Có một trường thi Tiến sĩ võ ở Bình Định

Festival Huế những lần tổ chức thường tái hiện Hội thi 'Tiến sĩ võ' của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Từ thời vua Minh Mạng đã xây dựng Võ Miếu bên cạnh Văn Miếu nhằm tôn vinh võ học và những quan võ có công với đất nước. Tại lễ hội Festival Huế thường dàn dựng lại kỳ thi chung khảo Tiến sĩ võ có các tiết mục biểu diễn võ thuật cổ truyền đặc sắc của Việt Nam, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định cũng thường cử nhiều võ sĩ tham gia biểu diễn.

Dạy võ cổ truyền cho trẻ em tại võ đường Phan Thọ, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Tấn Tuấn

Dạy võ cổ truyền cho trẻ em tại võ đường Phan Thọ, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Tấn Tuấn

Quan võ ở “đất võ”

Bình Định từ xưa đã nổi tiếng về tinh thần thượng võ. Không chỉ nam giới học võ, ngay cả phụ nữ cũng không chịu nhận thân phận “phái yếu”. Vì vậy mới có câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi, đi quyền”. Chuyện “đất võ” có nhiều người giỏi võ chắc không lạ với chúng ta. Tuy vậy, điều ít được biết đến là ở xứ sở này đã từng có một “trường thi Tiến sĩ võ” để làm quan võ trong các triều đình phong kiến Việt Nam...

Thời nhà Nguyễn, do tình hình cấp thiết phải đào tạo những võ tướng cho triều đình nên vào năm Đinh Mão (1851), nhà vua đã chỉ dụ mở trường thi võ ở huyện An Nhơn, Bình Định. Các thí sinh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đều có thể đến dự thi tại Bình Định. Triều đình Huế cử một Tiến sĩ võ làm quan chủ khảo ở Trường thi An Nhơn để chấm thi tuyển chọn nhân tài.

Trường thi võ Bình Định nằm ở phía Tây Nam thành Hoàng Đế, nay thuộc xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn. Xung quanh trường, người ta cho xây một bức tường thành bằng chất liệu đá ong, rộng 193 trượng, cao 4 thước 5 tấc. Đây chính là một trong 4 trung tâm đào tạo “quan võ” cho triều đình Huế.

Thời ấy, cả nước có 4 trường thi võ, gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Huế và Bình Định. Thi “Tiến sĩ võ” có quy chế tuyển chọn từ thấp đến cao như thi “Tiến sĩ văn”. Đầu tiên thi “Hương võ” phải qua 3 giai đoạn như: Thí sinh xách vật nặng; đấu côn, quyền, đao, thương... và thi bắn súng. Sĩ tử nào vượt qua 3 môn thi nói trên được triều đình phong học vị “Cử nhân võ”, còn gọi là “võ cự”. Thí sinh nào chỉ đạt 2 môn thì được gọi là “Tú tài võ”. Sau kỳ thi “Hương võ” thì đến kỳ thi “Hội võ” và “Đình võ”. Thời ấy, các võ sư ngạch lính, ngạch dân ở các tỉnh về thi võ ở kinh thành đều được triều đình cấp tiền, gạo ăn đi đường...

Người đạt “Tiến sĩ võ” thường phải vượt qua 3 kỳ thi, đồng thời thông thạo về binh pháp mới được phong làm quan võ của triều đình. Trường thi võ ở Bình Định giống như các trường thi võ ở Hà Nội, Thanh Hóa và Huế. Thí sinh giỏi võ nhưng yếu về binh pháp, trận đồ thì không được công nhận là “Tiến sĩ võ”. Năm Mậu Dần (1878), triều đình Huế cho mở khoa thi “Hương võ” ở 4 địa điểm là Bình Định, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa và Hà Nội. Đến năm Kỷ Mão (1879), cả 4 trường thi võ trong toàn quốc chỉ tuyển được 120 võ cự.

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, Kiến Phúc lên ngôi với sự cố gắng khôi phục trường thi “Tiến sĩ võ”, ông đã cho mở lại các kỳ thi “Hương võ” để chọn “võ cự”. Nhà vua đổi mới thể lệ và các bộ môn thi võ như xách tạ, múa quyền, múa côn gỗ, múa đao to, lăn khiên, nhảy xa..., kỳ thi võ cuối cùng vẫn là môn bắn súng. Triều đình chuẩn y cho Bình Định chiêu mộ được 600 võ sinh về tổ chức nuôi dưỡng để chờ ngày tranh tài “võ cự”.

Thế nhưng, dự định tốt đẹp này đã tan thành mây khói khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ và Trung kỳ, đồng thời ngăn cản triều đình Huế tổ chức thi “quan võ”. Số võ sinh tuyển bị giải tán, trở về quê hương và sau này trở thành những võ sư đào tạo nhiều nghĩa quân tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp.

Trường thi “Tiến sĩ võ” ở Bình Định giải thể vào năm 1884. Theo các nhà nghiên cứu, việc trường thi võ bị bãi bỏ là đúng vì trên thực tế, các kỹ thuật về quyền cước, roi kiếm, đao thương và binh pháp cổ truyền không còn tác dụng trước vũ khí hiện đại như xe tăng, đại bác, máy bay và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại của quân đội viễn chinh Pháp.

Tuy vậy, trong suốt cả chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, tinh thần thượng võ của người Bình Định vẫn tồn tại và mang dấu ấn đặc biệt. Đất võ từ thời ấy nổi lên phong trào học võ. Người người tập võ, nhà nhà luyện võ và ngày càng xuất hiện nhiều bậc võ sư danh thủ tiếng tăm lừng lẫy, tài trí hơn người. Họ trở thành các lãnh tụ nghĩa quân kháng chiến chống ngoại xâm...

