Có một Hoàng Nhuận Cầm bùng cháy trong thơ ca

Sự ra đi đột ngột của nhà thơ nổi tiếng Hoàng Nhuận Cầm vào chiều 20-4 khiến công chúng cả nước không khỏi bàng hoàng. Ai nấy đều ngậm ngùi tiếc thương một nhà thơ tài hoa, gần gũi và giản dị.

Trước khi mất, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có lịch làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, đến giờ làm việc, ông vẫn chưa xuất hiện. Ê-kíp nhà đài có liên lạc với ông nhưng không được. Khi người thân đến tìm ông thì ông đã ra đi.

Sau khi thông tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời được công bố, công chúng cả nước nói chung và độc giả yêu thơ nói riêng đều bùi ngùi, tiếc thương về sự ra đi của ông. Hàng loạt chia sẻ về những bài thơ cùng lời tiễn biệt, yêu thương của công chúng dành cho ông được đăng tải trên mạng xã hội.

Nhà báo Trần Nhật Minh - người cùng nhà thơ thực hiện chương trình phát thanh ”Khách đến chơi nhà” và ”Đôi bạn văn chương” cho biết nhà thơ mắc bệnh phổi vài năm nay. Những ngày cuối đời, sức khỏe ông xuống dốc do buồng phổi tổn thương nhưng vẫn gắng gượng đến đài để thu chương trình.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được công chúng đặc biệt yêu mến

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được công chúng đặc biệt yêu mến

Thơ ca của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã gắn liền tuổi thanh xuân của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Những bài thơ tình gắn với học sinh, sinh viên, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như: Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu… Chất thơ của ông dung dị, gần gũi, trong trẻo và đầy tươi sáng. Chúng gieo vào lòng người sự lạc quan, tin tưởng, yêu thương và khát vọng về một tương lai tươi sáng của đất nước, con người.

Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy,… Ông từng đóng phim, nổi tiếng với vai bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ phim Số đỏ. Thời điểm nhà thơ đóng vai bác sĩ Hoa Súng, êkíp mong muốn tìm kiếm một nhân tố mới mang lại tiếng cười cho chương trình. Đạo diễn chọn ông vì thấy hợp vai, có khiếu hài hước, "xuất khẩu thành thơ". Ông nhận lời bởi muốn thử sức trong lĩnh vực mới. Tên Hoa Súng do chính nhà thơ chọn, lấy từ tên loài hoa yêu thích.

Chất thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm dung dị, gần gũi, trong trẻo và tươi sáng

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là cây bút xuất sắc thời kỳ chống Mỹ. Mỗi lần nhắc đến thơ, ông như “ngọn lửa bùng cháy” với nhiều khát khao, đam mê. "Thơ Hoàng Nhuận Cầm chính là cảm xúc của những lớp học trò cầm súng ra trận, rất trong trẻo, tươi sáng, đẹp như làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai. Ông rất nhiệt huyết với thi ca. Mỗi lần nói chuyện, bình thơ, ông như một ngọn lửa bùng cháy", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Ngoài đời, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có tính cách gần gũi, vui vẻ nói chuyện dí dỏm nên thường được mời đi giao lưu nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, lịch sử,.... Học sinh, sinh viên các trường học đều vui như hội mỗi lần ông đến giao lưu.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội, là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 16).

Năm 1971, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cùng bạn bè đồng khóa trong Khoa Ngữ văn đã tình nguyện nhập ngũ, khoác ba lô ra trận. Ông đã sống và chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, trong đó có mặt trận Trị Thiên - Huế. Ông từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học đến năm 1981. Ông từng làm việc cho Hãng Phim truyện Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân.

Nhà thơ từng đoạt giải của Báo Văn nghệ năm 1972 - 1973 với chùm thơ được sáng tác trong thời gian đi chiến đấu ở Quảng Trị, trong đó có bài ”Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”.

Sau tập thơ in năm 2008, nhà thơ không ra mắt tuyển tập mới. Ông bảo: "Theo thời gian, tôi tự nhận thấy mình trầm tĩnh hơn, sâu sắc và thận trọng hơn khi công bố trước công chúng, dù chỉ là một bài thơ của mình. Nhưng dù trước đây hay sau này, tôi không muốn phụ lòng bạn đọc. Nếu không làm được hay hơn và mới hơn trước thì thà đừng in còn hơn".

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong tạo hình bác sĩ Hoa Súng

Trong lĩnh vực biên kịch, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được vinh danh "Biên kịch xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 và Cánh Diều Vàng 2011, cho kịch bản phim "Mùi cỏ cháy". Tác phẩm lấy cảm hứng từ nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và hàng loạt nhật ký thời chiến của các liệt sĩ khác như Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao, được ông thai nghén suốt 6 năm. Ông xây dựng bốn nhân vật chính Hoàng - Thành - Thăng - Long, trong đó nhân vật Hoàng yêu thơ, mơ mộng, hay xúc động, mang dáng dấp của chính nhà thơ.

Bận rộn với việc viết kịch bản, làm phim nhưng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chưa bao giờ xao lãng việc làm thơ. Với ông, thơ ca cũng giống như tình yêu, không thể ép buộc được. "Thơ ca cũng như tình yêu, không ép buộc được đâu, khi gọi nó không đến nhưng khi đuổi thì nó không chịu đi. Bằng kinh nghiệm làm thơ riêng của mình, tôi thấy những bài thơ hay lại ra đời trong hoàn cảnh chẳng thơ chút nào", nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-mot-hoang-nhuan-cam-bung-chay-trong-tho-ca-235816.html