Có một Sherlock Holmes ngoài trang sách

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm 'A Study in Scarlet', thám tử Sherlock Holmes đã trở thành một nhân vật được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Có rất nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công ra tìm hiểu xem nhà văn Arthur Conan Doyle đã lấy những ai làm hình mẫu để tạo ra một Sherlock Holmes vô cùng trứ danh?!

Người ta đã tìm ra một số nhân vật lịch sử như Joseph Bell, một bác sỹ phẫu thuật và người quen của tác giả. Rồi thì ngài Henry Littlejohn, Giám đốc bệnh viện Edinburgh và cố vấn y học cho sở cảnh sát thành phố; v.v… Nếu không kể những nhân vật giả tưởng xuất hiện trong tác phẩm của các nhà văn khác, thì người có khả năng được Arthur Conan Doyle chọn làm hình tượng cao nhất là thám tử Jerome Caminada (1844 - 1914).

Như nhiều đồng sự trong thế hệ cảnh sát chuyên nghiệp đầu tiên tại Anh, Jerome được sinh ra trong tầng lớp dưới của xã hội. Ông còn chịu thiệt thòi hơn vì có cha đẻ là người Ai-len, còn mẹ là người Ý đều vì nghèo đói mà phải chuyển đến Anh tìm việc kiếm sống. Họ đều làm công nhân tại Manchester, khi đó là trung tâm công nghiệp không chỉ của Anh mà còn là của cả thế giới.

Tuổi thơ của Jerome trôi qua tại khu ổ chuột của thành phố và vì bố mẹ ông phải lao động cả ngày nên cậu bé Jerome lớn lên trên đường phố bên những con nghiện, gái điếm, kẻ trộm, v.v…Nhờ gốc gác đó mà Jerome rất hiểu tâm lý những con người này, trong đó có cả động cơ và phương thức gây án của họ.

 Thành phố Manchester cuối thế kỷ 19 là một nơi phù hoa nhưng cũng lộn xộn.

Thành phố Manchester cuối thế kỷ 19 là một nơi phù hoa nhưng cũng lộn xộn.

Nhờ vào nỗ lực của mình mà Jerome được vào học một trường cao đẳng công nghiệp. Tuy vậy, không biết vì lý do gì mà sau khi ra trường, ông lại được nhận vào Sở cảnh sát Manchester khi đó mới thành lập. Mấy năm sau đó, sở cảnh sát lại thành lập một phòng ban thám tử riêng và viên trung sỹ Jerome được giao quyền chỉ huy.

Kể từ đó cho đến khi nghỉ hưu là khoảng thời gian mà Jerome hoạt động điều tra không ngừng nghỉ. Tổng cộng trong sự nghiệp cảnh sát của mình, ông đã bắt giữ hơn 1225 tên tội phạm. Tiếng tăm của Jerome vì thế mà nổi tiếng trong cả công chúng lẫn giới tội phạm. Tuy vậy, báo chí lại rất ngại đưa tên ông một cách đầy đủ, chỉ vì một "nỗi khổ", rằng: hầu hết bạn đọc của họ không thể phát âm nổi cái tên họ Ai-len của ông.

Chiến tích đầu tiên trong sự nghiệp thám tử của Jerome là phá thành công một vụ ăn trộm ống đồng. Ở cái thời đó, ống đồng là một thứ rất quý vì nước Anh mới bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch. Tại thành phố Manchester có một băng trộm chuyên giả trang làm nhân viên nhà nước, tiếp viên bán hàng, v.v…để đột nhập nhà dân rồi nhân lúc họ không để ý mới tháo trộm ống đồng trong nhà mang đi.

