Có một 'Quang Dũng họa sĩ'

Mới đây, họa sĩ Tô Chiêm kết hợp cùng con gái nhà thơ Quang Dũng đã biên soạn cuốn sách 'Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao', trong đó dành số trang tương đối để giới thiệu một 'họa sĩ Quang Dũng' tới với công chúng.

Lâu nay, nhắc đến Quang Dũng người ta nhớ tới ông trong tư cách của một nhà thơ với những tác phẩm rất thân quen như “Tây Tiến”, “Mắt người Sơn Tây”, “Mây đầu ô”…

Họa sĩ Tô Chiêm kể lại, một lần tình cờ anh được xem một số ký họa của nhà thơ Quang Dũng và cảm thấy bất ngờ. Từ sự bất ngờ này, ngay sau đó anh đã liên lạc với chị Phương Thảo - con gái của nhà thơ Quang Dũng, đề nghị để làm một cuốn sách về ông. Và cuốn sách “Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao” (NXB Kim Đồng) đã ra đời, sau gần một năm chuẩn bị.

Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại Đan Phượng, Hà Nội. Thời thanh niên Quang Dũng từng đánh đàn, kéo nhị cho một gánh hát, và sáng tác nhiều bài tân nhạc… Năm 1945, ông tham gia Cách mạng Tháng Tám, sau đó gia nhập Trung đoàn Thủ đô. Khi Trung đoàn Thủ Đô rút ra khỏi Hà Nội, Quang Dũng là phái viên phòng quân vụ Bắc Bộ, theo học một khóa quân sự tại Sơn Tây, rồi gia nhập đoàn quân Tây Tiến, chiến đấu nơi miền rừng núi biên giới Việt-Lào. Sau đó, Quang Dũng đã có bài thơ “Tây Tiến” với những câu thơ ám ảnh: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Trong một bản khai lý lịch năm 1961, phần làm việc gì, Quang Dũng ghi: “Họa sĩ thuộc ngành Hội họa, chi hội Văn nghệ Liên khu 3 - năm 1952”. Điều đó cho thấy, ngoài năng khiếu hội họa, ông còn có thời gian học tập, và hoạt động mỹ thuật khá sôi nổi. Quang Dũng cũng còn minh họa một số truyện cho thiếu nhi như “Sơn Tinh -Thủy Tinh”, “Thánh Gióng”, “Tấm Cám”…

“Khi làm cuốn sách này, tiếp xúc với những bức tranh gốc do Quang Dũng để lại, dù không quá nhiều song tôi thấy nhiều bức rất đẹp, rất tình cảm” - họa sĩ Tô Chiêm chia sẻ -“Tôi nhận ra một điều, ở con người thi sĩ Quang Dũng, hội họa luôn song hành. Mỗi bài thơ ông viết, hoặc chép ra ở sổ tay đều có vài hình minh họa đi kèm. Quang Dũng tự minh họa cho những bài thơ, bút kí, tự làm bìa cho sách của mình” - họa sĩ Tô Chiêm kể.

Mặc dù sống ở thời kỳ còn nhiều khó khăn, nhà thơ Quang Dũng vẫn dành nhiều thời gian cho hội họa. Ông vẽ nhiều nhưng cho, tặng bạn bè cũng nhiều. Bên cạnh đó, trải qua thời gian, nhiều bức tranh do Quang Dũng vẽ cũng đã bị thất lạc. Một trong những bức tranh quý bị thất lạc nhiều năm, gần đây được con gái nhà thơ Quang Dũng đón về là bức “Bến Ngọc”. Đây là bức tranh Quang Dũng vẽ hôm mùng 4 Tết năm 1960, chính tại nơi đoàn binh Tây Tiến xuất binh…

Khoảng 30 bức tranh màu nước cùng hàng chục ký họa bút chì in trong cuốn sách mới ra lần này cho thấy ông chủ yếu vẽ về phong cảnh. Đó là những nơi ông đã từng qua, như vùng chiến khu Tây Bắc, sông Đà và vùng Ba Vì, Tam Đảo, một số địa danh của Hà Nội…

Thư Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/co-mot-quang-dung-hoa-si-505996.html