPHC năm 2012 cũng không còn nhắc tới biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với việc cưỡng chế, xử phạt VPHC trong lĩnh vực môi trường và xây dựng .

“Do đó, nếu cơ quan chức năng tiến hành áp dụng biện pháp ngưng cung cấp điện, nước để xử lý VPHC là không có cơ sở pháp lý. Nếu muốn áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, sửa đổi, bổ sung các nghị định, luật nêu trên” - luật sư Lê Quang Y nói thêm.

Bên cạnh đó, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, việc cung cấp dịch vụ điện, nước được thực hiện theo hợp đồng dân sự được ký kết giữa cá nhân, tổ chức với công ty cung cấp dịch vụ. Vì vậy, việc đưa biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với việc cưỡng chế, xử phạt VPHC là chưa thuyết phục và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm được nêu trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Định nhấn mạnh: “Nên tập trung xây dựng các cơ chế, cách thức buộc cán bộ quản lý khu vực, quản lý lĩnh vực có trách nhiệm ngăn VPHC xảy ra. Đồng thời, áp dụng biện pháp cưỡng chế khác như: chặn một số thủ tục hành chính khi chưa nộp phạt, công khai tên cơ sở vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tạo áp lực để cơ sở phải khắc phục VPHC, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và trật tự xây dựng”.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202011/co-nen-ap-dung-bien-phap-cat-dien-nuoc-de-xu-phat-hanh-chinh-3030824/