Tiến sĩ võ Bầu Đê

Kỳ thi “Tiến sĩ võ” ở Huế thời ấy xuất hiện một người Bình Định tên là Bầu Đê ra ứng thí. Ông là người có sức vóc khỏe mạnh phi thường. Môn thi mang vật nặng đi 200m theo quy định, nhưng Bầu Đê xách tạ chạy một mạch giáp vòng chu vi trường thi đến cả ngàn mét không nghỉ. Giám khảo triều đình Huế liền hội ý và lập tức đề cử Bầu Đê đạt giải thủ khoa, không cần thi tiếp các bộ môn đao kiếm, côn, quyền khác.

Một số võ sinh tỏ ra chưa tâm phục khẩu phục cách chấm điểm của giám khảo nên khiếu nại rằng “Võ gia dõng vi bán”, có nghĩa là đối với võ thuật thì sức mạnh mới chỉ là một nửa. Họ đề nghị Bầu Đê phải thi đấu thắng được 10 võ sinh có điểm cao nhất khóa thi mới phục...

Ban Giám khảo cũng muốn thử tài Bầu Đê xem sao liền đưa “cử võ” thứ nhất ra đấu. Bầu Đê chỉ xuất một chiêu đầu tiên đã đánh gãy roi đối thủ. Đấu thủ thứ 2 mới xuất trận đã bị Bầu Đê cướp roi và quật ngã ngay hiệp đầu. 8 vị “cử võ” còn lại đành bái phục và xin miễn thi đấu. Bầu Đê quê ở đất An Nhơn (Bình Định) là người nổi tiếng giỏi võ nghệ, chỉ với một cây côn đã làm cho nhiều cao thủ trong vùng khâm phục. Tại trường thi võ, ông chỉ xuất chiêu vài ba hiệp đã đánh bại cả 3 “cử võ” hạng Nhất, Nhì, Ba vừa được tuyển chọn. Viên quan chủ khảo vốn là một Tiến sĩ võ của triều đình Huế với cây trường côn nổi tiếng cũng muốn thử tài Bầu Đê.

Thời ấy, trong giới võ thường truyền tụng câu: “Roi kinh (đô), quyền Bình Định”, còn ở đất võ có câu: “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”. Ban đầu nhiều người nghĩ rằng: Đấu roi thắng “Tiến sĩ võ” của triều đình Huế không phải là chuyện dễ. Vị “Tiến sĩ võ” đất kinh đô đề nghị Bầu Đê đấu với ông 10 hiệp. Bầu Đê lúc đầu e ngại không dám thi đấu, nhưng cuối cùng ông cũng chấp nhận. Hai bên xuất chiêu qua lại, chỉ nghe tiếng trường côn va vào nhau, loang loáng, một lát sau Bầu Đê dùng một thế “độc” đánh văng roi của quan võ, hai bên tiếp tục đấu hiệp hai. Bầu Đê lại la lớn: “Xin phép quan lớn cho tôi ra chiêu thứ 2”, nghe vậy, vị quan võ vội thoái bộ “Xin thôi” và nói rất phục tài Bầu Đê...

Nhân chứng một thời

Ông Lê Văn Nhiên, một võ nhân ở Quy Nhơn, tự giới thiệu là cháu 3 đời của một võ sư ẩn danh ở Bình Định kể lại rằng: Thời ấy Bầu Đê rất giỏi võ, tiếng tăm vang xa không chỉ ở Bình Định, mà còn cả nước, tuy vậy lại là đệ tử ruột của một võ sư ẩn danh khác ở xã Phước Thuận, Tuy Phước. Vị thầy võ này thường được gọi là “ông Bá Mười”, tên thật là Lê Tuyên. Ở huyện Tuy Phước (cách thành phố Quy Nhơn khoảng 12km) có một làng võ tên là “làng Lê Tuyên” để tưởng nhớ công lao của vị võ tướng đã một thời cùng Mai Xuân Thưởng tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp. Thời võ tướng Lê Tuyên (ông Bá Mười) còn hoạt động trong phong trào Cần Vương thì Bầu Đê chỉ là cận vệ của ông Bá Mười.

Có người kể: Ông Mười đậu Cử nhân võ, sau ra Huế thi Đình và đạt danh hiệu “Tiến sĩ võ”. Vị tân Tiến sĩ võ được vua cho về thăm nhà trước khi ra Huế nhậm chức. Khi ông Mười đi ngang qua địa phận Đèo Nhong (huyện Phù Mỹ) thì bị một con cọp nhảy ra tấn công, ông Mười đã đánh nhau với cọp từ nửa đêm đến gần sáng hôm sau mới giết được cọp. Người dân trong vùng rất nể phục vị tân Tiến sĩ võ đã trừ mối nguy hại luôn rình rập ở đoạn đường đèo này. Tuy vậy, khi triều đình Huế nghe tin trên đã kết tội “phản sư”. Họ cho rằng giết cọp là vi phạm đến điều cấm kỵ của con nhà võ. Sau đó, nhà vua ra chiếu chỉ thu hồi danh hiệu “Tiến sĩ võ” của ông Mười.

Bình Định là vùng đất lịch sử của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Trường thi Tiến sĩ võ ở Bình Định là nơi đã phát hiện những vị Tiến sĩ võ luôn có tinh thần thượng võ, trượng nghĩa – vang bóng một thời.

Nguyễn Tấn Tuấn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/co-mot-truong-thi-tien-si-vo-o-binh-dinh/