Có một nhà tưởng niệm Đặc công Rừng Sác trong nhà máy hiện đại bậc nhất Việt Nam

Câu chuyện này tôi được nghe từ TS Hoàng Xuân Quốc quãng hơn hai năm về trước, khi ấy ông là TGĐ Cty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PVPowerNT2, ấp 3, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Nay ra giêng ngày rộng tháng dài mới có dịp kể lại cùng bạn đọc.

Nhà tưởng niệm chia làm 3 gian, gian trái có dòng chữ: “Vĩnh nguyên vạn an”, gian phải có dòng chữ: “Thiên phúc địa ân”, gian giữa có dòng chữ: “Vững chí Tất Thành / Bền gan Ái Quốc”. Hai cột chính treo đôi câu đối: “Nhơn Trạch địa linh rèn tâm đức / Phước Khánh hào kiệt dựng cơ đồ”.

Nhà tưởng niệm chia làm 3 gian, gian trái có dòng chữ: “Vĩnh nguyên vạn an”, gian phải có dòng chữ: “Thiên phúc địa ân”, gian giữa có dòng chữ: “Vững chí Tất Thành / Bền gan Ái Quốc”. Hai cột chính treo đôi câu đối: “Nhơn Trạch địa linh rèn tâm đức / Phước Khánh hào kiệt dựng cơ đồ”.

Nhà máy trên chiến trường xưa

Nơi nhà máy PVPowerNT2 tọa lạc, ngày nay có thể coi là “vị trí vàng” xét trên tổng thể vùng tam giác kinh tế trọng điểm TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, so sánh được với danh xưng “nhà mặt tiền” ở đường Nguyễn Huệ, Quận 1, khó có thể đắc địa hơn. Ấy là chưa kể tới trong quy hoạch mai này, không khéo còn nằm giữa TPHCM mở rộng.

Tuy nhiên, ngày đầu xây dựng, PVPowerNT2 nằm lọt thỏm trong rừng đước, sú vẹt. Nhà máy được đầu tư với tổng vốn 706 triệu USD, xây xong trong giai đoạn 2007 – 2011, được mệnh danh là công trình bốn nhất: Tiến độ nhanh nhất (vượt 45 ngày); An toàn tốt nhất (không có tai nạn nào đáng kể); Chất lượng tốt nhất; Hiệu quả nhất (giá trị quyết toán thấp hơn tổng mức đầu tư, không có phát sinh). PVPowerNT2 nhận 2 giải thưởng quốc tế, về thu xếp vốn (Hongkong 2010) và giải vàng Châu Á do Hội Điện lực Châu Á trao cho nhà máy điện được xây dựng nhanh nhất.

Theo danh sách Forbes Việt Nam công bố ngày 30.5.2016, PVPowerNT2 thuộc danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam trên hai sàn chứng khoán. Năm 2014 xếp thứ hạng 166 trong Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đứng sau một số Tập đoàn và Tổng Công ty và đứng thứ 2 trong số các công ty cổ phần thuộc ngành sản xuất, kinh doanh, phân phối điện. Ngày 10.12.2015, PVPowerNT2 xếp hạng 123 trong bảng xếp hạng VNR500, tăng 43 hạng so với năm 2014. Ngày 24.2.2016, PVPowerNT2 được đánh giá Top 10 doanh nghiệp đứng đầu trong tổng số 500 doanh nghiêp tăng trưởng nhất Việt Nam năm 2016 (Fast 500). PVPowerNT2 là Cty cháu lớn nhất, lớn hơn nhiều Cty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Với chưa đến 200 lao động, doanh thu khoảng 6.000 tỉ, tính ra mỗi người của Cty mỗi năm làm ra khoảng 1,5 triệu USD. PVPowerNT2 có công nghệ vượt trội, hiệu suất cao, độ tin cậy và độ khả dụng xuất sắc; là nhà máy nhiệt điện hiện đại nhất Việt Nam với hiệu suất nhà máy rất cao, chỉ tăng thêm 1% đã bằng một nhà máy thủy điện nhỏ trên rừng. PVPowerNT2 được so sánh như máy bay chiến đấu, vận hành linh hoạt trong dải công suất rất rộng (110MW – 750MW)... trong khi các nhà máy nhiệt điện than khác được so sánh như máy bay vận tải. “Xây dựng không có tai nạn nào, vận hành cũng không có sơ suất gì đáng kể, chỉ sút chân sút tay là cùng. Cty đã xây dựng khu nhà ở công vụ 12 tầng khang trang bố trí ăn ở ổn định cho CBCNV, mở nhà trẻ Ánh Dương để chăm lo cho con của CBCNV, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người ổn định cuộc sống và yên tâm công tác lâu dài. Nhà công vụ thực sự là một khu chung cư cao cấp, giờ đã có hơn 100 đứa trẻ được sinh ra; lãnh đạo nhà máy luôn động viên anh em rang mua ô tô để đi lại cho an toàn. Hạnh phúc nhất là công nhân tan ca về đến nhà công vụ đã thấy trẻ con ùa ra đón. Mình xây dựng nhà máy để mình dùng thì phải làm sao để tốt nhất, mình happy nhất. Nếu CBCNV có nguyện vọng thì vợ được vào làm ở Cty. Do gắn bó nền nhân tâm cao nên tôi chưa thấy ai xin đi khỏi Cty. Tây đến đây làm việc nói nhà máy của bên họ cũng chỉ được như thế này”, TS Hoàng Xuân Quốc kể.

