Có một mạch nguồn văn hóa luôn chảy

Thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai biểu diễn giao lưu tại huyện Định Quán ngày 30-11. Ảnh: L.Na

Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai biểu diễn giao lưu tại huyện Định Quán ngày 30-11. Ảnh: L.Na

Dẫu gặp không ít khó khăn nhưng với sự nỗ lực đưa ĐCTT đến với cộng đồng, hoạt động ĐCTT trong năm qua ở Đồng Nai đã có nhiều tín hiệu vui, góp phần gìn giữ mạch nguồn văn hóa đang chảy như chính “giọng quê” thật thà cất lên từ những khúc tài tử ngọt ngào trong lòng người mộ điệu.

* Nhiều tín hiệu vui

Có dịp trò chuyện với nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của ông cũng như các nghệ nhân, tài tử về việc thực hiện triển khai đề án bảo tồn và phát huy ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Theo nghệ nhân Phạm Lơ, năm 2019 Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tích cực đưa ĐCTT về cơ sở bằng cách tổ chức nhiều đợt trình diễn giao lưu, thực hành kỹ năng thể hiện bài bản tổ; tổ chức tặng nhiều bộ CD bài bản tài tử cho các địa phương, đồng thời nhân rộng nhiều mô hình câu lạc bộ trong cộng đồng dân cư…

Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết: “Để bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử đúng chất của nó, trên cơ sở đề án của tỉnh phê duyệt, chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch và các chương trình làm việc cụ thể trong năm 2020 nhằm hỗ trợ hết mình để đờn ca tài tử Đồng Nai được phát triển, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng…”.

“Tôi cho rằng đây là những “động thái” đáng mừng của tỉnh trong việc khuyến khích người dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của ĐCTT. Từ các hoạt động này, người dân sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị của nghệ thuật ĐCTT, để rồi mỗi người sẽ chọn cho mình một cách gìn giữ riêng. Người thì say sưa chơi đờn, người thì say mê ca, người thì truyền dạy cho các thế hệ kế thừa… Cứ thế tạo thành một dòng chảy văn hóa ĐCTT có sức sống riêng của Đồng Nai” - nghệ nhân Phạm Lơ chia sẻ.

Hiện tại, 11 huyện, thành phố của tỉnh đều có những câu lạc bộ ĐCTT trực thuộc trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao hoạt động bài bản. Mỗi câu lạc bộ thu hút từ 15-30 tài tử, thường xuyên luyện tập, tham gia các hội thi, hội diễn. Họ đến với ĐCTT một phần là vì niềm đam mê cá nhân của người thực hành và một phần là vì mong muốn được gìn giữ và trao truyền cái hay, cái đẹp và cái tình của ĐCTT cho các thế hệ mai sau. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp hay thành phần xã hội, miễn có tình yêu và năng khiếu, họ tìm đến với nhau, hòa chung lời ca tiếng hát.

Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, đến thời điểm hiện tại, trung tâm đã hoàn thành 4 đợt trình diễn tại các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Định Quán và TP.Long Khánh, thu hút trên 2 ngàn lượt người xem và cổ vũ. Cùng với trình diễn, trung tâm thường xuyên tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật ĐCTT nhằm giới thiệu đến công chúng; biên tập và kiểm tra nội dung sáng tác lời mới của 20 bài bản tổ, in sách và thu đĩa CD đem về cho các câu lạc bộ ở xã, phường và thị trấn trong tỉnh.

“Năm 2019, chúng tôi tổ chức nhiều sân chơi dành cho người mộ điệu tài tử cải lương, bao giờ cũng có những giải thưởng động viên, khích lệ người chơi. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các đợt giao lưu tại nhiều tỉnh, thành lân cận, giúp thành viên các câu lạc bộ học hỏi kinh nghiệm tổ chức biểu diễn. Chúng tôi cũng đưa ĐCTT vào sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tham gia bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này” - bà Tôn Thị Thanh Tình nói.

* Gìn giữ mạch nguồn văn hóa

Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT huyện Định Quán Lê Ngọc Ni cho hay, nếu như trước đây sân chơi ĐCTT của Định Quán rời rạc thì hơn 1 năm nay đã “bắt nhịp” và hoạt động thường xuyên, tích cực. Để đẩy mạnh sân chơi, nhiều tài tử ở địa phương đã tự mình sáng tác các bài bản mới với chủ đề về nông thôn mới, xây dựng văn hóa mới để phục vụ cho câu lạc bộ.

“Chúng tôi đã tự làm mới mình với những giai điệu mượt mà, sâu lắng. Nhiều sáng tác của các thành viên được phổ biến, theo các nghệ sĩ tham gia liên hoan, biểu diễn ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Người nghe đã phần nào cảm nhận được nét độc đáo của âm nhạc tài tử của quê hương Định Quán nói riêng và Đồng Nai nói chung. Chúng tôi vẫn ngày đêm say mê tập luyện, trao truyền, mang đến sức sống mới cho loại hình nghệ thuật đặc biệt này” - bà Lê Ngọc Ni bày tỏ.

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT huyện Tân Phú Trần Văn Tình, phong trào đàn hát tài tử cải lương của huyện diễn ra rất sôi nổi. Những người yêu đờn ca đã tập hợp nhau lại thành câu lạc bộ, tự tải nhạc, bài hát trên internet để tập luyện rồi đem ra hát, diễn tại các buổi tiệc cho bà con nghe. Nhiều người đã và đang chơi bộ môn này bằng niềm đam mê và sự nghiêm túc của bản thân. Tuy nhiên, sân chơi này vẫn vắng bóng người trẻ tham gia.

Điều mong mỏi của ông Trần Văn Tình chính là việc làm sao cho càng nhiều người biết và hiểu giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn của ĐCTT, một bản sắc văn hóa của phương Nam, từ đó đưa vào giảng dạy hoặc biểu diễn trong trường học. “Chúng tôi rất hy vọng có thể đưa ĐCTT vào trường học, bắt đầu bằng những bài bản nhỏ, tươi vui tạo hứng thú cho học sinh tìm hiểu, làm quen. Chúng tôi sẵn sàng tham gia “truyền lửa” cho các em để ĐCTT được tiếp tục nảy nở, nối tiếp những mạch nguồn mới…” - ông Tình nói.

Nhơn Trạch là địa phương có phong trào ĐCTT phát triển mạnh mẽ, từ nông thôn đến thành thị, hầu như mỗi ấp, xã đều có từ một đến vài ba nhóm, câu lạc bộ, hoạt động thường xuyên, do các nghệ nhân “nòng cốt” làm chủ nhiệm. Theo Giám đốc Trung tâm văn hóa - thông tin huyện Nhơn Trạch Vũ Văn Tân, hiện trung tâm đang nghiên cứu để đề xuất ban hành chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ÐCTT trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ, tạo “thương hiệu” văn hóa đặc trưng của Nhơn Trạch, hòa cùng dòng chảy dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201912/co-mot-mach-nguon-van-hoa-luon-chay-2976979/