Có một dòng sông không hiền hòa như trong ký ức…

Tôi lớn lên ở ven dòng sông Mã. Đó là con sông có nước trong leo lẻo vào mùa khô, đậm đặc phù sa vào mùa mưa. Với tôi, dòng sông quê hương như một dải lụa mềm mại vắt qua miền ký ức, luôn hiền hòa mỗi khi nhớ về. Mới đây thôi, tôi có dịp men theo dòng sông đi lên phía thượng nguồn. Con sông đang mùa lũ, dữ tợn và giận dữ…

Khi ngồi gõ những dòng chữ này, hình ảnh dòng sông Mã đục ngầu, chảy cuồn cuộn vẫn hiện lên nguyên vẹn trong tôi. Còn cái cảm giác chênh vênh, chống chếnh lẫn căng thẳng lúc ngồi trên con thuyền bé nhỏ để sang sông cũng chẳng vợi đi chút nào.

Trước khi sang sông, tôi đã có một ngày dài đi theo con đường tỉnh lộ ngược dòng sông Mã, mạn từ huyện Lang Chánh, Bá Thước, rồi lên Quan Hóa (Thanh Hóa). Dòng sông như con thuồng luồng khổng lồ màu nâu đất lao băng băng xuống phía dưới, để lại đằng sau những cánh rừng luồng xanh ngút ngàn. Chưa có ở nơi đâu, luồng lại nhiều như ở xứ này.

Luồng mọc hai ven sông, trên các ngọn núi, khe núi. Hết núi này sang núi khác, chỉ có luồng và luồng. Có lẽ bởi được che phủ màu xanh của luồng nên trước kia, khi có dịp qua đây vào mùa khô, tôi còn chẳng có ấn tượng gì với nơi thượng nguồn của con sông quê mình. Chỉ lúc này, khi đến với sông Mã sau 3 ngày con sông vừa rơi vào đỉnh lũ, tôi mới cảm nhận hết được sức mạnh cũng như sự tàn phá của cơn đại hồng thủy. Và cũng tại nơi này, tôi mới phần nào hiểu được, để có một vùng hạ lưu trù phú với những cánh đồng giàu phù sa thì nơi thượng nguồn luôn gánh chịu sự khốc liệt của tự nhiên.

Hôm tôi đến thượng nguồn sông Mã là một ngày đặc biệt - Ngày khai giảng năm học mới. Sớm tinh mơ, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội và chạy theo đường Hồ Chí Minh qua Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), qua huyện Cẩm Thủy, đến huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) rồi ngược lên phía Tây bám đường bộ theo dòng sông Mã. Điểm đến của chúng tôi là 4 ngôi trường nằm dọc theo dòng sông Mã – nơi mà mấy ngày trước đã bị cơn thịnh nộ tàn phá. Chính vì thế, khi ngồi trên xe ôtô chạy ngược theo sông Mã và tận mắt nhìn thấy dòng sông đang sục sôi, trong tôi chứa đầy âu lo, thắc thỏm.

Cũng trên tuyến đường này, tôi đã tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà ven sông bị kéo đổ một phần xuống lòng sông, phần còn lại đang chênh vênh hay những khu lán xưởng sản xuất đũa, vết tích bị tàn phá còn đọng lại là đống đũa thành phẩm bị ngấm nước, một phần nhà xưởng bị kéo đổ đang còn trên nền cũ…

Cậu Bí thư Đoàn Thanh niên của Công an huyện Quan Hóa giải thích với tôi rằng, các xưởng đũa thường được làm ven sông vì vận chuyển luồng làm nguyên liệu bằng đường sông tiện hơn đường bộ. Các chủ xưởng – những người bám trụ ven con sông này làm ăn, sinh sống nhiều năm cũng đâu có ngờ, nước sông lên cao bất thường và còn kéo trôi cả cơ ngơi của họ.

Rất nhiều đoạn trên đường 15C, mép đường sát sông. Nguy hiểm rình rập không chỉ những ngôi nhà ven đường, ven sông mà cả những người lưu thông trên con đường này. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là chúng tôi bắt gặp khá nhiều nhà máy thủy điện dọc theo con sông. Hỏi ra mới biết, hiện có 6 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã vận hành hoặc đang xây dựng trên sông.