Nhà tưởng niệm Đặc công Rừng Sác nằm trong khuôn viên nhà máy Điện lực Nhơn Trạch 2.

Vị trí của nhà máy nằm cạnh chiến khu Rừng Sác, thuộc căn cứ đặc công Hải quân thời chống Mỹ, bên ngã ba sông Đồng Tranh và Lòng Tầu. 30 – 40 năm trước nơi này cực kỳ hoang vu, nhiều thú dữ, đặc biệt là cá sấu. Khi làm nền nhà máy, rà bom mìn thấy rất nhiều, cộng thêm việc có một ông già đi xe máy đến kể, mọi người mới hiểu xưa chiến trường ở đây ác liệt như vậy. Các đặc công ngâm mình nấp dưới nước thở bằng ống, nhiều người bị cá sấu ăn, rất đau lòng. Anh em công nhân trong Cty đã góp tiền làm nhà tưởng niệm với mô hình nhà miền Trung, có ba ban thờ Bác, thần thánh, đặc công Rừng Sác nói riêng và vong linh nói chung. Khu tưởng niệm không nằm bên lề mà nằm trang trọng ngay giữa khuôn viên khu hành chính, quay nhìn hướng Tây, thân thiện như một ngôi nhà ở chốn thôn quê. Cũng có nhà ngoại cảm đến bảo đã có nhiều người âm “về” nhà tưởng niệm này, trong số đó có một ông trung tá, người chỉ huy của các vong linh.

“Ở đây có nhiều chuyện ly kỳ lắm. Có dạo bảo vệ ở cổng không dám ở vì cứ hễ đêm xuống lại nghe thấy tiếng chân bước rầm rập và tiếng hô của bộ đội duyệt binh. 7 – 8 năm trước còn có bức ảnh hiện rõ hai người đàn ông và một người phụ nữ đội mũ tai bèo, nhìn rõ mặt, nhưng file chỉ in ra được một lần rồi mất. Hôm chúng tôi cúng động thổ năm 2009, mưa như thác lũ. Cúng xong thì trời quang mây tạnh. Nhà tưởng niệm chính là nơi giáo dục ý thức cho người lao động trong Cty, anh vào thắp nén hương mà thấy lòng mình có lỗi với người nằm xuống là không được” – TS Hoàng Xuân Quốc nói.

