Có một người Hà Tĩnh ở Hà Tĩnh

Mấy hôm trước nghe tin Phương Hoa ra sách. Bộ sách 'Người Hà Tĩnh muôn nơi', tôi thực sự bất ngờ. Gọi điện cho Hoa để xin sách, Hoa cười: 'Sách của em toàn tập hợp các kịch bản phim ký sự thôi, chẳng phải văn chương gì đâu…'. Vẫn cái kiểu nhún nhường 'Em quen với làm truyền hình …' ngày nào...

Cách đây chừng 20 năm, cũng vào dịp miền Trung vừa trải qua một trận bão khủng khiếp không kém gì cơn bão Damrey vừa đổ vào khu vực Nam Trung Bộ những ngày vừa qua, tờ Văn nghệ Trẻ khi đó muốn có một bài phản ánh về tình hình bão lụt ở đây. Thế nhưng, phóng viên thường trú không có, còn cộng tác viên thì chưa biết tìm ai, bởi yêu cầu của bài báo là phải phản ánh trực tiếp được tình hình bão lụt, đặc biệt là đời sống của người dân tại thời điểm đó… Mà tất cả những thứ ấy thì lại là "sở đoản" của các nhà văn, kể cả là nhà văn trẻ, vốn cần có một "độ trễ" nhất định cho những thấm thía và chiêm nghiệm…

Trong lúc lúng túng chưa biết phải làm thế nào thì có người bạn gợi ý: "Gọi cho Phương Hoa ở Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh".

Nhà báo Trần Thị Phương Hoa - Phó giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh thì ổn rồi, cũng là một trong những "trọng điểm" của trận bão năm ấy. Đài Phát thanh Truyền hình thì lại càng ổn, vì ở đó có những người luôn có mặt tuyến đầu. Thế nhưng Phương Hoa thì có gì đó chưa ổn… Thứ nhất là chưa quen, thứ hai là phụ nữ. Cái tên đẹp thế thì người chắc cũng vào loại "đào liễu", mưa bão thế này chắc gì đã kéo được người ta ra khỏi phòng mà nhờ mới vả… Thế nhưng người bạn nọ vẫn động viên: "Anh cứ gọi đi. Anh chưa biết Phương Hoa đâu...".

Thế là đành phải "vịn" vào Phương Hoa…

Nàng nhận lời mà chẳng để cho người ta có chút hy vọng gì: "Em quen làm thời sự, chẳng biết gì về văn nghệ cả, không biết giúp gì được cho các anh không…". "Chính lúc này bọn anh đang cần thời sự. Em cứ viết cho bọn anh đúng như những gì em đang làm cho Đài là được…". "Vậy em sẽ cố, nhưng em chưa hứa đâu nhé!..."…

Vậy là phải "lẽo đẽo" chạy theo nàng, dai dẳng như một thằng si tình. Cũng may Văn nghệ Trẻ là báo tuần, chứ báo ngày thì hỏng việc từ lâu rồi. Đến khi nhận được bài của Phương Hoa, ai cũng bất ngờ. Tờ báo những ngày ấy có tiếng là "kén" bài mà bài của Hoa không phải biên tập chút nào. Từ cách chọn vấn đề để phản ánh đến chi tiết, văn phong, tất cả đều phù hợp và đắc địa… Mãi sau này khi đã chơi với nhau, Hoa mới tiết lộ: "Em phải viết đi viết lại vì sợ bị chê…". À. Hóa ra lý do bài gửi muộn là thế…

Sau này, có những khi cần bài ở Hà Tĩnh, đặc biệt là trước những thiên tai dội xuống mảnh đất này, dù rất cần, nhưng tôi cũng không dám nhờ Hoa viết bài nữa vì sợ lại làm cô ấy vất vả, bởi tôi biết nếu có nhờ chắc chắn Hoa sẽ không từ chối, và cũng sẽ không bao giờ gửi cho chúng tôi những bài mà bản thân cô cho là "chưa hợp với báo Văn nghệ…". Vậy nên mỗi lần như vậy, chỉ nhắn cho nhau được một cái tin trong mưa gió: "Thương miền Trung, thương Hà Tĩnh quá!…". Vậy thôi…

