Có một vị Bộ trưởng trong lòng dân

Giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 1952 đến 1981, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng...

Cuối tháng 10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là sự tiếp nối thực hiện những giá trị đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của người cán bộ, đảng viên mà Bác Hồ từng nhấn mạnh.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Quốc Hoàn và nhiều đồng chí thuộc thế hệ lãnh đạo tiền bối đã luôn nhất quán thực hiện nêu gương, mẫu mực từ việc quốc gia đại sự đến việc gia đình...

Giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 1952 đến 1981, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng.

Sinh thời, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân (nguyên Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc - Bộ Công an), người trợ lý của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từ đầu những năm 1950, có nhiều kỉ niệm sâu sắc với vị bộ trưởng tiền bối. Ông kể: "Anh Hoàn tự bạch, về trình độ văn hóa, anh chỉ học hết năm thứ hai bậc thành chung thời Pháp thuộc mà thôi. Nhưng không riêng tôi, mà anh em cán bộ, chiến sĩ đều khâm phục kiến thức sâu rộng của anh Hoàn. Anh là người rất say mê đọc sách lịch sử, sách khoa học kĩ thuật.

Với tầm nhìn chiến lược, từ rất sớm, anh Hoàn đã đề xuất Trung ương Đảng và Chính phủ cho thành lập, phát triển các đơn vị kĩ thuật phục vụ công tác an ninh. Thực ra, tôi không rõ anh Hoàn suy nghĩ việc xây dựng công tác phản gián điện đài và tình báo điện đài của Công an từ lúc nào...

Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (hàng đầu, giữa) - nhà lãnh đạo xuất sắc của Lực lượng CAND Việt Nam.

Trước khi tiếp quản Thủ đô, ngày 1-7-1954, anh trực tiếp lựa chọn và giao nhiệm vụ cho 5 cán bộ đầu tiên làm công tác phản gián và tình báo điện đài. Đây là một quyết định sáng suốt. Có số cán bộ này thì mới có người lo những công việc ban đầu. Đến tháng 1-1955, anh Hoàn đặt vấn đề với Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô viện trợ xây dựng một công trình phản gián điện đài và tình báo điện đài, để thử nghiệm và đào tạo cán bộ. Bạn đồng ý và cử chuyên gia sang giúp ta nghiên cứu tại chỗ, tìm địa điểm đặt các cơ sở kĩ thuật thử nghiệm và đào tạo những cán bộ đầu tiên.

Sau 3 năm thử nghiệm, thu được nhiều kết quả tốt đẹp, đến năm 1959, anh Hoàn tiếp tục đề nghị bạn giúp đỡ xây dựng các công trình kĩ thuật làm công tác phản giá điện đài và tình báo điện đài với quy mô lớn, hoàn chỉnh hơn. Đó là công trình Phương Đông - đã hoàn thành vào cuối năm 1962, phục vụ rất hiệu quả công tác bảo vệ an ninh ở miền Bắc và đánh địch ở miền Nam".

Một kỉ niệm sâu sắc Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân nhớ mãi, thể hiện sự sâu sát, cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ huy của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là chuyện "duyệt biên chế". Từng là Cục phó phụ trách Cục Thông tin liên lạc 15 năm, ông Nhân đã được chứng kiến nhiều lần Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn duyệt kế hoạch công tác, duyệt chỉ tiêu biên chế, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ: “Khi anh Hoàn duyệt tổ chức của Cục, những bộ phận nào anh thấy là chưa cần thiết thì cương quyết cắt. Biên chế thì anh duyệt từng người, yêu cầu giải trình rõ khối lượng công việc của biên chế đó là gì... Vì thế, tổ chức bộ máy rất gọn nhẹ nhưng hoạt động hiệu quả. Anh cũng là người rất sâu sát, thường xuyên chủ động gặp gỡ cán bộ cấp dưới để nắm bắt tình hình”.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn xác định rõ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Muốn như vậy, mọi hoạt động, mục đích của công tác Công an đều phải nhằm phục vụ nhân dân; phải xây dựng Công an thật sự cách mạng, luôn vì nhân dân phục vụ, là bạn dân.

