Có một không gian văn hóa tâm linh Yên Tử

Không gian văn hóa tâm linh được hiểu là khu vực địa lý - văn hóa bao gồm không gian tự nhiên và không gian sống của con người mang đậm yếu tố tâm linh, tinh thần. Theo đó, vùng Yên Tử có một không gian văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh.

Bình minh trên đỉnh chùa Đồng.

Bình minh trên đỉnh chùa Đồng.

Theo PGS.TS Trần Lê Bảo (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), địa điểm núi Yên Tử không gần xóm làng mà cũng không đoạn tuyệt hẳn với xóm làng giúp cho các thiền sư nhanh chóng nhập định tu tập có hiệu quả. Không gian thanh tịnh của núi rừng Yên Tử vừa trong sạch vừa yên tĩnh là nơi lý tưởng phải đạt đến của các thiền sư và môn đệ.

Yên Tử được coi là nơi phát tích một tông phái đạo Phật – Trúc Lâm Yên Tử. Tuy nhiên, ngay ở một nơi là cái nôi của Phật giáo Thiền tông, cũng chứa đựng những yếu tố văn hóa, tôn giáo khác. Việc An Kỳ Sinh tu tiên tìm thuốc ở Yên Tử thể hiện quá trình giao thoa, tiếp xúc giữa Phật giáo và Đạo giáo (Đạo tu tiên). Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS Trần Lê Bảo, thiền phái Trúc Lâm với tên tuổi của Trúc Lâm tam tổ vẫn là linh hồn của không gian văn hóa tâm linh Yên Tử.

Khu vực Yên Tử còn là nơi phát hiện ra những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng liền mạch nhiều lớp văn hóa được tìm thấy của nhiều thời kỳ chồng lớp lên nhau theo thời gian, lớp dưới có niên đại cổ hơn lớp trên, là cơ sở hình thành và phát triển của những làng xã cổ truyền Việt Nam. Đây chính là cái nôi chứa đựng lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đậm đặc xuất hiện và tồn tại qua quá trình liên tục trong lịch sử là cơ sở khoa học trong nghiên cứu sử học, văn hóa và nghiên cứu liên ngành.

Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại địa bàn nghiên cứu quần thể di tích Yên Tử là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, thuyết phong thủy. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Du khách trải nghiệm ngồi thiền ở Yên Tử.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Lê Bảo, đặc trưng của không gian văn hóa tâm linh Yên Tử thể hiện ở hệ thống đền, chùa, am, tháp. Những đặc trưng thể hiện ở những nguyên lý lựa chọn địa điểm xây dựng chùa miếu, nghệ thuật cấu trúc bên trong và cảnh quan bên ngoài của chùa, miếu, quy mô chùa, miếu cũng như nghệ thuật sắp đặt cảnh quan.

Hệ thống di tích trong khu di sản dày đặc này bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ quý hiếm, đặc biệt là những bản kinh văn và các bản sách quý hiếm chứa đựng những giá trị tinh thần tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt từ nhiều thế kỷ.

Cũng theo quan điểm của PGS.TS Trần Lê Bảo, không gian văn hóa tâm linh Yên Tử còn có văn hóa lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh về tôn giáo tín ngưỡng. Lễ hội cổ truyền vùng Yên Tử bao gồm toàn bộ những lễ hội dân gian diễn ra trên không gian văn hóa của 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Dù có nhiều nét chung của văn hóa lễ hội Việt Nam nhưng tùy từng đối tượng thờ cúng, điều kiện địa lý, điều kiện sống của cộng đồng dân cư mà lễ hội ở mỗi nơi có những biến thể khác nhau.

Du khách hành hương về Yên Tử.

Đồng quan điểm này, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng, không gian văn hóa Yên Tử sẽ bao trùm tất cả các giá trị văn hóa của Yên Tử. Chỉ riêng di sản văn hóa phi vật thể đã đa dạng và phong phú chưa kể đến các di sản vật thể và danh thắng khác.

"Ở đây, tôi chỉ xin dừng lại ở một loại hình để thấy được sự phong phú của không gian văn hóa Yên Tử đó là lễ hội dân gian. Theo không gian của dãy Yên Tử thì lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực Yên Tử mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử trải qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần như hành hương về nơi đất Phật mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh khu vực này để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn và linh thiêng lôi kéo người hành hương khắp mọi miền đất nước" - GS.TS Lê Hồng Lý chia sẻ.

Du khách đón bình minh trên đỉnh Yên Tử.

Hiện nay, cộng đồng dân cư vừa bảo tồn những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống Yên Tử vừa cải biến nâng cấp lễ hội thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng hiện đại đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ mới về văn hóa. Do đó, lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa phong phú và đa dạng có chức năng xã hội rộng lớn, giải tỏa tâm linh cho cộng đồng dân cư.

Tóm lại, những đặc sắc văn hóa tâm linh Yên Tử xuất phát từ không gian thiêng của địa hình địa mạo, từ thiền phái Phật giáo là hồn cốt của văn hóa, hệ thống chùa chiền và lễ hội làm nên tính độc đáo của văn hóa tinh thần.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, nhận định: Với một nội hàm và cấu trúc vừa rộng, vừa sâu, đa dạng, phong phú và giàu bản sắc, không gian văn hóa tâm linh Yên Tử xứng đáng được ghi danh di sản ở tầm quốc gia và quốc tế.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202010/co-mot-khong-gian-van-hoa-tam-linh-yen-tu-2505443/