Có một sân khấu nghệ thuật đang dần khẳng định 'thương hiệu'

Xuất hiện 'chính danh' lần đầu tiên năm 2013 và hoạt động chính thức 4 năm nay nhưng sân khấu Lệ Ngọc - sân khấu kịch tư nhân đầu tiên của Hà Nội đã gặt hái nhiều thành công với các vở kịch chất lượng cùng sự chào đón nồng hậu từ phía khán giả Thủ đô.

Theo lý giải của NSND Lệ Ngọc, chính áp lực từ các đơn đặt hàng đã khiến cho những người làm sân khấu phải chủ động đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Sự khởi sắc của sân khấu truyền thống như một tín hiệu vui cho những người dành tâm huyết xây dựng những vở diễn chất lượng, đem đến món ăn tinh thần hấp dẫn đến với khán giả. Mặc dù vở diễn “Cây tre trăm đốt” đã có nhiều vở diễn thành công trước đây, song NSND Lệ Ngọc – GĐ Sân khấu kịch Lệ Ngọc hứa hẹn sẽ có những sáng tạo để vở diễn không chỉ diễn trong nước, dự định sẽ đưa vào kịch mục lưu diễn quốc tế.

Vở diễn “Cây tre trăm đốt” là bông pháo đầu tiên của Sân khấu Lệ Ngọc để chào đón năm mới 2020, chào mừng một thập kỷ mới và tiếp bước hành trình kết nối đam mê và lan tỏa tình yêu văn hóa Việt. Vở kịch “Cây tre trăm đốt” do tác giả Lê Thế Song viết kịch bản, NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn. Chia sẻ về ý tưởng, đạo diễn Bùi Như Lai cho biết, theo mô-típ chung của các truyện cổ tích, thần thoại Việt Nam, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, dù có ý kiến đó là suy nghĩ một chiều, nhưng theo góc nhìn văn hóa thì đó là khát vọng của dân tộc, là khát vọng luôn hoàn thiện bản thân.

Một phân cảnh vở kịch Thị Nở - Chí Phèo. Ảnh: M.Miên

Một phân cảnh vở kịch Thị Nở - Chí Phèo. Ảnh: M.Miên

Người nhân hậu sẽ biết cách vượt qua cái ác để cái tốt được trường tồn và có sức lan tỏa. Đây cũng chính là thông điệp mà vở kịch muốn truyền tải đến với khán giả mọi thế hệ. Nhắc đến những câu chuyện cổ tích được xây dựng thành vở kịch, nhiều người nghĩ ngay đó là vở kịch dành cho thiếu nhi. Nhưng với mục tiêu đưa vở kịch lưu diễn quốc tế, việc chinh phục khán giả lớn tuổi trong nước và quốc tế, sân khấu Lệ Ngọc sẽ đưa vở kịch “Cây tre trăm đốt” có những sáng tạo nghệ thuật riêng. Đó là ngoài việc thể hiện tối đa ngôn ngữ hình thể, việc mở rộng không gian sân khấu, nghệ sĩ xuất hiện ngay từ hàng ghế cho khán giả. Chú trọng đối thoại với khán giả và ngôn ngữ hình thể sẽ vượt qua rào cản ngôn ngữ, sân khấu Lệ Ngọc mong muốn khán giả nước ngoài có thể không hiểu hết 100% nội dung nhưng hiểu câu chuyện và thông điệp vở diễn muốn truyền tải.

Vở diễn không chỉ đóng khung vào câu chuyện “thiện-ác” đó còn là vấn đề bảo vệ môi trường, thông qua tác phẩm cảnh báo về vấn đề cháy rừng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí. Ngay buổi khởi công tác phẩm, hình ảnh những chiếc cốc, ống hút bằng tre là thông điệp mà ê-kíp vở kịch muốn truyền tải về vấn đề bảo vệ môi trường. Thành công từ vở diễn “Tấm Cám”, “Thị Nở - Chí Phèo” và hiện tại là “Cây tre trăm đốt”, sân khấu Lệ Ngọc minh chứng cho thành công từ việc làm mới những tác phẩm cũ. Nhớ lại 30 đêm diễn cho vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo”, khán giả ngồi chật hàng ghế tại rạp Đại Nam (phố Huế) là những hình ảnh khó quên. Chính hiệu ứng lớn từ khán giả với các tác phẩm dân gian này là câu trả lời cho hướng đi của sân khấu kịch tư nhân đầu tiên của Hà Nội.

Vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo” từ lúc khởi công dàn dựng tháng 1-2019 đến nay đã có gần 100 đêm diễn. Nhưng không khí của vở diễn vẫn lan tỏa đặc biệt là khán giả Thủ đô. Hơn 30 đêm diễn tại rạp Đại Nam – phố Huế. Nhiều khán giả vẫn hào hứng đến với mỗi đêm diễn để sống cùng cảm hứng kết nối bối cảnh và những vấn đề trong xã hội cũ vào đời sống hiện đại. Vào cuối tháng 12-2019, vở “Thị Nở - Chí Phèo” đã có 2 đêm diễn tại Pháp và 1 đêm tại Ý. Ngày đầu tiên đặt chân đến nhà hát GHIONE nước Ý, vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo” đã đi vào đi vào trái tim khán giả Ý bằng những cảm xúc mới lạ, rồi đưa họ đi sâu vào câu chuyện qua lối diễn tinh tế và làm họ mong muốn được tìm hiểu văn hóa Việt bởi những đặc sắc nghệ thuật. Định hướng đưa kịch du diễn, ngày 19-12 tại Nhà hát Leonardo De Vinci, nước Pháp, đêm diễn “Ngũ biến” đầu tiên trong hành trình lan tỏa văn hóa Việt ở châu Âu đã diễn ra trong sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả quốc tế. NSND Lệ Ngọc hóa thân thành 5 vị thánh, tái hiện 5 giá hầu đồng đã đưa khán giả Pháp đắm chìm vào một nét văn hóa hoàn toàn mới, lạ - vẻ đẹp mà có lẽ họ chỉ có thể nhìn thấy khi đến với Việt Nam.

“Bà bầu” sân khấu Lệ Ngọc là NSND Lệ Ngọc. Trước khi trở thành người đầu tàu của ngôi nhà nghệ thuật kịch tư nhân, NSND Lệ Ngọc đã có 40 năm đứng trên sân khấu với nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong nước và quốc tế. NSND Lệ Ngọc còn là nữ nghệ sĩ duy nhất 3 lần đạt giải thưởng diễn viên xuất sắc Liên hoan sân khấu ASEAN Trung Quốc. Và cũng là nữ nghệ sĩ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Liên hoan quốc tế kịch độc diễn tại Banladesh. Với cá tính và đam mê giữ lửa sân khấu truyền thống, NSND Lệ Ngọc cùng một số nghệ sĩ tâm huyết thành lập sân khấu kịch tư nhân Lệ Ngọc. Từ nghệ sĩ trở thành nhà quản lý, bản thân cũng điều hành các DN tư nhân, với tiềm lực kinh tế, bà bầu Lệ Ngọc kêu gọi DN rót vốn dàn dựng vở diễn ưng ý về kịch bản, dàn dựng, hơn hết vẫn là những tác phẩm chất lượng…chạm đến trái tim khán giả.

Tâm thế chỉ có khán giả mới cứu được sân khấu, trên hành trình tìm khán giả, mặc dù “sinh sau đẻ muộn”, lại là sân khấu xã hội hóa, đứng trước nhiều thách thức, sân khấu Lệ Ngọc từng bước khẳng định tên tuổi trong lòng khán giả. Bằng các vở diễn với kịch bản chất lượng, các diễn viên gạo cội, tâm huyết với nghề, hơn hết chính là việc lựa chọn đúng gu thưởng thức của khán giả, sân khấu Lệ Ngọc đã và đang khẳng định thương hiệu của mình trong việc phục dựng văn hóa dân gian trong loại hình nghệ thuật kịch, phục vụ văn hóa Việt, phục vụ người Việt, cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-mot-san-khau-nghe-thuat-dang-dan-khang-dinh-thuong-hieu-178342.html