Có một thời trên con đường mang tên Bác

'Năm 1961, tôi 17 tuổi khoác ba lô vào chiến trường với khát khao cháy bỏng như bao thanh niên thời ấy luôn thường trực trong tim lời Bác dặn: 'Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập'-bằng giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Ở Trường Sơn, Hoàng Anh Tuấn và đồng đội có mặt trên những cung đường, trọng điểm ác liệt nhất, với những địa danh mà ông không thể nào quên, như: Đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê, cua chữ A, phà Xuân Sơn, Văng Mu, Lùm Bùm, Chà Là, Cốc Mạc, Thà Khống, Bản Đông... Mặc bom cày, đạn xới, những chuyến xe cứ hối hả vượt cung, tăng chuyến, chạy lấn sáng, lấn chiều để kịp thi đua, báo công dâng Bác, nhất là vào những dịp đặc biệt như kỷ niệm sinh nhật Bác hay lập thành tích để mừng Đảng, mừng xuân.

Hơn 10 năm ở Trường Sơn, từ chiến sĩ lái xe cho đến khi đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trên tuyến lửa huyền thoại, như: Chính trị viên Tiểu đoàn 166, Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 19, Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 515..., Hoàng Anh Tuấn chứng kiến biết bao hy sinh mất mát của đồng đội. Giờ đây, nhớ lại những ngày tháng ấy, ông vẫn chưa hết bàng hoàng bởi nỗi thương tiếc, day dứt vì đồng đội ra đi quá sớm: “Đầu năm 1970, đơn vị vượt qua trọng điểm trên Đường 20 Quyết Thắng. Đoàn xe đang hành quân thì bị địch tập kích. Máy bay địch ào tới rải bom bi. Tiến thêm vài trăm mét, thấy một xe dừng lại, tôi nhảy xuống hỏi dồn: “Xe Nông Văn Thất phải không?”. “Xe trúng bom bi anh ạ, thằng Khánh bị thương nặng lắm”. Giọng Thất vẫn chưa hết bàng hoàng. Tôi nhào tới, mở cửa buồng lái, Khánh đổ cả vào người. Máu trào ra từ hai lỗ thủng trên ngực và từ hai lỗ thủng đó, tiếng phì phì từ phổi phát ra át cả tiếng thở gấp. Lần đầu tiên đón người đồng đội hy sinh trên tay mình, tôi bấn loạn. Biết bao suy nghĩ, chơ vơ, trống vắng. Mới ngày hôm qua anh em còn tâm sự biết bao chuyện. Anh Khánh là chiến sĩ nuôi quân, hôm nay theo đơn vị vào bản để đổi lương thực. Mới 19 tuổi, Khánh chờ kháng chiến thắng lợi về quê cưới vợ, mời anh em về chung vui hạnh phúc…”.

 Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (thứ hai, từ phải sang) cùng lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tiếp Đại sứ Cuba Lianys Torres Rivera, tháng 12-2019. Ảnh: MINH AN.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (thứ hai, từ phải sang) cùng lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tiếp Đại sứ Cuba Lianys Torres Rivera, tháng 12-2019. Ảnh: MINH AN.

Bản thân ông cũng nhiều lần bị máy bay B-52 tập kích, trúng thủy lôi, trúng bom phát quang của địch nhưng may mắn thoát chết. “Nhớ nhất là lần bị thương năm 1972, khi Tiểu đoàn 166 làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường Quảng Trị, tôi đang chỉ huy cano tăng tốc vượt sông thì bị trúng thủy lôi của địch. Ba chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại dưới sông Thạch Hãn, còn tôi thì may mắn dạt vào bờ nên được đồng đội cứu. Mặt mũi bị biến dạng, đồng đội phải cắm rau muống vào mũi để tôi thở!”-Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại. Sau trận trúng thủy lôi thập tử nhất sinh, ngay sau đó, ông lại liên tiếp hai lần bị máy bay B-52 tập kích, bị bỏng nặng. Đặc biệt là phần mặt, bị phồng rộp, biến dạng tưởng khó hồi phục. Mới điều trị được một thời gian ngắn, vết thương chưa hồi phục hẳn nhưng do chỉ huy của đơn vị hy sinh và bị thương nhiều, ông xin trở lại đơn vị vừa điều trị, vừa tổ chức chiến đấu. Khi ông bỏ khăn che mặt ra, nhiều đồng đội nghẹn ngào nhìn ông chết lặng! Rồi mọi người bảo nhau: “Thủ trưởng bị thương như vậy mà vẫn hăng hái chiến đấu, huống chi mình lành lặn, khỏe mạnh”. Vậy là khí thế thi đua chiến đấu của đơn vị càng sôi nổi.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông tiếp tục công tác trong quân đội cho đến khi nghỉ hưu năm 2007 trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm về chính trị (nay là Chính ủy) Tổng cục Kỹ thuật. Sau khi nghỉ hưu, trong một lần ông đến thăm nhà thủ trưởng cũ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) đã gợi ý: “Vợ chồng cậu đều là Bộ đội Trường Sơn. Giờ cậu nghỉ công tác rồi thì nên tham gia Ban liên lạc (BLL) toàn quốc Bộ đội Trường Sơn xem có giúp ích được gì cho anh em!”. Suy nghĩ về những lời thủ trưởng cũ đề nghị, cũng là nỗi trăn trở từ lâu muốn làm được việc gì đó cho những đồng đội còn khó khăn, thế là ông quyết định tham gia BLL Bộ đội Trường Sơn. “Khi đó, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959/19-5-2009) rất cần kinh phí tổ chức các hoạt động mà BLL mới có vài triệu đồng trong tay. "Cái khó ló cái khôn", tôi mạnh dạn đề nghị BLL tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp quân đội toàn quốc để vận động các “mạnh thường quân” ủng hộ"-Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại. Kết quả, bằng sự nỗ lực vận động của mình và các cộng sự, ông mời được hơn 50 doanh nghiệp trong quân đội và các đồng đội Trường Sơn tham gia ủng hộ. Và ngay trong buổi gặp mặt đã vận động được hơn 500 triệu đồng từ các nhà tài trợ. Sau đó 3 tháng, ông lại vận động ủng hộ thêm được 300 triệu đồng nữa làm kinh phí cho hoạt động của BLL.

Năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam chính thức được thành lập, lấy ngày 19-5 - Ngày sinh của Bác, cũng là ngày ra đời của Bộ đội Trường Sơn, làm ngày truyền thống. Các hoạt động hội được tập thể thống nhất cao trên tinh thần dân chủ, tự nguyện với quy chế, mục đích rõ ràng: Hội là nơi tập hợp, đoàn kết hội viên, giữ gìn, phát huy truyền thống, bảo vệ di sản Trường Sơn; tổ chức và phối hợp các hoạt động tri ân nghĩa tình Trường Sơn, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây dựng đất nước. Đến nay, hội đã trở thành mái nhà chung của cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn...

Những năm qua, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, quyên góp được số tiền, hiện vật lên tới hơn 196 tỷ đồng. Từ số tiền ấy, không thể kể hết các công trình tri ân, những việc làm nghĩa tình mà hội đã làm được, như: Xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị)…; trao 2.268 nhà tình nghĩa; hơn 3.600 sổ tiết kiệm (3-5 triệu đồng/sổ), hơn 1.000 suất học bổng… tới tận tay các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi. Nhiều năm qua, phong trào “Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống” đã giúp hàng trăm gia đình hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu là động lực để ông cùng Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và nhiều đồng đội tiếp tục say mê với công tác hội.

Chính ủy Trung đoàn 515 Hoàng Anh Tuấn (bên trái) cùng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên (giữa) ngày ở Trường Sơn. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ghi nhận kết quả hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, những năm qua, Chủ tịch nước đã hai lần trao tặng Huân chương Lao động và nhiều tập thể, cá nhân trong hội được Nhà nước và Chính phủ tặng bằng khen.

Những thành công và thành tích của Hội Trường Sơn Việt Nam có được nói trên không thể không kể đến sự đóng góp hết mình của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn. Với cương vị là Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội, bằng cái tâm và uy tín của mình, trong quá trình tham gia công tác hội, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã có những việc làm mang tính đột phá, trong đó phải kể đến những công việc do chính ông khởi xướng như: Khởi xướng thành lập Ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn (tiền thân của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn toàn quốc ngày nay); rồi việc đưa ra ý tưởng tổ chức “Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa Quân tình nguyện Việt - Lào Bộ đội Trường Sơn”; việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn cũng là từ ý tưởng của ông…

Giờ đây, ở tuổi 76, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn miệt mài tham gia các chuyến đi nghĩa tình. Ở nơi nào có đồng đội còn khó khăn là thấy dấu chân của ông. Khi ông đi trao nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công ở Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng và các tỉnh Khu 4; lúc cùng các thành viên Trung tâm Nhân đạo Trường Sơn đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí ở Bắc Giang, Hòa Bình; khi đi trao quà, sổ tiết kiệm tặng gia đình đồng đội có hoàn cảnh khó khăn... Tuy vậy, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn còn nhiều trăn trở: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn đó. Không ít đồng đội của chúng tôi vẫn còn khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Khắc ghi lời Bác dạy, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để làm được nhiều việc nghĩa hơn, tri ân được tới nhiều đồng đội hơn nữa!”.

THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dinh-ninh-loi-bac/co-mot-thoi-tren-con-duong-mang-ten-bac-618294