Có một người tử tế đến vậy

Chị là Nguyễn Thị Thanh Thủy là Tiến sĩ Kiến trúc Phong cảnh, người đặt nền móng cho bộ môn này ở Việt Nam. Chị là người tử tế nhất, tốt nhất, trung thực nhất, mạnh mẽ nhất, cũng trong sáng và ngây thơ nhất mình đã gặp và nhận ra sau hơn chục năm làm việc cùng chị.

Tác giả Bùi Huy Hội.

Tác giả Bùi Huy Hội.

Chị hình như quê ở Quảng Ngãi, học Khoa Xây dựng (Đại học Bách khoa). Chồng chị là PGS.TS Tôn Đại - cháu ngoại của học giả nổi tiếng Phạm Quỳnh. Một thời, anh được mời đi giảng dạy đại học tại Angola. Làm giáo sư ở châu Phi, lãnh lương đô la, có tiêu chuẩn mua xe máy, tivi màu và nhiều hàng hóa xa xỉ khác. Anh gửi đồ về cho chị, phụ nuôi 2 cô con gái xinh đẹp.

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về Viện Quy hoạch (Bộ Xây dựng), còn chị Thủy đang là lãnh đạo cấp phòng. Năm 1984, viện sắp xếp lại tổ chức, chị Thủy xin cho tôi về phòng chị. Chị trở thành thủ trưởng của tôi.

1. Về phòng mới hơn tháng, đồ án đầu tiên tôi tham gia là thiết kế quy hoạch cải tạo công viên Thống Nhất. Tôi được chị hướng dẫn, chỉ bảo và làm quen với kiến trúc phong cảnh, với cây xanh, công viên từ đó. Một buổi làm việc, anh Trương Tùng - PCT UBND TP.Hà Nội, Trưởng Ban quản lí Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và đề nghị chị giúp một việc gấp: Tổ chức nhóm thiết kế cải tạo vườn lăng cho lễ 19/5.

Phòng chủ yếu là các kiến trúc sư (KTS) nữ do chị dẫn dắt, đào tạo từ những năm 1967 - 1968 khi Tổ Cây xanh đầu tiên của viện được thành lập. Các chị tích lũy khá nhiều kiến thức về cây xanh và kiến trúc phong cảnh. Tôi dân ngoại đạo, mới về, ú ớ, chị giao phác thảo 1 phương án, để so sánh với phương án chính, coi như thử việc.

Tôi vẽ nặng về bố cục mảng, khối. Chị bảo, phương án bố cục tốt, đề nghị viện trình cả 2 phương án, xin ý kiến. Buổi thuyết trình đồ án được tổ chức hết sức trang trọng tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nghe trình bày, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Đỗ Mười, Trương Tùng và Tướng Soạn bất ngờ chọn phương án của tôi. Đúng là, ú ớ vớ dây đồng!

Tuy vậy, vẫn có một cuộc tranh luận khá căng giữa chị và viện trưởng. Trong khi chị kiên quyết bảo vệ phương án của tôi thì viện trưởng thỏa hiệp, gộp chung một market và trình tiếp lần hai và được lãnh đạo đồng ý, cho triển khai. Tôi chả mấy quan tâm, coi chuyện này là bình thường. Chị lọ mọ đến nhà động viên tôi. Tôi vô tư bảo đó là sản phẩm chung của cả nhóm, em chỉ góp vài nét phác thảo bố cục ban đầu, không có gì chị ạ.

Hợp đồng cải tạo vườn lăng được ký, nhưng thời gian rất gấp, vì chỉ còn hơn tháng là đến ngày 19/5, hạn phải trồng xong vườn lăng và cả ô cỏ rộng hình trống đồng kia. Trong khi, tháng 5, tháng 6 giữa hè, không phải thời điểm phù hợp với việc trồng cây. Bọn tôi sợ không kịp, đề nghị chị làm việc với bên A, gia hạn thêm. Chị không đồng ý, quyết làm xong đúng thời hạn hợp đồng. Chị bao giờ cũng thế, sắt đá, khó lay chuyển.

Chị Thủy (khoanh đỏ). Ảnh: Tư liệu của tác giả

2. Nhà tôi ở gần Lăng, lại có chút quan hệ với Bộ Quốc phòng, chị giao tôi việc đối ngoại. Tôi gặp Tướng Soạn, trình bày. Ông cấp mọi giấy tờ cần thiết. Trước khi vào Sài Gòn, tôi xuống quân chủng Phòng không Không quân, mang theo giấy giới thiệu của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp tư lệnh Đào Đình Luyện xin 2 chuyến AN26 vận chuyển cây từ Tân Sơn Nhất ra Gia Lâm. Tư lệnh đồng ý giao cho Trung đoàn Không quân 918.

