Có một Hà Nội hào hùng trong thơ ca

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bom đạn chiến tranh không còn, đất nước đã sang trang, vậy mà mỗi khi mùa thu về, lòng người lại lâng lâng, khắc khoải nhớ về một mùa thu cũ. Trong không khí cả nước chuẩn bị kỷ niệm 73 năm thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, chúng tôi - thế hệ trẻ Việt Nam một lần nữa được sống trong không khí hào hùng, bi tráng của lịch sử dân tộc, được giương cao Quốc kỳ đỏ thắm với niềm tự hào, kiêu hãnh...

Thế hệ chúng tôi, những con người được sinh ra trong thời đại thanh bình. Chúng tôi may mắn hơn thế hệ đi trước khi không phải hứng chịu đạn bom, không phải bồng súng ra chiến trường với bao gian lao, nguy hiểm, cận kề cái chết. Chúng tôi lớn lên được bảo vệ, chở che, được hưởng nền giáo dục hiện đại. Tôi hạnh phúc vì điều đấy. Tôi biết ơn thế hệ cha chú của tôi đã đổ máu xương vì độc lập, tự do. Những ngày tháng Tám mùa thu, trong tim tôi rộn một niềm xúc động như chính mình cũng được sống trong mùa thu năm ấy. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi được học về mùa thu Cách mạng, về Hà Nội anh dũng, kiên cường, quân và dân nổi dậy chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở cảnh sát, Trại bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc Kỳ. Bài “Tiến quân ca” lần đầu tiên vang lên với giai điệu hào hùng, hào sảng, thể hiện niềm vui, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Tôi xúc động trước hình tượng một “đất nước đứng lên” khi đọc bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Khởi đầu bài thơ là cảm xúc về mùa thu (thu xưa, thu nay), từ mùa thu của thiên nhiên dẫn vào cảm xúc về mùa thu đất nước, mùa thu cách mạng với niềm tự hào được làm chủ đất nước, tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc. Hà Nội trong một buổi sớm mùa thu với không khí mát trong, gió thổi nhẹ, hương cốm đặc trưng của đất Hà thành gợi nhớ về mùa thu năm cũ:

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người lính giã từ Hà Nội đi kháng chiến với thái độ dứt khoát, tự chủ, một quyết tâm xen nỗi lưu luyến về Hà Nội xinh đẹp bỏ lại sau lưng. Mùa thu Hà Nội hiện ra trong hoài niệm của nhà thơ.

Ngẩng đầu nhìn trời thu xanh cao, tháng Tám hào hùng lịch sử. Lời thơ tái hiện vẻ đẹp của mùa thu hiện tại - mùa thu đất nước, niềm tự hào về quyền làm chủ đất nước, tự hào về truyền thống bất khuất của nhân dân:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

Ảnh minh họa: HT

Ảnh minh họa: HT

Với những câu thơ đầy tính khẳng định, với từ ngữ chỉ định: “đây” cùng điệp khúc: “của chúng ta” vang lên niềm tự hào. Làm chủ đất nước vốn là khát vọng muôn đời của nhân dân, là lí do bao thế hệ cha chú của tôi đã đổ máu hy sinh qua những cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Đó là niềm tự hào chính đáng. Lời thơ gợi lên hình ảnh một đất nước bao la, rộng lớn với tiềm lực dồi dào đang chờ đón bàn tay chúng ta khám phá, làm giàu đất nước tương lai. Hòa với lòng tự hào là niềm yêu mến thiết tha, sâu nặng đối với đất nước.

Tôi lại nhớ đến đoạn thơ trong bài “Ngày về” của Chính Hữu:

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Mái đầu xanh thề mãi đến khi già

Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại

Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về, trở về, chiếm lại quê hương.

Tôi tưởng tượng đến hình ảnh những người lính trẻ sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà thành hào hoa, thanh lịch. Khi đất nước lâm nguy, họ tự nguyện “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, đi cứu nước với tâm hồn lãng mạn. Họ có ý chí, quyết tâm sắt đá, có lý tưởng sống cao đẹp: quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lời thơ đưa tôi về một Hà Nội xa xưa, Hà Nội lịch sử, với những con người trẻ tuổi gan góc, kiên cường khao khát trở về chiếm lại quê mình, chiếm lại thủ đô thân yêu. Đọc thơ ca kháng chiến viết về Hà Nội kiên cường, có đôi lần tôi ngỡ Hà Nội trong thơ là hình ảnh thu nhỏ của một đất nước đau thương trong chiến tranh, một đất nước quật khởi, bất khuất, anh hùng, đứng lên chiến đấu và chiến thắng. Đó là đất nước của những người dân áo vải anh hùng từ máu lửa đau thương, từ bùn đen nô lệ đứng lên bằng sức mạnh quật khởi, vươn tới chiến thắng chói ngời.

Hà Nội là thế đấy, cứ anh dũng, kiên cường, Thủ đô cứ sống mãi với thời gian, là mảnh đất để người dân khắp nơi hướng về - mảnh đất ngàn năm lịch sử.

Tôi tự hào vì mình là con người Việt Nam, mang trong mình dòng máu tiên rồng cao quý và dũng cảm. Tôi tự hào có một Hà Nội bất khuất, kiên trung, lung linh trong những vần thơ bất tử.

Có một Hà Nội trong trái tim tôi...

HOÀNG KHÁNH DUY

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/co-mot-ha-noi-hao-hung-trong-tho-ca-d79352.html