Có một Nguyễn Bính trong tranh Bé Ký

Danh hiệu Bé Ký, theo như lời của bà, đơn giản đến không ngờ: 'Tôi tên là Nguyễn Thị Bé, một lần, bố nuôi tôi buột miệng: Bé, mày ký vào tranh đi. Tức là Bé Ký'. Họa sĩ Bé Ký sinh năm 1938 tại Hải Dương. Bà mồ côi cha mẹ từ rất sớm và lưu lạc vào Sài Gòn khi mới lên 9.

Lòng yêu hòa bình của những đứa trẻ và tình mẫu tử của cha mẹ trong tranh Bé Ký

Lòng yêu hòa bình của những đứa trẻ và tình mẫu tử của cha mẹ trong tranh Bé Ký

Thành danh ở tuổi đôi mươi

Năm 1957 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của Bé Ký. Bà có cuộc triển lãm đầu tiên tại Pháp văn Đồng minh hội (Alliance Francaise, Sài Gòn). Triển lãm do ông René de Berval, cây bút phê bình mỹ thuật cho tạp chí France d’Asie và Journal d’Extrême Orient bảo trợ. Cuộc triển lãm là sự khẳng định tài năng của Bé Ký, “Nữ họa sĩ của vỉa hè Đô Thành”.

Phải thắng thắn nhìn nhận, sự thành danh ở lứa tuổi đôi mươi của họa sĩ Bé Ký phần lớn nhờ vào những người sưu tập hội họa Âu châu, bên cạnh đó là những bài viết giới thiệu, phê bình của nhiều tạp chí quốc tế như: Le Journal d’Extrême Orient, The Yomiuri Shimbun, The Orange County Register và Los Angeles Times… Kể về triển lãm quốc tế đầu tiên của mình, bà hồi tưởng: “Cuộc triển lãm đầu tiên của tôi, phần lớn là tranh vẽ chì than, tôi vẽ chân phương. Thế rồi ông Berval, người chuyên viết phê bình nghệ thuật thấy tranh của tôi và ông ấy cho triển lãm trong năm đó. Khi các nhà báo nước ngoài đến phỏng vấn, tôi cảm thấy người ta như lần đầu đầu tiên khám phá ra một Việt Nam rất nên thơ và đẹp đẽ”.

Đây cũng là một “cú hích” để một họa sĩ Bé Ký sáng tác liên tục và định hình phong cách của mình. Bà đã có 26 lần triển lãm tranh, trong đó có 16 lần tại Sài Gòn, 1 lần tại Pháp, 1 lần tại Nhật Bản và 8 lần triển lãm tại Mỹ để khẳng định tên tuổi của người họa sĩ dân gian điển hình của miền quê Việt Nam. Họa sĩ Bé Ký lập gia đình năm 1964 với họa sĩ Hồ Thành Ðức (sinh năm 1942 tại Ðà Nẵng, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Gia Ðịnh, sáng lập viên Hội họa sĩ trẻ Việt Nam). Cả hai đều rơi vào cảnh ngộ côi cút từ thuở ấu thơ nên rất thông cảm cho nhau, cùng tạo dựng mái ấm gia đình. Đôi bạn hành trình trong hội họa, nhiều họa phẩm được triển lãm chung với nhau ở Việt Nam và quốc tế.

Chân quê hiển hiện trong tranh

Thủ pháp của Bé Ký là cả một câu hỏi lớn cho người thưởng ngoạn, bởi tranh của bà quá đơn sơ, hồn nhiên mà lại đầy sức sống. Tranh Bé Ký đặc sắc ở nét. Nét của Bé Ký lại đứng rất riêng, rất cường tráng nhưng lại ngọt ngào như một câu ca dao tục ngữ. Thưởng lãm tranh Bé Ký một lần rồi sau đó không thể lầm tranh của bà với bất cứ tranh của ai khác. Hình như bà đã khắc con triện của mình bên dưới từng chi tiết khiến các đường viền khỏe khoắn không thể lẫn vào đâu được. Có giai đoạn người ta cho là tranh của bà quá đơn sơ, gần với loại tranh dân gian và do đó khó thể gọi là tuyệt tác để được treo trong một viện bảo tàng nào đó. Nhận xét như vậy chỉ đúng một phần, cái phần cốt lõi là tranh của bà đậm chất dân gian nhưng không phải vì thế mà âm hưởng nghệ thuật của tranh Bé Ký thiếu chất kinh điển.

Bé Ký sở trường về “caricature” trên giấy và lụa. “Caricature” với Bé Ký có lúc là ký họa, hoạt họa, phóng họa, tốc họa bằng mực tàu, bút lông với đường nét đơn giản nhưng rất linh hoạt, uyển chuyển giữa yếu và mạnh, sống động, rất thực, tạo phong cách riêng biệt của đường nét họa sĩ. Hình ảnh thiếu nữ với cây đàn, mục đồng với con trâu, tấm lòng giữa mẹ và con… trong thư phòng, nơi thôn dã cho đến sinh hoạt hè phố với người gánh hàng rong, bán xôi chè, người phu, xích lô, xe ngựa, trẻ đánh giày, kẻ quét đường… tưởng chừng bị phôi pha, bỏ rơi được ghi lại rất tài tình qua nét cọ của bà.