Huyền thoại đặc công Rừng Sác

Cùng đi chuyến này tới PVPowerNT2 có Hoàng Thành, một người bạn đồng nghiệp của tôi làm việc tại báo QĐND. Nhờ có bạn, tôi đã được biết thêm rất nhiều điều về Rừng Sác, địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca gắn liền với những chiến công oanh liệt của những người lính Đặc công. Bạn tôi kể, người được mệnh danh là “pho sử sống”, “linh hồn” của Đặc công Rừng Sác chính là AHLLVTND Lê Bá Ước (Đại tá Bảy Ước), nguyên Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10. Năm 1966, ông được điều về công tác tại Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Vùng ngập mặn Nhơn Trạch - Cần Giờ khi ấy nổi tiếng “rừng thiêng nước độc”, đầy rẫy cá sấu và hiểm nguy rình rập. Một trong những trận đánh vang dội khiến quân địch thiệt hại nặng nề, hoang mang tột độ của Đặc công Rừng Sác là tiêu diệt kho xăng Nhà Bè, nơi tích trữ lượng xăng dầu rất lớn cung ứng 60% nhu cầu xăng dầu quân sự cho miền Nam. Địch bố phòng rất cẩn mật, bao gồm 12 lớp hàng rào kẽm gai, bùng nhùng, song sắt; bên trong có thêm lớp hàng rào 3 nhánh cao 3,5m, thả chó bẹc-giê, ngỗng, gài mìn trái, bố trí tháp canh, đèn pha chiếu sáng; ngoài ra, còn có lực lượng tuần tra liên tục trên cạn, dưới sông; 1 tiểu đoàn lính bảo vệ và 11 tàu tuần tiễu ngày đêm phối hợp với 10 đại đội bảo an được trang bị hỏa lực hiện đại sẵn sàng yểm trợ khi có tình huống. Cấp trên đã giao nhiệm vụ cho Đại đội 5 Đặc công thủy tổ chức một đội cảm tử gồm 8 đồng chí, bao gồm: Đại đội trưởng Cao Hồng Ngọt chỉ huy chung, Đại đội phó Hà Quang Vóc, Trung đội trưởng Nguyễn Hồng Thế, Trung đội phó Nguyễn Công Bao cùng các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm là Rực, Hinh, Quân và Tiềm. Họ chia thành các tổ tiến hành điều nghiên, nắm địch. Sau 13 lần trinh sát không tìm được điểm đột nhập thích hợp, với kinh nghiệm và khả năng phán đoán của mình, Thiếu tá Lê Bá Ước phân tích, đánh giá tình hình và quyết định chọn vị trí đột nhập phía góc phải bờ tường bảo vệ kho xăng, sát mép nước. Nơi đây lính canh chủ quan, sơ hở nhất và lực lượng của ta cũng dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn. Sau thời gian chuẩn bị và luyện tập xử trí các tình huống, mũi trưởng Hà Quang Vóc tuyên thệ: “Chưa đốt cháy kho xăng chưa trở về đơn vị”. Trong đêm 2.12.1973, đội hình 8 chiến sĩ từ từ xuống mép nước, lẫn vào màn đêm, bí mật vượt qua các tàu tuần tiễu đột nhập mục tiêu, cài mìn hẹn giờ vào các bồn xăng rồi nhanh chóng rút ra ngoài. Đúng 0 giờ 35 phút ngày 3.12, nhiều tiếng nổ liên tiếp phát ra từ kho xăng Nhà Bè, cột khói lửa bốc cao dữ dội chiếu sáng bầu trời Sài Gòn. Còi báo động rú lên inh ỏi, liên hồi. Tàu chiến, xuồng máy chạy hỗn loạn trên sông. Máy bay trực thăng, phản lực quần đảo, gầm rú, trút đạn xuống các khu vực nghi ngờ... Kho xăng bốc cháy dữ dội suốt 12 ngày đêm không thể dập tắt và lan rộng sang các kho khác, buộc địch phải mở van xả bỏ khiến dầu, xăng lênh láng dọc trên sông Sài Gòn, Lòng Tàu, Soài Rạp. Thiếu tướng Trần Thành Lập - nguyên Chính ủy Trung đoàn 10 đã khẳng định: “Nhờ chọn đúng điểm đột phá và luyện tập kỹ phương án nên với lực lượng chưa đầy 1 tiểu đội, ta đã tiêu hủy khoảng 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn butagas, 1 tàu trọng tải 12.000 tấn và hầu hết cơ sở kho tàng. Trước tổn thất nặng nề, Tổng thống Thiệu phải kêu gọi quân đội ra sức tiết kiệm xăng dầu, tăng cường phòng bị. Về phía ta, 2 chiến sĩ Bao và Tiềm đã anh dũng hy sinh”.

