Có một nỗi lo mang tên Văn Lâm trong khung gỗ

Thủ môn Văn Lâm đã giữ sạch mảnh lưới của ĐT Việt Nam 3 trận đấu gần đây nhất. Nhưng điều đó vẫn không làm giảm đi nỗi lo của BHL và người hâm mộ Việt Nam bởi những pha xử lý thiếu an toàn của thủ môn này.

Điểm yếu cố hữu của Văn Lâm chính đó là khả năng ra vào. Ảnh VPF

Điểm yếu cố hữu của Văn Lâm chính đó là khả năng ra vào. Ảnh VPF

Lần thủng lưới cuối cùng của Văn Lâm trong khuôn khổ các trận đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam là trận gặp ĐT Jordan ngày 20/1/2019 trong khuôn khổ Asian Cup 2019. Sau đó trong các trận gặp Nhật Bản, Thái Lan và mới đây thì thủ môn này cũng đều giữ sạch mảnh lưới của mình.

Bộc lộ điểm yếu

Trong màu áo Muangthong thi đấu tại giải Thai – League, sau 28 vòng đấu Văn Lâm đã để thủng lưới 37 bàn, nhiều nhất trong tốp 5 đội dẫn đầu. Đang đứng thứ 5 và cách đội thứ 3 tới 9 điểm, cơ hội có huy chương của Muangthong mùa giải này không còn nhiều.

Hai năm vừa qua, Văn Lâm đã đứng trong khung gỗ ĐT Việt Nam 20 trận và để thủng lưới 25 bàn. Ảnh FBNV

Hai năm vừa qua, Văn Lâm đã đứng trong khung gỗ ĐT Việt Nam 20 trận và để thủng lưới 25 bàn, trung bình 1,25 bàn/trận.

Không phải ngẫu nhiên mà CLB Muangthong đã bỏ ra cả đống tiền để đưa thủ mộ của ĐT Việt Nam về thi đấu. Thực tế, Văn Lâm với thể hình tốt, phản xạ khá nhanh từng không ít lần cứu thua cho tuyển Việt Nam.

Cầu thủ mang hai dòng máu Việt-Nga thi đấu không màu mè, khả năng chơi bóng bằng chân cũng được đánh giá tốt nhất trong các thủ môn Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, anh cũng bộc lộ điểm yếu. Trong trận đấu với chủ nhà Thái Lan, người ta đã thấy thủ môn của đội tuyển căng thẳng về tâm lý. Đã có 2 lần, anh phát bóng vội vàng ra đường biên và xử lý không tốt các tình huống hậu vệ trả bóng về cho thủ môn.

Điểm yếu cố hữu của Văn Lâm chính đó là khả năng ra vào. Trên sân Mỹ Đình, trong trận gặp ĐT Malaysia thủ môn Văn Lâm có nhiều tình huống xử lý lỗi, có hai tình huống chúng ta suýt bị thua. Một pha phạt góc và một ném biên, đều có lỗi của thủ môn này.

Với một áp lực không quá lớn của các cầu thủ Malaysia nhưng Văn Lâm vẫn không làm tốt nhiệm vụ kiểm soát khu vực 16m50 và phán đoán chưa được tốt các tình huống bóng bổng. Trong trận đấu mà Văn Hậu chưa thật sung mãn về mặt thể lực thì đội khách đã có vài tình huống tạt bóng từ biên vào, thủ thành của ĐT Việt Nam đã có những pha xử lý thiếu quyết đoán.

Ổn định tâm lý

Tại Bali, chủ nhà Indonesia là đội bóng ưa thích sử dụng bóng bổng, đặc biệt là những quả tạt từ hai cánh. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, đây sẽ là thách thức không nhỏ cho Văn Lâm bởi trung phong Beto cũng là cầu thủ có quả cắt mắt đánh đầu chẳng thua gì Anh Đức.

Nếu thủ môn Văn Lâm không rút ra được bài học kinh nghiệm, phối hợp tốt với 3 trung vệ phía trên thì khung thành tuyển Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió.

Trung vệ Dutra, 34 tuổi người Brazil có chiều cao 1,88m rất giỏi không chiến. Ảnh AFC

Đánh giá về điểm yếu nhất trong hệ thống phòng ngự hiện nay của ĐT Việt nam, cựu HLV trưởng đội tuyển Nguyễn Thành Vinh cho rằng: “Tôi nghĩ rằng Văn Lâm cần phải tập trung hơn hoặc HLV Park Hang-seo nên tính đến những phương án như Nguyên Mạnh hay Tuấn Mạnh tương lai. Nếu thời gian tới, ĐT Việt Nam có Phillip Nguyễn thì chắc chắn cậu ấy sẽ là sự lựa chọn hàng đầu”.

Nhất là khi đội chủ nhà vừa có thêm sự xuất hiện của trung vệ Dutra, 34 tuổi người Brazil có chiều cao 1,88m rất giỏi không chiến.

Trong 2 năm chơi cho Persipura Jayapura với 31 lần ra sân thì Dutra đã ghi 10 bàn. Trong 3 năm khoác áo Bhayangkara với 59 trận ra sân thì Dutra còn ghi đến 12 bàn. Phần lớn các bàn thắng đều đến từ các tính huống đá phạt cố định.

An Thanh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/co-mot-noi-lo-mang-ten-van-lam-trong-khung-go-369609.html