Những bức ký họa mộc mạc chân quê của Bé Ký

Họa sĩ Lâm Triết nhận định, tranh Bé Ký không cầu kỳ đã đành mà lại cũng không đánh đố người xem. Vài nét chì than hay mực tàu viền chung quanh một nhân vật hay chủ thể cộng với ít chi tiết là đã trở thành Bé Ký. Thực ra tranh Bé Ký tuy đơn giản nhưng rất sâu sắc, đặc biệt khi bà chọn miêu tả các góc cạnh của nhân vật. Tính chọn lọc trong tranh của bà rất dễ thấy vì mọi nét dù lớn hay nhỏ đều đánh thức những mầm sống bên trong khiến cho chúng cọ quậy như đang đòi quyền được phát biểu. Khi đậm khi nhạt, khi mỏng khi dầy, nét vẽ của Bé Ký uyển chuyển linh động như nét múa của các vũ công khi phô diễn một động tác quyến rũ.

Tranh Bé Ký miêu tả nhiều chủ đề nhưng đặc sắc nhất, ấn tượng nhất vẫn là tranh bà vẽ miêu tả tình mẫu tử. Hàng chục bức tranh dưới dạng này được bà vẽ đi vẽ lại như một ám ảnh. Hình như trời sinh ra Bé Ký chỉ để vẽ tranh và làm mẹ, ngoài ra bà không cần gì khác. Tranh vẽ mẹ con của bà cũng chân quê như những đề tài khác nhưng đâu đó toát ra nét hiền dịu trẻ thơ cùng hạnh phúc ngất trời của người mẹ nhìn con mình say ngủ hay chập chững những bước đi đầu đời. Những bức tranh của bà ở thời kỳ đầu không nhiều màu sắc lắm và chúng được sáng tạo nhanh chóng bằng những phác thảo dọc đường của người nữ họa sĩ thích đi đây đó. Càng về sau tranh của bà đằm thắm hơn, và cũng ngọt ngào hơn khi chúng có những sắc diện khác.

“Bé Ký trong hội họa cũng như Nguyễn Bính trong thơ, sợ sự trưởng thành. Cả hai đều đã cấu tạo nên được vũ trụ quê của riêng mình”.

Nhà phê bình Mỹ thuật
Nguyên Hưng

“Một Nguyễn Bính trong hội họa”

Tranh của bà nổi bật và đặc sắc với gam màu đất. Bà dùng những gam màu điền dã của dòng tranh Đông Hồ và không ngập ngừng gì khi sử dụng rất nhiều chất liệu gốc phát xuất từ đất, từ vỏ sò hay tro than của tre già. Bé Ký kết hợp khéo léo màu sắc chân quê vào nét vẽ mộc mạc của mình khiến tranh bà trở nên lộng lẫy lạ thường. Người xem tranh Bé Ký không sợ lạc vào mê hồn trận của trường phái của phong trào, bởi tranh của bà vốn như bà thường nói là rất… nhà quê.
“Bé Ký trong hội họa cũng như Nguyễn Bính trong thơ, sợ sự trưởng thành. Cả hai đều đã cấu tạo nên được vũ trụ quê của riêng mình. Quê mùa như thơ Nguyễn Bính, thế giới người, đồ vật và sinh vật của Bé Ký, hòa hợp với nhau, chung sống với nhau trong khung cảnh điền dã, giản dị, nghèo nàn, sinh động và hạnh phúc”, Nguyên Hưng, nhà phê bình mỹ thuật nhận xét.

Người xem tìm thấy nguồn vui tự tại trong tranh, kèm nỗi nhớ nhung vô bờ và nỗi buồn man mác, về những ký ức tuổi thơ không bao giờ trở lại. Rồi ông nhận định: “Hội họa Bé Ký thể hiện niềm vui đã khuất, hiện tại vô tình dẫm lên mà không biết, không hay. Người Việt phần đông thích tranh Bé Ký, treo tranh Bé Ký, nhưng có mấy ai tìm thấy ở mỗi bức họa của Bé Ký, là một mất mát của con người. Chúng ta bán tuổi thơ đi để mua tuổi già, phá thiên nhiên, đổi thôn quê để “rước” lấy thành thị, chúng ta giã từ niềm vui vào đời để bước dần về nỗi buồn. May có người nghệ sĩ giữ lại cho chúng ta ít nhiều kỷ niệm” (trích “Họa sĩ, kẻ sáng tạo nên mình”, Nguyên Hưng, NXB Trẻ 2007).

Người xem tranh Bé Ký rất dễ bị thuyết phục bởi ngôn ngữ chân quê mà bà phủ lên. Đây là một đám trẻ quây quần chung quanh một cuộc chọi gà, kia là những cô gái chàng trai đang vui lễ hội, hay những phiên chợ quê đầy màu sắc nay chỉ còn trong trí tưởng tượng của mọi người.

Đình Du - Quốc Bảo

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-mot-nguyen-binh-trong-tranh-be-ky-1367636.tpo