Có một ngôi làng mang tên… Cù Lần

Làng Cù Lần nằm gọn trong một thung lũng của núi đồi Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây cũng chính là cái nôi văn hóa cổ xưa nhất của người K'ho Lạch và hiện nay vẫn còn giữ nguyên những nét hoang sơ thanh bình đầy ấn tượng.

Làng Cù Lần dưới chân núi Lang Biang

Làng Cù Lần dưới chân núi Lang Biang

Câu chuyện tình lãng mạn

Làng Cù Lần ở thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, nằm dưới chân núi Lang Biang, cách Hồ Xuân Hương và Đồi Cù Đà Lạt khoảng 20 km. Để được đặt chân trên thảm cỏ xanh mướt, đi dưới thung lũng nguyên sơ, phải băng qua hai cây cầu treo kết cấu bằng tre, nứa rừng dài 17 nhịp. Cái “hút” chân du khách đến với làng Cù Lần là phong cảnh hoang sơ đến 80% núi rừng nguyên sinh, còn cái “níu” du khách ở lại làng Cù Lần là bởi câu chuyện tình lãng mạn và xúc động.

Làng Cù Lần là cái tên xuất xứ từ mối tình của một đôi trai tài gái sắc. Ngày ấy, có một chàng trai người Kinh lực lưỡng, điển trai, tốt bụng và si tình, vì nhà quá nghèo nên không có tiền lấy vợ. Chàng ước mơ xây một lâu đài hạnh phúc với cô gái mình yêu. Chàng đã bỏ nhà từ miền xuôi lên sinh sống giữa chốn rừng sâu. Để thực hiện mơ ước ấy, ngày ngày chàng lên núi vác đá đem về xây lâu đài hạnh phúc, nhưng xây mãi, xây mãi, bao công sức chỉ là “đội đá vá trời”.

Lời đồn giữa rừng sâu cao nguyên Đà Lạt, có chàng Cù Lần si tình đã đến tai cô gái nọ. Cô gái quyết định bỏ phố lên rừng. Trước cảnh đẹp kỳ vĩ của núi rừng thiên nhiên, xúc động trước tình cảm chân thành và ý chí sắt đá của chàng Cù Lần, cô đã quyết định ở lại rừng sâu cùng Cù Lần xây lâu đài hạnh phúc.

Thời gian như mũi tên bắn đi, bao mồ hôi thấm vào vách đá, bao nhọc nhằn lặn vào rừng sâu, họ không xây được lâu đài như mơ ước, song họ đã có một tình yêu mãnh liệt, bền chặt. Thiên đường hạnh phúc của họ là những ngôi nhà nhỏ giản dị dưới chân núi Lang Biang. Quanh ngôi nhà ấy là hoa thơm cỏ dại, cùng dòng suối trong vắt chảy róc rách suốt đêm ngày. Ngày ngày, chàng Cù Lần lên rừng đốn củi, xuống suối bắt cá, còn người vợ ở nhà nuôi con chờ đón chồng về. Làng Cù Lần có tên từ đó.

Hòa nhịp cùng những chàng trai cô gái K’ho trong điệu múa cồng chiêng

Nguyên sơ và giản dị

Khác biệt với thị thành tấp nập người xe, làng Cù Lần nguyên sơ và giản dị như chính tên gọi của nó. Sau khi mua vé vào cửa và rảo bước chừng 100 mét, phóng tầm mắt về hướng bên phải, một cảnh thanh bình hiển hiện giữa núi đồi. Đó là “thảm cỏ” xanh mướt giữa không gian tĩnh lặng. Bên phải là chợ Chồm Hổm bày bán hàng lưu niệm gọn nhẹ làm bằng gỗ rừng. Cạnh đó trên đồi cao, là không gian văn hóa của người K’ho, trưng bày những sản vật văn hóa cổ, và những sản phẩm đặc trưng nhất của người Tây Nguyên qua nhiều thế hệ.

Phía trái là những ngôi nhà nhỏ của chàng Cù Lần với những vườn hoa đủ sắc màu xinh xắn vây quanh. Cạnh đó là hồ nước trong vắt và không bao giờ vơi cạn dù thời tiết khắc nghiệt đến đâu hoặc mùa khô hạn hán. Giữa sân là cây nêu và những chiếc ghế làm bằng nửa thân cây thông như những cung bậc của núi rừng cao nguyên. Tất cả hòa quện vào nhau tạo nên một bản sắc văn hóa riêng biệt mà chỉ làng Cù Lần mới có.

Sau khi thăm thú, mua sắm và chụp ảnh lưu niệm, du khách tìm thấy thêm niềm vui khi tập trung trước nhà rông và hòa mình cùng các chàng trai, cô gái K’ho xinh đẹp khỏe khoắn trong những điệu múa “cồng chiêng”, “lấy nước dưới suối”, “nhảy sạp” quanh đống lửa bập bùng. Một cảnh sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh không phải điểm du lịch nào cũng duy trì được.

Đến Làng Cù Lần không ăn gà nướng, chưa uống rượu cần, không thưởng thức khoai nướng, không ăn cơm lam thì thiếu dư vị Tây Nguyên. Gà nuôi trên đồi, rượu cần ủ trong ché, khoai nướng do người K’ho trồng trên rẫy, cơm lam do người K’ho nướng trong ống nứa. Tất cả tạo nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người bản xứ nơi này.

Có thể nói, trong nhiều địa danh du lịch mang đậm bản sắc văn hóa hiện đại, thì làng Cù Lần vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống hoang sơ đến trên 80%, chưa bị thương mại hóa. Vì thế, dù mùa đông hay mùa hè, dù thời tiết khắc nghiệt hay thuận lợi yên bình, làng Cù Lần vẫn luôn thu hút khách thập phương đến đây nghỉ dưỡng và ngắm cảnh.

Làng Cù Lần không quá lớn, quá rộng để chứa nhiều người; nhưng cái rộng và sâu hơn là tình người, tình đời của những người K’ho nơi cao nguyên bản xứ, khiến ai một lần đã đặt chân đến làng Cù Lần đều mong một ngày không xa sẽ quay trở lại.

Đường vào làng phải đi qua hai cây cầu treo làm bằng nứa, tre rừng

Du khách dạo chơi trong làng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/co-mot-ngoi-lang-mang-ten-cu-lan-3923987-b.html