Có một 'Trung đội thơ văn'...

Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, trừ Báo Văn nghệ là tờ chuyên về... văn nghệ thì có lẽ Báo Quân đội nhân dân (QĐND) là tờ nhật báo chính trị 'quán quân' về số lượng những phóng viên, biên tập viên là nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp qua các thời kỳ. Số lượng ấy đủ để biên chế thành một 'Trung đội thơ văn' của tòa soạn, hoặc thành lập một 'Chi hội nhà văn áo lính' của Hội Nhà văn Việt Nam...

“Lớp anh trước, lớp em sau”...

Trước ngày Báo QĐND ra số đầu tiên (20-10-1950), tờ báo tiền thân là Vệ Quốc quân đã có 5 tác giả thơ văn nổi tiếng: Thôi Hữu, Thâm Tâm, Trần Đăng, Hoàng Lộc và Vũ Cao.

Cả 5 tác giả trên đều thuộc lớp tiền bối của thơ ca cách mạng Việt Nam. Trong đó, Thâm Tâm là tác giả nổi tiếng của phong trào Thơ mới trước năm 1945, từng được chọn vào tuyển tập “Thi nhân Việt Nam”-tác phẩm phê bình văn học kinh điển khả tín. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thâm Tâm tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, rồi hăng hái nhập ngũ, chia tay gia đình ở Hà Nội để lên Chiến khu Việt Bắc làm thư ký tòa soạn Báo Vệ Quốc quân. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đánh giá đây là một quyết định dũng cảm, đầy trách nhiệm công dân của nhà thơ, vì từ trước đến thời điểm đó, ông phải cộng tác với rất nhiều tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản... để trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Thâm Tâm mất vào tháng 8-1950, trên đường đi công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới.

Trước và sau khi Thâm Tâm hy sinh, 3 tác giả: Thôi Hữu, Trần Đăng và Hoàng Lộc cũng lần lượt ngã xuống trên chiến trường. Trong đó, nhà văn Trần Đăng được ghi nhận là “người văn nghệ binh thứ nhất”. Ông hy sinh ngày 26-12-1949, tại Mặt trận Lạng Sơn, Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trần Đăng do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Báo QĐND còn có những cây bút “đánh Tây” chủ yếu bằng thơ văn như: Vũ Tú Nam, Lê Kim... Tiếp đến là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tòa soạn có một thế hệ nhà văn, nhà thơ sung sức xông xáo, như: Nguyễn Trần Thiết, Cao Tiến Lê, Trần Hữu Tòng, Dân Hồng, Xuân Miễn, Tô Phương, Anh Ngọc, Đặng Văn Nhưng, Nguyễn Hồng Hà... Sau năm 1975, Báo QĐND tiếp tục được bổ sung thêm một thế hệ nhà văn, nhà thơ “gạch nối”, như: Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quang Đẩu, Trần Anh Thái... và một số nhà thơ xuất hiện trong thời kỳ đổi mới, như: Hồng Thanh Quang, Mai Nam Thắng...

Như vậy, trong lịch sử ra đời và phát triển của mình, qua mỗi thời kỳ, Báo QĐND luôn luôn được bổ sung những phóng viên, biên tập viên là những gương mặt văn chương đại diện cho thế hệ các nhà văn đương đại. Trong số đó có trường hợp kế tục là hai anh em ruột trong một gia đình. Đó là nhà thơ Vũ Cao và nhà văn Vũ Tú Nam, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thật đúng là “Lớp anh trước, lớp em sau” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Những tác giả và tác phẩm tiêu biểu

Có thể nói, qua mỗi thời kỳ phục vụ sự nghiệp kháng chiến cứu nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này, Báo QĐND luôn luôn có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà tên tuổi của họ gắn liền với những tác phẩm văn chương tiêu biểu, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Xin được dẫn chứng từ 5 nhà văn tiền bối. Đó là những nhà văn cách mạng thuộc thế hệ đầu tiên mà tên tuổi của họ đã in đậm trong lịch sử văn học Việt Nam và tác phẩm của họ đã được giảng dạy trong nhà trường các cấp. Đó là Thôi Hữu với bài thơ “Lên Cấm Sơn” nổi tiếng cùng tập truyện ký “Đợi giờ chết” và những ghi chép về những trận đánh của bộ đội ta trên Đường số 4. Đó là Trần Đăng đã để lại cho đời 9 tác phẩm văn học tiên phong của dòng văn học chiến tranh cách mạng, tiêu biểu là bút ký “Trận phố Ràng”. Đó là Hoàng Lộc với bài thơ “Viếng bạn” lay thức biết bao thế hệ độc giả hơn 70 năm qua, cùng tập truyện ký “Chặt gọng kìm Đường số 4” phản ánh về Chiến dịch Việt Bắc năm 1947. Đó là Vũ Cao mà chỉ riêng một bài thơ “Núi Đôi” đã đủ xếp ông vào một vị trí trong số các nhà thơ trữ tình cách mạng hàng đầu. Đặc biệt là Thâm Tâm, ngoài bài thơ “Tống biệt hành” qua bao lần cải cách giáo dục vẫn được chọn vào sách giáo khoa phổ thông, còn có chùm thơ 3 bài: “Gửi T.T.Kh”, “Màu máu ti gôn” và “Dang dở”, trở thành một hiện tượng văn học tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà nghiên cứu hơn 70 năm qua.