Chúng tôi sang sông khi cuối chiều. Bến đò mới ra đời sau khi cây cầu treo bắc qua sông bị cơn thịnh nộ của thủy thần kéo đứt cả gốc (mố cầu bị kéo trôi tuột xuống sông). Con thuyền đưa chúng tôi qua sông vốn là của các hộ nuôi cá lồng. Nay, không có cầu nên nó được trưng dụng đưa khách sang sông. Thuở bé, tôi cũng nhiều lần đi đò sang bên kia sông Mã. Mỗi lần đò ra giữa sông, tôi vô cùng thích thú. Dòng sông rộng thênh, xanh biếc, hai bên bờ là những bãi ngô xanh biếc…

Cái cảm giác được ngồi giữa lòng sông, được hưởng làn gió mát lành, được ngắm đôi bờ và được thỏa sức tưởng tượng vô cùng quý giá, nhất là khi giờ đây khi tất cả chỉ còn là ký ức. Nhưng với tôi, lần đi qua sông Mã này lại có cảm giác khác lạ. Đó không phải là phút giây để thả hồn vào thiên nhiên, mà là sự thấp thỏm, âu lo.

Tôi nhìn trên mặt sông thấy rất nhiều xoáy nước, rất nhiều cuộn sóng rồi liên tưởng đến mặt sông phẳng lặng ở vùng hạ lưu quê mình thuở xưa. Rõ ràng, cũng trên một dòng sông nhưng có sự khác biệt quá lớn, cũng giống như trong một đời người, lúc thăng khác lúc trầm, lúc bình yên khác thời kỳ giông bão. Khi sang được bờ bên kia, tôi thở phào nhẹ nhõm. Gặp những học sinh, những bà con người dân tộc Thái trong những bản làng đang sống trong cảnh bị cô lập, tôi càng thấm thía giá trị của sự bình yên.

Họ bảo rằng, cả mấy chục năm nay chưa bao giờ thấy nước lên to thế. Họ mong có cây cầu để qua sông, bởi nếu không bán được luồng, sẽ không có tiền mua gạo, trẻ em vì thế khó mà đến trường đều đặn… Chia tay họ khi trời chập choạng tối, tôi lại sang sông trên con thuyền nhỏ. Và dẫu biết có sóng to, gió lớn và hiểm nguy đang rình rập nhưng tôi không thể không sang sông…

Người sông Mã, đó là cách mà bà con mạn Hòa Bình nói về cư dân sống dọc sông Mã. Tôi biết điều này khi vào buổi trưa, chúng tôi dừng lại ăn cơm ở một cái quán thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Điều thú vị là suốt buổi sáng, chúng tôi đi trên địa phận tỉnh Thanh Hóa và hành trình tiếp trong buổi chiều dọc sông Mã của chúng tôi vẫn là xứ Thanh.

Thế nhưng, cái hành trình dọc sông Mã ấy nếu không tới địa phận của tỉnh Hòa Bình thì không thể nào thực hiện. Và trong cái quán nhỏ ấy, chúng tôi mới biết, người Hòa Bình có một cách gọi bà con dân tộc Thái, Mường sống bám theo sông Mã như vậy.

Có một bộ phận dân cư rất lớn sống hai bên bờ sông Mã, nhất là vùng hạ lưu - nơi con sông này đã giúp tạo thành một vùng đồng bằng rộng lớn cho xứ Thanh. Thế nhưng, chỉ những cư dân sống ở vùng thượng lưu mới được gọi là người sông Mã. Có lẽ, bởi đặc điểm này mà con sông Mã trong ký ức tuổi thơ của tôi hiền hòa và dịu ngọt bao nhiêu thì ở vùng thượng lưu lại có hình hài khác hẳn. Và hôm nay, trên vùng thượng lưu có tới 6 nhà máy thủy điện nên cơn giận dữ của sông Mã cũng khác xưa. Thiên nhiên nổi giận vì thế cũng khác xưa chăng?!

Cao Hồng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/co-mot-dong-song-khong-hien-hoa-nhu-trong-ky-uc-512872/