Có một số báo đặc biệt ở Trường Sa

Một số báo đặc biệt được 'xuất bản' tại đảo Đá Tây B (thuộc quần đảo Trường Sa) nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2019). Một tờ báo thực sự ý nghĩa, thể hiện đời sống tinh thần lạc quan của những người lính hải quân kiên trung đang ngày đêm bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Đảo Đá Tây B.

Đảo Đá Tây B.

Cuối năm 2019, theo đoàn công tác ra chúc Tết quân dân quần đảo Trường Sa, chúng tôi đặt chân lên đảo Đá Tây B vào buổi chiều muộn. Đá Tây B là điểm đảo thường xuyên bị sét đánh ảnh hưởng đến các thiết bị máy móc. Nhiều ngày nay, do bị sét đánh hỏng hệ thống tuabin gió nên Đá Tây B phải dùng máy nổ phát điện, dùng đèn pin trong sinh hoạt hàng ngày.

Khó khăn là vậy nhưng cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn luôn vững vàng, lạc quan. Nguyễn Phạm Mitshi Bitshu, chiến sĩ trẻ quê ở Phú Yên, giới thiệu với chúng tôi về số báo đặc biệt của Chi đoàn đảo Đá Tây B chào mừng ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với cái tên cũng đặc biệt ấn tượng: “Ánh Dương”.

Với những người làm báo chuyên nghiệp như chúng tôi, để có một số báo đặc biệt cần sự đầu tư rất công phu của cả một tập thể. Từ khâu lựa chọn ý tưởng của số báo cho đến nội dung từng trang báo, rồi đến cả khâu trình bày… tất cả đều phải có sự lao động sáng tạo của từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Trung tá Nguyễn Văn Tứ - Chính trị viên đảo Đá Tây, chia sẻ: “Những người lính hải quân ngoài nhiệm vụ canh giữ vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc thì việc tự quan tâm, chăm lo cho đời sống tinh thần cũng không kém phần quan trọng.

Số báo đặc biệt Ánh Dương thể hiện sự tài hoa cũng như ý chí của người lính biển qua từng bài xã luận, bút ký, thơ, văn nghệ… Sản phẩm như một tờ báo đặc biệt thu nhỏ nhưng chứa đựng được tâm tư, tình cảm cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của những cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ, gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng”.

Trong mỗi số báo, bài Xã luận thường được đặt vào vị trí quan trọng nhất (thường ở trang nhất, ngay những cột đầu), được trình bày theo một lối riêng, một hình thức thể hiện đặc thù để nổi bật, trang trọng. Bài xã luận là bài quan trọng nhất của tờ báo, mang thông tin lý luận, lý lẽ, mang tính chỉ đạo. Xã luận là một bài bình luận tập thể của cơ quan báo chí nhưng không chỉ mang quan điểm chung của cơ quan báo chí mà thể hiện quan điểm của một tổ chức, tập đoàn, giai cấp mà tờ báo đó làm cơ quan chủ quản…

Số báo đặc biệt “Ánh Dương” của Chi đoàn đảo Đá Tây B nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2019).

Số báo đặc biệt Ánh Dương cũng vậy, mục Xã luận được đặt ở vị trí đầu tiên trong trang báo, được coi như tâm điểm với tiêu đề “Đâu cần thanh niên có – Việc gì khó có thanh niên. Xã luận có đoạn: “Nhắc đến sức mạnh dời sông lấp biển của thanh niên, Bác Hồ đã từng khẳng định “thanh niên là trụ cột của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Và trong suốt dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, dòng máu lạc hồng đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh bất khuất, hiên ngang của tuổi trẻ Việt Nam qua các thế hệ”, nội dung bài xã luận như nhắn nhủ, động viên những chiến sĩ trẻ tiếp tục phát huy sức mạnh, xung kích trên tuyến đầu của Tổ quốc.

Số báo đặc biệt cũng là nơi để cán bộ chiến sĩ gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình trong thời gian sống và làm việc trên đảo. “Tôi bước vào cuộc sống mới với trách nhiệm, với niềm tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ ngày đó, tôi đã nhiều lần chứng kiến buổi chia tay của các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, rồi lại đón những chiến sĩ mới tới đơn vị.

Tôi đã không cầm nước mắt khi phải chia tay những đồng đội, những người luôn gần gũi động viên mình… Họ là những thanh niên đến từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, mỗi người mỗi tư tưởng, mỗi sở thích, mỗi tính cách và hoàn cảnh khác nhau nhưng đã tụ họp về đây cùng chung tay xây dựng đơn vị và thực hiện nghĩa vụ của một công dân với Tổ quốc…”, trích đoạn tâm sự “Niềm tin trách nhiệm” phần nào nói lên tâm tư, tình cảm của những chiến sĩ trẻ trong những năm, tháng học tập, rèn luyện và làm việc trên đảo Đá Tây B nói riêng cũng như trên các đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa nói chung.

Chiến sĩ trẻ Cao Việt Dũng chia sẻ: Số báo đặc biệt của bọn em còn có cả văn nghệ, thơ, truyện cười… điều đó thể hiện được sự lạc quan của những người lính biển. Đúng như Dũng nói, trong số báo đặc biệt có những bài thơ thực sự hay, cảm động, có ý nghĩa. Như những bài: Anh đi lính em có yêu anh không, Tổ quốc nơi đầu sóng, Tâm tình người lính; rồi “Nụ cười chiến sỹ” với những bài thơ vui, hóm hỉnh như: Xử lý nước, Bị tiền bao vây…

Rồi những vần thơ ý nghĩa, sâu sắc trong bài thơ “Tâm tình người lính” trên số báo đặc biệt Ánh Dương:

… Là chiến sĩ pháo phòng không ưu tú

Làn da nâu mang màu nắng thao trường

Ngày học tập có thật nhiều vất vả

Nhưng nụ cười rạng rỡ nhiều niềm vui

Giờ lên lớp hàng ngũ luôn thống nhất

Bước nghiêm trang theo nhịp nhạc oai hùng

Lời thày dạy in sâu trong tâm trí

Yêu quê hương, yêu tổ quốc , yêu đồng bào…

Một số báo đặc biệt được sản xuất ở một nơi cũng thật đặc biệt, đó là trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng. Với những bài viết, lời thơ, câu hát…, số báo đặc biệt Ánh Dương như một món quà tinh thần, ý nghĩa cùng đồng hành với những người lính hải quân trong quãng thời gian thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/co-mot-so-bao-dac-biet-o-truong-sa-109510.html