Ông từng nhấn mạnh: “Cán bộ, chiến sĩ Công an phải thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui và hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”. Đây là quan điểm nhất quán với tư tưởng Hồ Chí Minh: Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép; cán bộ là công bộc của dân.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhờ huy động được sức mạnh của toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh rộng khắp ở miền Bắc đã tạo nên thế “thiên la, địa võng”; hầu hết bọn phản động, gián điệp, biệt kích đều bị sa lưới hoặc ẩn mình, không dám hoạt động, chống phá. Những phong trào bảo vệ trị an rộng khắp từ miền núi tới miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị đã góp phần giữ vững an ninh của hậu phương lớn miền Bắc.

Trong thành tựu ấy, có sự đóng góp công sức, trí tuệ không nhỏ của đồng chí Trần Quốc Hoàn. Thực tế đó cho thấy, lực lượng Công an đã “thắng lợi hoàn toàn” nhờ có được lòng dân - đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: Khi nhân dân giúp đỡ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giao trọng trách đứng đầu lực lượng Công an từ năm 1952, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã dành nhiều công sức, trí tuệ xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Công an các cấp. Sinh thời, Trung tướng Trần Quyết (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) đã nhắc lại nhiều kỉ niệm với đồng chí Trần Quốc Hoàn: Trong các chương trình huấn luyện, đồng chí Bộ trưởng đặc biệt chú ý đến phần lí luận chính trị. Các môn lí luận chính trị thường chiếm khoảng một phần ba chương trình học tập. Đối với các khóa đào tạo cơ bản, đồng chí yêu cầu đặc biệt chú trọng các môn văn hóa, ngoại ngữ...

Cũng theo đồng chí Trần Quyết, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người chủ trương và quyết tâm mở các khóa đào tạo sỹ quan chính quy bậc đại học của ngành Công an, với khóa D1 khai giảng năm 1969.

Sau này, hầu hết các học viên D1 và các khóa về sau đều trưởng thành, có những đóng góp quan trọng với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo chủ chốt của lực lượng Công an từ Trung ương đến địa phương. Đồng chí Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến việc tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là với các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên; đã thành lập các trường đào tạo Công an từ lứa tuổi thiếu niên, trường An ninh miền Nam... góp phần tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt của Công an các địa phương sau này.

Một kỉ niệm sâu sắc được đồng chí Trần Quyết hay nhắc đến: Hồi đó ông đang là Giám đốc Công an khu Tây Bắc. Khi ta giải phóng Điện Biên, tướng phỉ Sáy Gâu bỏ chạy sang Lào. Sau khi y trở về, nhiều lần ta cử lực lượng vây bắt, y đều trốn thoát vào rừng. Mãi về sau ta mới bắt được y. Sáy Gâu có cô con gái rất xinh đẹp, là vợ của một đồng chí Phó Chủ tịch huyện, cũng là người Mông...

Được ông Trần Quyết báo cáo, đồng chí Trần Quốc Hoàn tủm tỉm cười, rồi nói: "Ngày xưa, Khổng Minh bảy lần bắt rồi lại tha Mạnh Hoạch. Nay anh Quyết lại không dám tha Sáy Gâu hay sao? Cứ thả nó ra, khi nào nó nổi phỉ ta lại bắt nó, nó thoát đi đâu được mà sợ. Nếu ta bỏ tù nó thì sẽ mất luôn một Phó Chủ tịch huyện là con rể nó"... Thực hiện lời Bộ trưởng, đồng chí Trần Quyết đã áp dụng biện pháp khoan hồng và sau này Sáy Gâu đã quy phục cách mạng.

Trong gia đình, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn giáo dục các con phải trung thực, sống và làm việc bằng năng lực của bản thân. Chị Nguyễn Thị Minh Lợi, thứ nữ của đồng chí Trần Quốc Hoàn kể lại: "Bố tôi rất nghiêm khắc với các con. Ông luôn nhắc chúng tôi phải sống tự lập, chân thành và trung thực. Và chính bố tôi cũng luôn làm gương như vậy. Sau này trong cuộc sống và công tác, mấy chị em tôi luôn suy nghĩ không được làm gì để ảnh hưởng tới uy tín của bố và truyền thống của gia đình".

Tự giác nêu gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, trung thực và chân thành là những phẩm chất cao quý của vị bộ trưởng tiền bối Trần Quốc Hoàn. Đó cũng là căn nguyên góp phần vào những chiến công, thành tích của lực lượng CAND trong chặng đường hơn 70 năm qua.

Trần Duy Hiển - Xuân 2019

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/co-mot-vi-bo-truong-trong-long-dan-530351/