Bọn trộm rất giỏi xóa giấu vết của mình, trừ một lần bị người dân đuổi đánh thì chúng làm rơi một con dao. Thế mà chỉ nhờ vào con dao đấy mà Jerome đã lần ra bọn trộm. Nhờ vào hình dáng và tình trạng lưỡi dao mà Jerome đã tự tin đưa ra kết luận rằng, một trong những tên trộm là thủy thủ. Rồi thì sau nhiều ngày theo dõi, cuối cùng cảnh sát cũng tìm được hang ổ của bọn trộm trong căn hầm một ngôi nhà kho bỏ hoang. Jerome mới giả dạng thủy thủ để dụ bọn trộm mở nắp cửa hầm, rồi cảnh sát mới ập vào tóm gọn cả lũ.

Đối tượng điều tra chính của Jerome là các vụ ăn cắp, lừa đảo và không lúc nào mà ông có ít hơn năm vụ án trong tay vì Manchester khi đó là một nơi vô cùng lộn xộn. Thành phố đã làm giàu cho giới nhà buôn và chủ nhà máy, nhưng cũng có hàng trăm nghìn người công nhân hằng ngày phải vắt kiệt sức mình để có thể sống tiếp trong muôn vàn khổ cực.

Trong bối cảnh đó không những những vụ ăn trộm, ăn cướp, bắt cóc, v.v…thường xuyên xảy ra, mà gần như mọi kẻ lừa đảo ở Anh đều rủ nhau tập trung về Manchester để lừa những con người giàu có mà kém hiểu biết. Bởi thế cho nên tỷ lệ tội phạm ở thành phố này lớn gấp bốn lần so với thủ đô London. Sở cảnh sát Manchester đã gần như hoàn toàn bất lực, nhưng may mắn là họ có Jerome Caminada.

Một điểm đáng nói trong phương thức phá án của Jerome là cái cách mà ông tạo ra được một mạng lưới nội gián phục vụ cho công việc của bản thân. Những người làm việc cho ông có thể là trẻ con, đàn bà, hay thậm chí cả các tên tội phạm từng bị chính ông tra còng số 8 vào tay.

Không nơi đâu tại Manchester mà không có tai mắt của họ cả. Jerome và những người này lại thường xuyên gặp mặt với nhau tại một con ngõ đằng sau nhà thờ Hidden Gem. Nhờ thế mà lúc nào Jerome cũng biết được rằng trên đường phố Manchester đang xảy ra chuyện gì, có băng đảng nào đang nổi lên không, v.v… Những kiến thức này không những giúp ông phá án, mà còn giúp cho tòa án thành phố không còn để lọt tội phạm như trước kia nữa vì thiếu chứng cứ.

Chân dung thám tử Jerome chụp năm 1890.

Năm 1778, khi Arthur Conan Doyle viết cuốn "A Study in Scarlet" thì Jerome đã trở thành một thám tử thành công. Ông vừa mới bắt được tên cướp Bob Horridge khét tiếng sau một cuộc truy đuổi kéo dài khắp nước Anh. Jerome cũng có công trong vụ bắt giữ băng đảng đúc tiền giả tại thành phố Birmingham. Nhưng không có chiến công nào được nhiều người biết đến hơn là vụ án xe ngựa Manchester.

Chyện là thế này, vào buổi tối 26-2-1889, một vị doanh nhân có tên là Jon Fletcher trong tình trạng say xỉn cùng một người đàn ông trẻ khác gọi một chiếc xe ngựa về nhà. Người đánh xe điều khiển cỗ xe đến địa chỉ rồi mở cửa ra thì mới phát hiện Jon Fletcher đã chết, còn người đàn ông trẻ kia thì không thấy đâu. Để tránh việc vụ án mạng gây hoảng loạn cho người dân, Giám đốc Sở cảnh sát giao việc điều tra cho Jerome với mệnh lệnh giải quyết nó trong thời gian nhanh nhất có thể.