Cứ vậy mà rồi cũng cả chục năm…

Thế rồi mấy hôm trước nghe tin Phương Hoa ra sách. Bộ sách "Người Hà Tĩnh muôn nơi", tôi thực sự bất ngờ. Gọi điện cho Hoa để xin sách, Hoa cười: "Sách của em toàn tập hợp các kịch bản phim ký sự thôi, chẳng phải văn chương gì đâu…". Vẫn cái kiểu nhún nhường "Em quen với làm truyền hình …" ngày nào.

- Thì đấy em xem, "Cây tre Việt Nam" của Thép Mới bắt đầu cũng chỉ là một bản thuyết minh cho phim tài liệu đấy thôi, vậy mà về sau nó đã được xem như một tác phẩm văn học thực sự, thậm chí là một bài thơ văn xuôi đấy thôi…

Cuối cùng thì tôi cũng có trong tay cuốn sách đầu tiên trong bộ sách "Người Hà Tĩnh muôn nơi". Cầm sách trên tay mới biết Phương Hoa giờ đã là Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh. Ngày đầu gặp nhau, Hoa đang là biên tập viên, sau này có nghe tin Hoa giữ cương vị Trưởng ban. Vậy là đến giờ, nếu tính từ ngày mới vào Đài công tác, làm một phát thanh viên thì Phương Hoa giống như một trong hai nhánh sông Ngàn Sâu - Ngàn Phố, đã âm thầm chảy qua bến Tam Soa, đã lặng lẽ tích tụ, đã hợp với Ngàn Cả để hòa vào dòng lớn… Nhìn lại thời gian, thấm thoắt cũng đã trên dưới hai chục năm, thành công của Hoa hôm nay là kết quả của một sự vượt lên đáng kể của đam mê và nỗ lực…

Trở lại với "Người Hà Tĩnh muôn nơi", ấy là một thiên ký sự truyền hình mà ngay tên gọi của nó đã nói lên tất cả, và cũng chứa đựng tất cả. Trước đây tôi vẫn thường nghĩ, người làm báo ở địa phương có lợi thế là sẽ biết sâu, biết kỹ, sẽ hiểu đến cặn kẽ, đến tận cùng về một vùng đất. Đấy là vốn liếng của họ. Nhưng cũng có những điểm yếu khách quan mà họ khó lòng vượt qua được. Ấy là ít mở rộng được địa bàn, và như vậy đề tài cũng sẽ bị hạn chế. Với "Người Hà Tĩnh muôn nơi", các bạn ở Đài Phát thanh truyền hình Hà Tĩnh đã tháo gỡ được những trở ngại ấy. Họ đã biết phát huy lợi thế của mình để mở rộng địa bàn hoạt động, mở rộng nội dung chương trình và vượt qua được những hạn chế khách quan bằng tính ngẫu hứng.

Đây là một sáng kiến mà chính Phương Hoa, tác giả của tập sách, và cũng chính là tác giả của thiên ký sự này đã tâm sự: "Lần đầu tiên đến Tây Bắc, không có kịch bản quay chi tiết. Mọi việc chỉ qua hình dung tưởng tượng: Một Tây Bắc qua thơ ca. Một Tây Bắc qua những trang tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân… Bởi thế mà hầu hết tên của mỗi tập phim, phần lớn tôi đều lấy cảm xúc từ thơ ca…".

Tên gọi cũng chính là cái "tứ", là chiếc "neo" của cảm xúc, của ý tưởng, giữa bộn bề chi tiết của đời sống, của đề tài. Người làm nghề ai cũng hiểu điều đó. Vậy nên xuyên suốt những nhân vật là người Hà Tĩnh ở khắp mọi miền đất nước mà thiên ký sự này hướng đến (ở phần 1 này là khu vực Tây Bắc) có một mạch ngầm là dòng chảy của văn học. Nói rộng ra là văn hóa. Lấy văn hóa làm bối cảnh để khắc họa chân dung nhân vật là cách làm mang ý nghĩa nhân văn mà lâu nay những người làm văn chương vẫn thường sử dụng.

