Có 'nâng cấp' Ban Quản lý ATTP thành Sở?

TP. HCM đề xuất lập Sở ATTP thay vì Ban Quản lý ATTP do có nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động của Ban.

Ngày 1/11, tại hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý đã thống kê sau thời gian hoạt động, đồng thời đề xuất được nâng cấp lên thành sở.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Ảnh: SGGP

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Ảnh: SGGP

Theo báo cáo, 9 tháng cuối năm 2017, Thành phố không xảy ra vụ ngộ độc nào có quy mô trên 30 người. Năm 2018, xảy ra 3 vụ ngộ độc với 77 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Tính đến tháng 6/2019, toàn Thành phố có 1 vụ ngộ độc với 24 người mắc và không có trường hợp tử vong.

Thời gian qua, các đoàn thanh kiểm tra cả 3 cấp của Thành phố đã thanh kiểm tra hơn 111.000 cơ sở, phát hiện vi phạm hơn 29.000 cơ sở, xử phạt hơn 9.000 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 61,8 tỷ đồng.

Ban cũng tăng cường phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các trường hợp sản xuất kinh doanh không có số đăng ký, vi phạm chất lượng. Đã xử phạt 5 cơ sở với tổng số tiền là trên 668 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 3 cơ sở…

Theo bà Phong Lan, Ban được giao nhiệm vụ tương đương cấp sở nhưng luật hiện hành không quy định cơ chế hoạt động cụ thể cho thanh tra cấp ban. Do đó, Ban không thể hoạt động theo mô hình của thanh tra sở mà chỉ có thể duy trì hình thức thanh tra chuyên ngành như cấp chi cục.

Từ thực tế này, có nhiều vấn đề bất lợi được đặt ra như thiếu biên chế, nhân lực, khó khăn trong tuyển dụng.

Đặc biệt, bà Lan nhấn mạnh khó khăn trong chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý hình sự và còn thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

“Vi phạm an toàn thực phẩm khác gì đầu độc con người. Nhưng các chế tài hiện tại chưa đủ tính răn đe và rất ít trường hợp bị xử lý hình sự dù Điều 314 Bộ luật Hình sự đã quy định” - bà Lan khẳng định.

Với hàng nông sản tươi sống, nếu xử lý đúng theo quy trình sẽ rất lâu, do vậy Ban quyết định tiêu hủy tất cả hàng không có nguồn gốc xuất xứ hay hóa đơn chứng từ. Trường hợp người vi phạm không đồng ý tiêu hủy Ban sẽ làm theo quy trình nhưng tăng nặng xử phạt vì ngoan cố, thậm chí phát hiện giả mạo giấy tờ.

Sau 3 năm thành lập Ban, bộ phận này được đánh giá là “đột phá” trong việc tìm mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm tại TP.HCM.

Bà Lan cho rằng, bên cạnh sự cần thiết thành lập Sở ATTP thì cũng cần thành lập mạng lưới các Đội quản lý ATTP liên quận/huyện có chức năng tham mưu, giám sát ATTP và thanh kiểm tra xử lý vi phạm.

Đề xuất nâng hoạt động của Ban ATTP lên thành Sở được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ủng hộ. Theo ông mô hình này giải quyết được hạn chế là cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, đồng thời không làm tăng biên chế (do lấy nhân lực từ các sở ngành khác).

Tuy nhiên ông nhìn nhận nguồn nhân lực của đơn vị “chưa đủ mạnh cả về chất lượng và số lượng”. Ngoài ra dù quy mô của Ban tương đương cấp sở nhưng cơ chế hoạt động chưa rõ ràng.

Vì vậy ông chỉ đạo Sở Nội vụ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm. Đồng thời xin kéo dài thêm thời gian thí điểm của Ban, bởi nếu không khi hết thời gian thí điểm (ngày 5/12 tới) thì mọi quyết định xử phạt không còn hiệu lực.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/co-nang-cap-ban-quan-ly-attp-thanh-so-3390620/