Có một ngôi trường 'để tin, để yêu và để giữ gìn'

Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi về Trường Marie Curie (Hà Nội) và được chứng kiến tình cảm của các em học sinh tri ân thầy, cô giáo. Bao cảm xúc tuổi học trò lại rưng rưng ùa về...

Món quà tri ân đặc biệt

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp tháng 11, thầy và trò Trường Marie Curie lại rộn ràng với hội diễn văn nghệ lớn nhất trong năm. Chứng kiến Hội diễn văn nghệ lần thứ 26 của trường, chúng tôi ngạc nhiên về quy mô tổ chức mà ít trường phổ thông nào có thể làm được. Sự đầu tư hoành tráng, dàn dựng công phu, thể hiện xuất sắc khiến người xem tưởng như đang xem một show diễn chuyên nghiệp. Với 10 buổi thi từ vòng sơ khảo tới chung khảo, hội diễn thu hút gần 130 tiết mục vào vòng chung khảo. Không chỉ mang đến không khí sâu lắng, nhẹ nhàng với những lời ca, điệu múa, các thành viên của Trường Marie Curie còn thể hiện cá tính, sôi động qua từng tiết mục nhảy hiện đại. Đặc biệt, trong những tiết mục đoạt giải, rất nhiều tiết mục có sự góp mặt của đông đảo phụ huynh.

Bên cạnh những giờ học văn hóa, Trường Marie Curie thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao.

Vỡ òa sung sướng vì tiết mục “Mưa thu” đoạt giải đặc biệt của hội diễn năm nay, em Vũ Thùy Trang, học sinh lớp 9I1 chia sẻ: "Giải thưởng là món quà đặc biệt, một kỷ niệm của năm cuối cấp mà chúng em muốn dành tặng cô giáo chủ nhiệm".

Dù tiết mục múa “Bức họa đồng quê” chỉ đoạt giải triển vọng, nhưng tập thể lớp 7P2 ai nấy đều rất phấn khởi. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thu Trang cho biết, với mỗi thành viên của Trường Marie Curie, hội diễn là sân chơi gắn kết tình cảm giữa các học sinh trong lớp, với các thầy giáo, cô giáo, giữa nhà trường và phụ huynh, để hướng các em cảm nhận những cái đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh những giờ học văn hóa, qua hội diễn, các em còn được phát triển toàn diện về thể chất và năng khiếu, nuôi dưỡng những đam mê và truyền cảm hứng trong học tập.

Đồng hành cùng các con trong suốt 5 mùa hội diễn, chị Lê Thị Lê Phương, Trưởng ban phụ huynh khối tiểu học, Trường Marie Curie ghi nhận những đổi thay của một sân chơi nghệ thuật mà nhà trường tạo ra trong suốt 26 năm qua. Từ một sân khấu bình thường, tới nay, hội diễn nhà trường trưởng thành và chuyên nghiệp hơn. “Mỗi mùa hội diễn là một cơ hội để chúng tôi hòa chung và trải nghiệm cùng các con; để các bậc làm cha, làm mẹ thêm hiểu và gần gũi với các con suốt lứa tuổi học trò”, chị Phương nói.

Mỗi giáo viên là một tấm gương mẫu mực

Với mục tiêu giúp học sinh phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, bên cạnh những chương trình học chính khóa, các sự kiện, Trường Marie Curie còn đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao. Các em được học bóng rổ, bóng đá và bóng ném. Để các em vừa được học, vừa được thực hành, nhà trường tổ chức mỗi năm hai giải bóng vào mùa thu và mùa xuân. Mỗi giải bóng kéo dài hơn 3 tháng. Các bạn nam thi đấu bóng đá và bóng rổ, còn các bạn nữ thi đấu bóng rổ và bóng ném.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang trao phần thưởng tặng các tập thể lớp có tiết mục đoạt giải tại Hội diễn văn nghệ lần thứ 26.

Học sinh đua nhau học tập, đam mê thể thao, ham thích nghệ thuật. Thầy và trò gần gũi, quan tâm đến nhau như một gia đình. Đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi đến với Trường Marie Curie. Ấn tượng nhất với chúng tôi là tình cảm thân thương, trong trẻo mà học sinh Trường Marie Curie dành cho các thầy cô giáo. Các em luôn coi thầy, cô giáo như những người cha, người mẹ thứ hai của mình. Ở Trường Marie Curie, khi nhắc tới thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, học sinh nào cũng gọi thầy là “ông nội”. Chắc hiếm có trường học nào mà học sinh lại gọi thầy hiệu trưởng trìu mến như thế, cũng bởi “ông nội” Khang giản dị từ cách ăn mặc, cử chỉ đến cách đối xử với học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. “Ông nội” sẵn sàng đi ăn trưa, ngồi nói chuyện, tán gẫu cùng học sinh. Trong các chương trình, sự kiện do nhà trường tổ chức, “ông nội” Khang ít khi ngồi ghế đại biểu mà ngồi cùng học sinh, quan tâm tới các em như chính những đứa con ruột thịt của mình.

Với quan điểm “muốn dạy học tốt thì trước hết giáo viên phải là một tấm gương mẫu mực” nên thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang luôn cố gắng trở thành tấm gương cho học trò noi theo. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc riêng đến việc chung... thầy đều hướng đến cái đẹp và sự tử tế. Chính phong cách và tư duy giảng dạy của thầy đã thấm nhuần trong mỗi giáo viên ở ngôi trường này. Marie Curie giờ đây như ngôi nhà thứ hai, hay nói như thầy Khang, là một ngôi trường để mỗi thành viên tin, yêu và giữ gìn.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/co-mot-ngoi-truong-de-tin-de-yeu-va-de-giu-gin-556029