Tập 1 bộ sách “Người hà Tĩnh muôn nơi”.

Phương Hoa cũng sử dụng thủ pháp này cho những phóng sự của mình, vậy nên tuy chỉ là lời bình trong những phóng sự truyền hình, nhưng khi tồn tại độc lập dưới dạng văn bản như trong ấn phẩm này, nó cũng chứa đựng và chuyển tải được những thông điệp mang giá trị địa lí - văn hóa, cũng gợi mở được cho người đọc những sự lóe sáng trong tư duy, nhất là với những người chưa một lần đặt chân, chưa một lần tiếp cận với môi trường, với cuộc sống ở những nơi này.

Hãy thử điểm qua những tác phẩm mang đầy thi vị ấy: "Tây Bắc ư! Có riêng gì Tây Bắc" (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên); "Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" (Gửi em ở cuối sông Hồng - thơ Dương Soái, nhạc Thuận Yến); "Sapa - nơi gặp gỡ của đất đất trời" (Phùng Chiến); "Lai Châu - Nơi cuối trời Tây Bắc" (Gửi Lai Châu - Trần Mạnh Hảo); "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy" (Tây tiến - Quang Dũng)…

Với những cái "tứ" như vậy thì một lời bình như thế này rõ ràng là một sự xuyên suốt. Không những thế, nó còn nâng tầm cho bài viết (cuốn phim) cả ở góc độ con người và văn hóa nữa: "Những người con bình dị của vùng đất ven sông La đang hòa mình vào dòng chảy nền văn hóa độc đáo của miền Tây Bắc để rồi góp phần hòa quyện và phát triển hoàn thiện hơn nền văn minh sông Hồng rực rỡ vốn có từ bao đời…"

Người thì ở muôn nơi. Có người đi xa như một chuyến giang hồ, người lại bén duyên quê mới. Nhưng dù ở đâu thì quê hương vẫn luôn là cội rễ, vẫn luôn là nơi để hồn mình neo lại, để lòng mình hướng về. "Người Hà Tĩnh muôn nơi" của Phương Hoa và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh không phải chỉ có thế này. Được biết chương trình được xây dựng và phát sóng từ năm 2013 đến nay đã được 20 tập, và vẫn còn ấp ủ nhiều dự định mênh mông hơn nữa.

Sách của Phương Hoa tuy mới dừng lại ở những chuyến đi đầu tiên: Qua miền Tây Bắc; và sắp tới chị sẽ còn ra nhiều tập ký sự truyền hình, mỗi tập là một địa danh khác nhau, nơi những con người Hà Tĩnh đã đến, ở lại và dựng xây cuộc sống của họ. Nhưng vậy cũng đủ để hình dung ra một diện mạo, một quy mô của chương trình, cùng với tình cảm và tâm huyết của người đã kết duyên cùng nó.

Không hiểu những nhân vật của Phương Hoa trong thiên ký sự này, những Phan Đình Đại, Lê Xuân Thanh, Nguyễn Văn Vinh, Đậu Minh Công, Trần Đại Lục, Nguyễn Văn Quang… Đặc biệt là những nhân vật như Phan Nho Đằng, người sinh ra và lớn lên trên miền quê mới, quê hương Hà Tĩnh chỉ còn là những câu chuyện xa hút hắt, đến mức chỉ cần nghe thấy một giọng nói quê hương là đã rưng rưng xúc động, thì những thước phim này, cùng với cô phóng viên trong vai trò một sứ giả của tình yêu kia sẽ giúp cho họ gần lại với nhau và với quê hương được bao nhiêu, riêng tôi, một người "ngoài Hà Tĩnh" thì bỗng thấy nhớ "một người Hà Tĩnh ở Hà Tĩnh", thấy thèm một chút ấm áp của hai chữ "Đồng hương".

Lương Ngọc An

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/co-mot-nguoi-ha-tinh-o-ha-tinh-465841/