Trong 5 tác giả kể trên, có 3 tác giả đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đó là Thâm Tâm, Trần Đăng và Vũ Cao. Các thế hệ kế tiếp sau này, có thêm 3 tác giả cũng được nhận giải thưởng cao quý ấy, đó là: Vũ Tú Nam, Cao Tiến Lê và Anh Ngọc.

Ngoài 6 tác giả được giải thưởng Nhà nước kể trên, ở “Trung đội thơ văn” của Báo QĐND còn có nhiều tên tuổi gắn liền với những tác phẩm được công chúng mến mộ, như: Nhà thơ Lê Kim với những bài ca dao kháng chiến vui nhộn mà sâu sắc. Nhà văn Nguyễn Trần Thiết với nhiều cuốn tiểu thuyết tình báo đã được đưa lên màn ảnh và sân khấu. Nhà văn Trần Hữu Tòng có nhiều tác phẩm nổi tiếng về Bộ đội Biên phòng. Nhà thơ Nguyễn Hồng Hà được đánh giá là một trong những giọng thơ nổi bật của thơ ca chống Mỹ. Nhà văn Hà Phạm Phú làm thơ, viết truyện ngắn, dịch thuật và biên kịch điện ảnh... mảng nào cũng có những tác phẩm được giải thưởng cao. Nhà văn Hà Đình Cẩn từ văn xuôi chuyển sang sân khấu và phim tài liệu hết sức ngoạn mục. Nhà thơ Đỗ Trung Lai ngoài “Đêm sông Cầu” nổi tiếng còn có trường ca “Kể chuyện rong về những ngày có giặc” và các công trình nghiên cứu-biên dịch về thơ Đường. Nhà văn Phạm Quang Đẩu “bén duyên” với Giải thưởng văn học sông Mê Công và Giải thưởng Cây bút vàng. Nhà thơ Trần Anh Thái có trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời” nhận “cú đúp” Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Bộ Quốc phòng. Nhà thơ Hồng Thanh Quang có nhiều bài thơ được phổ nhạc trở thành những tình khúc nổi tiếng, trong đó có tác phẩm từng đoạt giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà thơ Mai Nam Thắng hai lần được giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng với trường ca “Cổ tích làng Cát” và thi phẩm “Lính biển xem chèo”...

Những nhà văn chiến sĩ kiên trung

Trong “Trung đội thơ văn” của Báo QĐND, trừ Thâm Tâm là tác giả đã thành danh từ phong trào Thơ mới, còn lại đều là những chiến sĩ thực thụ trước khi trở thành những văn sĩ, thi sĩ. Và dẫu trọn đời binh nghiệp hay do những yêu cầu chung-riêng mà giải ngũ, chuyển ngành thì phẩm chất chiến sĩ vẫn vẹn nguyên trong cuộc sống cũng như trong sáng tác của họ. Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại từng có khi, có lúc bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng, lý thuyết xa lạ, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, thậm chí là khác lạ với đường lối văn nghệ của Đảng ta, nhưng đội ngũ các nhà văn thuộc “Trung đội thơ văn” của Báo QĐND trước sau vẫn kiên định là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, sáng tạo nghệ thuật để phụng sự dân tộc và nhân dân. Quan điểm thẩm mỹ của họ vẫn là “nghệ thuật vị nhân sinh”, vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiều người trong số họ còn là những nhà quản lý có uy tín trong các cơ quan văn hóa, nghệ thuật và báo chí của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Có thể nêu danh một số tác giả tiêu biểu: Nhà thơ Thôi Hữu trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã là một cây bút chính luận với những bài viết tuyên truyền giác ngộ quần chúng đăng trên các báo Hồn nước (cơ quan của Đoàn Thanh niên cứu quốc) và Sự thật (cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương). Sau khi nhập ngũ, ông là nhà quản lý văn nghệ có uy tín của quân đội. Nhà thơ Vũ Cao sau kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và trở thành chủ nhiệm nhiều năm của tờ tạp chí này, trước khi chuyển ra làm Giám đốc NXB Hà Nội và Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội. Nhà văn Vũ Tú Nam cũng từng là cán bộ Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) trước khi chuyển ra ngoài đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam và là đại biểu Quốc hội khóa IX. Nhà văn Đặng Văn Nhưng sau năm 1975 có nhiều năm là Trưởng phòng Phát thanh Quân đội nhân dân, sau đó là Tổng biên tập Báo QĐND. Các nhà văn: Cao Tiến Lê, Trần Hữu Tòng, Hà Phạm Phú, Hồng Thanh Quang... sau khi chuyển ngành đều tiếp tục phấn đấu và trưởng thành, đảm nhiệm những trọng trách ở các cơ quan văn hóa và văn học nghệ thuật.

Sự kiên định vững vàng của các nhà văn chiến sĩ trong “Trung đội thơ văn” ở Báo QĐND cùng những thành tựu văn học mà họ đạt được đã góp phần tô thắm truyền thống của Báo QĐND-tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước. Và hơn ai hết, họ tự hào và biết ơn tờ báo là môi trường đào luyện giúp họ trưởng thành, là “bệ phóng” cho những thăng hoa sáng tạo của họ.

TUYÊN HÓA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/co-mot-trung-doi-tho-van-641341