Trong khoảng 10 năm (1966-1975) bám trụ ở căn cứ Rừng Sác, Đoàn 10 Đặc công đã đánh gần 600 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch; bắn chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải; bắn rơi 29 máy bay trực thăng... Nổi bật là những chiến công huyền thoại, như: Đốt cháy kho xăng Nhà Bè, xóa sổ kho bom thành Tuy Hạ, phá hủy chiến hạm “khủng long” Baton Rouge Victory, pháo kích rung chuyển Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Hoa Kỳ... Tất cả đều có dấu ấn của người chỉ huy tài tình Bảy Ước. Theo ký ức của Đại tá Lê Bá Ước: “Trong khu rừng ngập mặn, ngoài bom đạn của kẻ thù làm bộ đội thương vong còn có cả hùm, beo, đặc biệt là cá sấu. Tính mạng của những người lính đặc công bị đe dọa bất cứ lúc nào. Chẳng hạn như trường hợp của Trung đội trưởng Nghĩa và Trung đội trưởng Khét bị cá sấu ăn thịt khi đang vượt sông Lòng Tàu làm nhiệm vụ; chiến sĩ Nguyễn Đức Chương 2 lần bị cá sấu ngoạn vào vai nhưng anh đã khôn khéo dùng dao găm đâm vào mắt nó và thoát nạn, nhưng phải nằm điều trị 2 tháng trời... Hôm đó là ngày 20.1.1970, tại căn cứ quân y ở xã Tắc Kỳ Quang trên bờ sông Thị Vải, chiếc trực thăng OV-6 rà qua, rà lại nhiều lần. Phát hiện dấu vết lạ, nó ném xuống mặt sình 2 quả pháo màu xanh, đỏ để chỉ điểm rồi bay vút đi. Lúc bấy giờ với cương vị Đại đội phó quân y, vợ tôi thông báo nhanh cho các thương binh rút khỏi khu vực. Còn một mình cô ấy cố thu dọn mang theo một ít thuốc và dụng cụ. Chừng 5 phút sau, cả chục chiếc trực thăng lao tới phóng hỏa tiễn 90 ly xé nát từng tấc đất trong khu căn cứ. Vợ tôi trúng đạn gãy nát một chân, tư thế nằm sấp đang lao về phía trước, trên vai vẫn mang chiếc túi cứu thương. Ngay cạnh chỗ vợ tôi nằm còn vương mấy mảnh áo gối nhiều mầu sắc mới thêu xong định gửi về tặng các con. Đêm cuối cùng chúng tôi gặp nhau, nằm trên sạp nước dưới ánh trăng rừng, cô ấy đã đưa cho tôi xem. Lúc đó vợ tôi vui lắm! Nào ngờ...”. Sau khi nghỉ hưu năm 1994, tình cảm thiêng liêng, gắn bó với đất và người Rừng Sác đã thôi thúc người anh hùng tham gia các hoạt động tri ân đồng đội. Năm 1996, trong một lần về thăm lại chiến trường xưa, ông đã xót tình đồng đội viết nên bài thơ “Thương nhớ”: “Xương trắng nở hoa tận đáy sông/ Mênh mông Rừng Sác nhuốm màu hồng/ Năm trăm hài cốt tìm chưa thấy/ Rừng đước bạt ngàn ngập chiến công”...

Lúc chia tay, TS Hoàng Xuân Quốc tặng tôi cuốn sách “GS Hoàng Xuân Nhị” (1914 – 1991) dày gần 400 trang của NXB ĐHQG Hà Nội của nhiều tác giả viết về cha anh, một trí thức tận trung với nước, một bậc trưởng lão nhiệt thành, đôn hậu, một nhà giáo tận tụy, một dịch giả cần mẫn, một vị GS đại thụ. Giáo sư là tác giả của cuốn sách về văn học Nga đầu tiên ở nước ta với những vần thơ của các bậc thi hào: “Tôi yêu tổ quốc tôi, một tình yêu kỳ lạ/ Mà lý trí tôi không cưỡng nổi bao giờ/ Những tục truyền huyền bí tự ngàn xưa/ Sự bình thản đầy tự hào tin tưởng”.

Ghi chép của nguyễn huy minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/co-mot-nha-tuong-niem-dac-cong-rung-sac-trong-nha-may-hien-dai-bac-nhat-viet-nam-593953.ldo