Tôi gặp Đại tá Đức - chánh văn phòng, đồng hương Thái Bình; thêm sự giúp đỡ của anh Bắc, việc được giải quyết ngay. Chạy sang Gia Lâm gặp anh Hiển - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 918, làm hợp đồng ngày giờ điều máy bay chở cây ra Hà Nội. Ngần ấy việc, giải quyết gọn trong một ngày. Xong xuôi, cả đoàn bay vào Sài Gòn chọn mua cây. Cây được mua từ 2 nguồn, công ty Công viên cây xanh Sài Gòn và vựa cây Tiền Giang.

Lúc chờ làm thủ tục nhận phòng, tôi gặp anh Chính - Phó phòng Quy hoạch 1 của viện, đang lấy chìa khóa ở lễ tân khách sạn. Biết lão chơi thân với tôi, chào hỏi xong, chị nghiêm mặt bảo, chị yêu cầu Chính không được rủ rê tôi đi chơi. Anh vâng vâng dạ dạ, cầm chìa khóa im lặng đi qua, nhá cho tôi nhìn số phòng. Tôi nhận phòng rồi qua phòng của anh.

Lão này tính rất văn nghệ. Tối ở phòng ăn, lão chào bắt tay từng người, trừ tôi, coi như không quen. Chị thật thà, nghiêm túc, thấy thế không chịu được, nói ngay, sao em không bắt tay Bùi Huy Hội? Lão trình bày, thì em phải nghe lời chị dặn, coi như em không quen nó. Chị bảo, Chính nói thế là không nghiêm túc. Chị dặn em không được rủ rê nó, chứ có cấm em bắt tay đâu. Cả đoàn nhìn nhau bấm bụng không dám cười.

Đêm ấy, tôi về nhà bạn ở đường Nguyễn Du. Còn chị, nghe mọi người bảo chị rất căng thẳng, suốt đêm đi ra đi vào, gọi điện sang phòng hỏi tôi về chưa. Đêm muộn, Chị gọi cả sang phòng anh Chính hỏi. Anh không biết tôi đi đâu thật. Chị bảo thằng Nam cận, Thành miến, mai cho tôi ra Hà Nội luôn, dừng tham gia đoàn.

Tác giả (ngoài cùng bìa trái) và chị Thủy (áo xanh, cầm mũ). Ảnh: Tư liệu của tác giả

Ăn sáng, chị giận tôi không nói gì, khiến không khí trở nên ngột ngạt. Ăn xong, họp, chị hỏi, tôi kể chuyện sang nhà bạn chơi bóng bàn vì sáng nay bạn đi Hồng Kông. Chị gay gắt mắng tôi ý thức tổ chức kỷ luật kém. Tôi ấm ức nhận lỗi, nghĩ mình đi ngoài giờ, không ảnh hưởng công việc, sáng vẫn về bình thường. Chỉ là cách hiểu khác nhau, nhưng cũng đành chứ biết sao giờ. Chả hiểu sao, khi tôi nhận lỗi, không cãi, còn chính chị lại khóc. Chị lo cho tôi nhiều hơn giận. Vấn đề là, tôi đi qua đêm mà không xin phép, báo cáo chị. Chị bảo, thôi rút kinh nghiệm, trả phòng, chuẩn bị đi Tiền Giang.

Sau chuyện này, tôi vừa sợ vừa thương chị. Từ đó tới hết chuyến đi, xong vườn lăng và đến tận năm 1989, khi không còn làm cùng phòng chị, từ một thằng nổi tiếng thích tự do, đôi khi vô tổ chức kỉ luật, tôi trở nên tử tế, nghiêm túc nhất phòng.

3. Khoảng năm 1989, 1990, khi mở rộng lối vào của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng định dời Tam Quan, phá bỏ Tam Bảo di tích chùa Diên Hựu - Một Cột. Chị rủ mấy đứa tham gia nhóm tình nguyện thiết kế trùng tu tôn tạo chùa. Nhóm phối hợp với cơ quan bảo vệ di tích, các hội nghề nghiệp, đặc biệt là Tạp chí Lịch sử quân sự, tờ Tổ Quốc, kiên quyết phản đối.

