'Có một nghề' mang tên bộ đội

'Con xin lỗi mẹ ơi vì Covid. Mẹ ra đi con vẫn ở tuyến đầu. Nén nhang này con khóc mẹ trên chốt. Ngày bình yên con sẽ về ôm mẹ'. Những hy sinh thầm lặng, mất mát mà đồng đội trải qua khi tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được Đại úy Vũ Văn Quốc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1) viết thành ca khúc 'Có một nghề'.

Đại úy Vũ Văn Quốc - tác giả ca khúc "Có một nghề". Ảnh do nhân vật cung cấp.

Đại úy Vũ Văn Quốc - tác giả ca khúc "Có một nghề". Ảnh do nhân vật cung cấp.

Sáng 23/5 vừa trở về sau khi tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đại úy Văn Quốc nghe thông tin Sư đoàn 3 tiếp tục điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lên đường tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch.

Câu chuyện về đồng đội vì nhiệm vụ phòng, chống dịch không kịp về chịu tang mẹ, có đồng chí khác đành gác hạnh phúc riêng vì an toàn chung của cộng đồng... đã trào dâng trong anh một cảm xúc khó tả. Ý tưởng, ca từ, giai điệu dưng dưng cứ thế tuôn trào, bài hát “Có một nghề” ra đời trong hoàn cảnh ấy.

“Tôi chẳng biết nhiều về nhạc lý, về âm luật nên viết ca khúc này chính là bộc lộ tình cảm, tâm tư bằng giai điệu, lời hát để tri ân những đồng đội của mình đang căng mình nơi tâm dịch giữa thời bình” - anh Quốc nói.

Vừa gảy ghi ta, anh vừa ngân nga hát thành lời rồi dùng máy điện thoại ghi âm lại, chỉnh sửa câu chữ, giai điệu cho "thuận" tai. Đã chọn nghề lính, dù thời bình hay thời chiến thì lúc nào cũng ở tuyến đầu, chẳng quản ngại hy sinh thời gian, hạnh phúc, sức khỏe và đôi khi là cả tính mạng.

Bài hát về người lính được anh Quốc sáng tác trong vòng 1 giờ 30 phút.

Ca từ trong bài hát đều là những câu chuyện thật vô cùng đau xót như sự việc Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong vụ sạt lở do bão lũ tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào năm 2020.

Rồi trong trận chiến với giặc Covid-19, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải nén nỗi đau mất mẹ "Con xin lỗi mẹ ơi vì Covid. Mẹ ra đi con vẫn ở tuyến đầu. Nén nhang này con khóc mẹ trên chốt. Ngày bình yên con sẽ về ôm mẹ”. Những ca từ mộc mạc ấy cũng chẳng kể hết gian lao của người lính mặc dù đang trong thời bình.

Sinh ra và lớn lên ở xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), kinh tế gia đình không được khá giả, anh hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ. Vậy nên lúc nào anh cũng nỗ lực hết mình.

Trải qua 5 năm học tập, rèn luyện ở Trường Sĩ quan Chính trị, sau khi tốt nghiệp anh Quốc được nhà trường giữ lại, công tác từ năm 2013 đến năm 2018. Năm 2018, anh nhận công tác tại Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng.

Dù mỗi đơn vị, mỗi môi trường công tác khác nhau nhưng cường độ huấn luyện, yêu cầu nhiệm vụ cao, thường xuyên có những tình huống bất ngờ, đòi hỏi người lính phải ở tâm thế sẵn sàng và ý chí sắt đá.

Những ngày Bắc Giang đang gồng mình chống dịch bệnh, bố anh bị bệnh phổi mãn tính, mẹ vừa bị đột quỵ. Lo lắng cho cha mẹ, người thân ở quê nhà bao nhiêu, anh Quốc lại càng có động lực để viết ca khúc “Có một nghề” bấy nhiêu.

Ca khúc nhằm cổ vũ, động viên tinh thần đồng đội trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19. Trong tâm bão, giữa đại dịch, dù là bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào cũng đều có dấu chân người lính. Mong đồng đội của anh càng vững vàng hơn nữa để cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang chiến đấu, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/nhip-song-tre/361391/co-mot-nghe-mang-ten-bo-doi.html