Có một điểm lạ ở đây là, nạn nhân chết không phải vì bị đâm, mà do bị ngộ độc. Vốn là một con sâu rượu, Jon Flecher chết vì uống rượu pha với Clorid Hydrat, một loại thuốc chống mất ngủ. Nhưng trên thi thể nạn nhân thì không còn đồng tiền hay đồ trang sức nào, nên đây chắc chắn là một vụ trộm.

Về phần người đàn ông trẻ thì theo lời kể của người đánh xe ngựa, anh ta khoảng chừng 22 tuổi, dáng cao to và ăn mặc tử tế, lịch sự. Jerome đã từ lâu biết đến Clorid Hydrat. Thế giới ngầm Manchester khi đó thường xuyên tổ chức những võ đài bất hợp pháp vì mục đích cá độ. Các võ sỹ thường xuyên tẩm Clorid Hydrat vào bàn tay mình để khi đánh nhau, đối thủ sẽ bị mê mệt rồi bị dễ dàng đánh bại.

Trong số nội gián của Jerome có một số võ sỹ và nhờ họ mà ông tìm được kẻ cung cấp Clorid Hydrat bất hợp pháp, rồi lại qua người này mà lần đến Charlie Parton. Charlie là con trai một nhà làm nghề kinh doanh khách sạn. Rất nhiều người ở tại khách sạn nhà hắn lại bị trộm, nhưng vì đây là chuyện bình thường ở Manchester nên nhiều người cũng không để ý.

Jerome sau đó tìm được đủ bằng chứng để kết tội Charlie Parton đứng đằng sau không chỉ cái chết của Jon Fletcher, mà còn nhiều vụ trộm ở khách sạn nhà hắn nữa. Ông thậm chí còn đưa ra trước tòa được cả cốc bia đã bị Charlie pha thuốc Clorid Hydrat để vị doanh nhân nói trên uống. Charlie Parton chịu án tử hình, rồi sau đó giảm xuống án chung thân.

Trong những năm cuối sự nghiệp của mình, Jerome bí mật làm việc cho cục Ai-len của Sở cảnh sát toàn quốc. Nhiệm vụ của ông là truy đuổi những tên khủng bố người Ai-len đang lẩn trốn trên khắp châu Âu, chẳng khác gì một vị siêu thám tử cả. Đôi khi trên đường hành pháp, ông bắt gặp một số vụ án và tham gia giải quyết chúng, ví dụ như lần ông cứu một người thanh niên Ý khỏi bị treo cổ vì tội ăn trộm.

Hay là một lần nọ Jerome phá được vụ lừa đảo của Alicia Ormonde, một trong những nữ tội phạm đầu tiên và nổi tiếng nhất trên thế giới. Alicia là một người phụ nữ xinh đẹp và có cả máu hoàng tộc Pháp, nhưng đã bị quyến rũ bởi tài trí của Jerome mà đem lòng yêu ông. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng Arthur Conan Doyle đã dựa vào hình tượng Alicia để xây dựng nên nhân vật nữ nhân lừa đảo Irene Adler trong tác phẩm của mình.

Jerome thành lập một công ty thám tử tư sau khi nghỉ hưu, rồi tiếp tục hoạt động điều tra cho đến khi qua đời. Tên tuổi của ông vẫn được ngành cảnh sát nước Anh nhắc đến cho tới tận ngày hôm nay. Tuy Jerome chưa từng tự mình viết một cuốn sách nào, nhưng những kinh nghiệm mà người khác tiếp thu được từ ông là vô cùng quý giá.

Sự nghiệp của Jerome cũng chính là minh chứng tiêu biểu cho triết lý: cảnh sát phải trở thành một phần hơi thở không thể thiếu của nhân dân, của chính quyền địa phương thì mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Không tai mắt nào bằng tai mắt của nhân dân và nếu một khi nhân dân đã không một lòng ủng hộ thì dẫu có muốn đến mấy, cảnh sát cũng khó có thể phá án thành công được!

Lê Công Hội (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-hot/co-mot-sherlock-holmes-ngoai-trang-sach-603763/