Chùa hư hỏng nặng, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, Tam Bảo kết cấu gỗ bị mối mọt, ngói vỡ mưa xuống nước chảy tong tỏng. Khi thi công lối vào bảo tàng, máy móc thiết bị chạy rầm rập, toàn bộ di tích có nguy cơ bị sập. Trời Phật phù hộ, nhóm làm được việc có ích, tham gia thiết kế trùng tu tôn tạo di tích lịch sử. Cùng đông đảo các phật tử đấu tranh, cuối cùng, di tích Chùa Diên Hựu - Một Cột đã được bảo vệ.

Khi xảy ra chuyện này, tôi đã có cuộc đối thoại ngay ở sân chùa với Thứ trưởng Lê Văn Sang, phụ trách thi công Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bằng kiến thức ít ỏi của mình, tôi cố gắng giải thích để ông hiểu, giá trị văn hóa của công trình không phải do to hay nhỏ.

Không thể phá đi 1 di tích ngàn năm chỉ để làm đẹp lối vào của một công trình văn hóa mới. Thực ra, ông Sang cũng chỉ là người thừa hành nhiệt huyết, chỉ thấy công trình to, coi nhiệm vụ chính trị là quan trọng. Chùa Diên Hựu - Một Cột tuy nhỏ, bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh, đã không còn là nguyên bản nhưng có giá trị to lớn về văn hóa, tâm linh và cũng là biểu tượng vô cùng ý nghĩa với thủ đô Hà Nội.

Tôi không có ý định viết về dự án “Làng kiến trúc phong cảnh Võng Thị”. Đây là một dự án đẹp, một đề tài nghiên cứu khoa học mà chị ấp ủ từ rất lâu. Giữa một đô thị nhộn nhạo, ồn ào, bụi bặm, đang bị bê tông hóa ngày càng khô cứng, vô cảm, ý tưởng xây dựng một ngôi làng với những ngôi nhà 2 tầng mái ngói ẩn hiện dưới những bụi tre, hàng cau và trăm ngàn các loại hoa lá, thật tuyệt vời.

Chị Thủy (ngồi, cầm mũ) chụp ảnh kỷ niệm tại lăng Bác. Ảnh: Tư liệu của tác giả

Hơn nữa, chị còn tha thiết khôi phục lại mối quan hệ hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Chị dành nhiều thời gian để xây dựng đề án, tìm mọi cách thuyết phục các cơ quan nhà nước và lãnh đạo các cấp. Khi được chấp nhận, chị lại vận động bạn bè tham gia dự án. Hơn hai chục gia đình đã tình nguyện tham gia, họ hầu hết là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ. Dự án sau bị hiểu lầm, như một sự lợi dụng nghiên cứu khoa học để trục lợi, vi phạm một số những điều luật về quản lí, sử dụng đất. Thật đáng buồn.

Tôi tuyệt đối tin, rằng chị là một người không bao giờ vụ lợi. Mười mấy năm trước khi cả nước còn đói nghèo, lo ăn chả xong, chồng chị gửi xe máy về, bán hết những chiếc xe ấy, chị có thể mua được vài ngôi nhà to giữa phố. Vậy mà chị vẫn ở tầng 3, tầng 4 trong một căn hộ bé xíu khu tập thể Kim Liên. Một người tốt, tử tế và trong sáng đến ngây thơ như chị, làm sao hiểu hết được những uẩn khúc, những phép thuật ma mị của trò chơi đầy bất trắc, đầy thủ đoạn kia...

Sau năm 1992, tôi rời viện làm doanh nghiệp, ít có cơ hội gặp chị. Nghe nói, chị đã bán hết tài sản lo cho dự án. Chị cũng chỉ xây cho mình một căn nhà nhỏ trong làng, bình đẳng như mọi người. Khi câu chuyện “làng kiến trúc phong cảnh Võng Thị” ầm ĩ trên các tờ báo, chị lại lo vay mượn tiền bạc để đi hầu tòa. Chuyện này đã làm chị rất buồn và lấy của chị không biết bao nhiêu sức khỏe và tiền bạc. Năm 2007, chị đã mãi đi vào cõi vĩnh hằng!

Bây giờ, nhiều khi trong từng thớ ký ức, tôi nhớ chị Thủy, một phụ nữ tốt và tử tế…

Bùi Huy Hội

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/co-mot-nguoi-tu-te-den-vay-173644.html