Có một Sông Phố sâu lắng…

Đoạn sông chảy qua Biên Hòa trước đây có tên là Sông Phố - tên gọi ấy không biết bắt nguồn từ bao giờ thật khó mà khảo chứng. Chỉ biết rằng, trong tác phẩm Chuyện người thổi sáo ở bến Xuân, nhà văn Lý Văn Sâm cho rằng: 'Khúc sông Đồng Nai dài bốn cây số chảy ngang qua thành phố Biên Hòa được người địa phương đặt tên là sông Phố. Khúc sông khởi đầu từ cái đuôi Cồn Gáo thoai thoải và chấm dứt ở cái mỏm Cù lao Phố'.

Cầu Mát bên dòng sông Đồng Nai.

Trải qua thời gian, tên gọi Sông Phố trở nên gần gụi với bao người dân của mảnh đất đôi bờ của đoạn sông này. Trải bao thời, tên gọi Sông Phố được dùng cho một số nơi, địa điểm nhưng có lẽ ấn tượng nhất, đi vào lịch sử với tên gọi Bùng binh hay Quảng trường Sông Phố trong nội ô thành phố. Địa điểm này giờ là giao lộ đường 30-4 và Cách Mạng Tháng Tám.

Trong những nguồn tư liệu, có nhiều người nói về Sông Phố thật thơ mộng và trữ tình. Những tấm ảnh chụp hai bên bờ sông vào những thập niên đầu thế kỷ XX cho thấy cảnh yên bình, thanh lặng dấu phố chợ vẫn bên đó đông người qua lại, những chiếc xe ngựa đứng đợi khách, những dãy hàng, nhà quán… Hàng nhà lồng bát giác và những ki-ốt tứ giác được lợp ngói, nhiều đường diềm làm cảnh quan thêm nét uyển chuyển, mềm mại. Bên phố xá, chiếc cầu Mát còn đó vươn ra sông trước Tòa bố Biên Hòa - một điểm nhấn để nhìn “hồ Biên Hòa” theo cách gọi của người Pháp đầy lãng mạn; đặc biệt mỗi khi chiều về, ánh mặt trời xuyên mây, đổ tia nắng trên mặt sông trông kỳ ảo...

Trên đôi bờ sông, vẫn còn đó những dấu tích của một thời lịch sử. Tòa Bố Biên Hòa, một địa điểm và kiến trúc đã đi vào trang sử của Biên Hòa - Đồng Nai với sự dịch chuyển của thời gian và đổi thay của các thể chế quản lý từ thời Nguyễn đến Pháp và sau này được thay thế bởi kiến trúc hiện đại nay là trụ sở của khối nhà nước tỉnh Đồng Nai.

Từ hướng thượng nguồn xuôi về của Sông Phố, hai bên bờ còn đó mái đình đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên - người có công khai phá Biên Hòa; còn đó đình Phước Lư nằm khuất với những cây dầu cao lớn bên sông ở khu vực mũi tàu có dấu ấn kiến trúc điêu khắc gỗ độc đáo. Người Hoa đến với đất Đồng Nai xưa cũng đã để lại những dấu ấn kiến trúc độc đáo qua chùa Phụng Sơn; đặc biệt với Thất phủ cổ miếu còn gọi theo cách dân gian là chùa Ông, thờ Quan Thánh - được xem là ngôi chùa Hoa cổ nhất Nam bộ…

Đất Cù lao Phố xưa - Hiệp Hòa nay một thời danh tiếng, nhiều đình làng, nhiều chùa chiền gắn với các truyện tích ly kỳ, thấm đẫm tính nhân văn, giáo hóa cho con người. Nơi đó, có đình Bình Kính thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh là bậc khai quốc công thần, có công lớn trong sắp đặt hành chính trên xứ Đồng Nai cách đây hơn ba thế kỷ. Bờ bên kia của Sông Phố là làng nghề gốm một thời danh tiếng, có di tích đình Mỹ Khánh thờ Nguyễn Tri Phương - người gắn liền với sự nghiệp kháng Pháp vào thế kỷ XIX, có chùa Long Thiền - một trong ba chùa cổ kính đất Biên Hòa.

Thực ra, trên đoạn sông này, cũng đã có những lần nổi sóng khi đất nước trong khói lửa chiến tranh. Những tàu chiến Pháp ngược dòng tấn công vào Thành Biên Hòa, phá vỡ tuyến phòng thủ của quân triều đình Nguyễn vào năm 1861. Sông Phố cũng đã nhiều lần thể hiện sự giận dữ của thiên nhiên vào các năm bão lụt. Trận lụt lịch sử năm Thìn - 1952 - chứng kiến nguồn nước dữ dội từ thượng nguồn Đồng Nai như muốn nhấn chìm tất cả những gì tồn tại hai bên bờ sông. Một kỷ niệm khó quên đối với những bậc cao niên từng sống ở Biên Hòa trước đây.

Thời gian trôi đi với bao đổi thay, dịch chuyển. Cồn Gáo - một cồn đất và bãi cát trắng rất đẹp giữa sông, trên có nhiều cây gáo đại thụ đã bị ngập và chìm mất dạng vào đầu thập niên 40. Cái thanh bình, vắng lặng thuở nào được thay vào đó là phố thị sầm uất với sức sống, sự phát triển của xã hội. Có những đổi thay lớn hai bên bờ Sông Phố nhưng nổi bật nhất là phía đô thị Biên Hòa. Những dãy nhà lụp xụp, chen chúc xưa đã được thay bằng một công viên ven sông xinh đẹp. Vào dịp lễ tết, ngay từ xa xưa, trên đoạn sông này diễn ra nhiều lễ hội, trong đó có hội đua thuyền thu hút nhiều người thưởng ngoạn. Trên đoạn sông này, hai cây cầu sắt có tên Rạch Cát, cầu Ghềnh xây từ đầu thế kỷ XX mà đỉnh đầu cầu ở phần ngọn Cù lao Phố vang danh một thời như một nét chấm phá đặc biệt. Phía trên là cây Cầu Mới bắc nối hai bờ sông vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Sông Phố đã chứng kiến những sự kiện, sự cố qua nhiều giai đoạn và tiếp tục gánh trên những cây cầu hiện đại trong thời kỳ phát triển hiện nay.

Có lẽ không ngoa để nói rằng, Biên Hòa đẹp và thơ mộng nhờ có Sông Phố. Sông Phố phản ánh cả một chiều kích lịch sử phát triển của đô thị Biên Hòa. Một bên bờ, Sông Phố là phố thị náo nhiệt và bên kia là những khu nhà, làng quê yên ả dẫu nhịp sống đô thị đã bừng lên trong một sức sống mới. Sông Phố - tên gọi của đoạn sông chảy qua đô thị Biên Hòa như hòa vào trong ký ức của nhiều thế hệ cư dân. Là huyết mạch đường thủy, có nguồn tài nguyên nước dồi dào, gắn liền với di sản của lịch sử, văn hóa, chắc chắn, Sông Phố là một trong những yếu tố quan trọng để địa phương định hướng trong chiến lược phát triển đô thị, đẩy mạnh khai thác du lịch và bảo vệ môi trường sống, đem lại lợi ích chính đáng, thiết thực cho người dân xứ sở này.

Phan Đình Dũng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201811/cuoc-thi-viet-bien-hoa-dong-nai-trong-toi-co-mot-song-pho-sau-lang-2919574/