Có một dòng Đồng Nai như thế

Hơn 320 năm qua và có lẽ đến muôn đời sau dòng sông Đồng Nai vẫn mải miết chảy qua bao thế hệ. Người Đồng Nai tự hào cũng như biết ơn đất trời đã ban cho mảnh đất này một 'báu vật' đi vào thơ văn, âm nhạc, hội họa và là đề tài nghiên cứu của biết bao nhà văn hóa. Sông Đồng Nai đã tạo nên tính cách của con người nơi đây.

Một góc sông Đồng Nai đoạn dọc phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa. Ảnh: My Ny

Một góc sông Đồng Nai đoạn dọc phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa. Ảnh: My Ny

Đến nay, không ai có thể thống kê hết những tác phẩm ca ngợi sông Đồng Nai. Chỉ biết, mỗi ai yêu nơi này từng sáng tạo ít nhất một tác phẩm hướng về dòng sông và con người nơi đây. Con sông chảy vào nghệ thuật sẽ còn chảy nữa, chảy mãi, như có thi sĩ bảo rằng sẽ chảy cho đến khi nào con người còn tình yêu.

1. Viết về dòng Đồng Nai, trong cuốn sách Theo dòng chảy Đồng Nai của nhà văn Nguyễn Thái Hải có ghi: “Người Việt đặt những bước chân đầu tiên trên đất Nam bộ từ thế kỷ XVII. Khi ấy, vùng đất này thuộc quyền cai trị của vua Chân Lạp Chey Chettha II. Năm 1620, ông trở thành “rể” của chúa Nguyễn Phúc Nguyên khi cưới con gái thứ hai của chúa Nguyễn là công chúa Ngọc Vạn và phong bà làm hoàng hậu Chân Lạp. Có lẽ một phần nhờ vào cái bóng của hoàng hậu mà lưu dân Việt vào Nam lập nghiệp ngày một đông hơn.

Theo nhà văn Nguyễn Thái Hải: “Hơn 320 năm, dẫu có lắm biến cố, nhiều thăng trầm hay đổi thay theo dòng lịch sử thì cuối cùng Biên Hòa cũng trở lại cảnh yên bình. Dòng sông Đồng Nai vẫn chảy. Khi êm ả, lúc dữ dội. Cuộc sống nơi đây cũng miệt mài theo năm tháng. Các cộng đồng dân cư chung sống thuận hòa, cùng nhau phát triển xứ Đồng Nai, dẫu phía trước vẫn có không ít khó khăn, thách thức…”.

Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai họ Trịnh - Nguyễn ở phía Bắc cũng là nguyên nhân khiến số lưu dân vào Nam ngày một tăng lên. Dĩ nhiên, đôi bờ sông Đồng Nai là nơi chứng kiến những làng mạc của người Việt hình thành sớm nhất”. Họ cùng với cư dân bản địa như: Chơro, Mạ, S’tiêng, K’Ho… khai khẩn đất hoang xây dựng làng ấp dọc hai bên bờ sông Đồng Nai. Những dấu tích của một thời ấy đã được các nhà khảo cổ khai quật và lưu giữ ở Bảo tàng Đồng Nai.

Năm 1679, nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên đem theo tùy tùng, giai nhân đến Bàn Lân (nay thuộc Biên Hòa) lập nghiệp. Họ đã phát hiện ra Cù lao Phố, một bãi sa bồi hoang sơ nằm giữa sông Hương Phước (một đoạn của sông Đồng Nai), trải dài trên 7 dặm, bề ngang bằng 2/3 bề dài. Cùng với lưu dân người Hoa đến cộng cư, Đồng Nai ngày càng tiếp nhận thêm những dân tộc di cư khác như: Chăm, Nùng, Mường, Thái… Sự giao thoa, dung hợp văn hóa trong các tộc người đã đúc kết nên những sắc thái văn hóa riêng, đặc trưng của đất và người Đồng Nai.

Đồng Nai - với tên gọi là Trấn Biên chính thức trở thành địa danh hành chính từ năm 1698. Trải qua hơn 320 năm hình thành và phát triển, người dân nơi đây xem dòng sông không chỉ là hình ảnh của những con sông quê, mà giữ trong lòng nó những ký ức sâu thẳm với bao dấu ấn về những thăng trầm của lịch sử. Sông Đồng Nai đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa và trở thành niềm tự hào của cộng đồng dân cư. Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ đã viết về con sông quê hương: “Đồng Nai sông nước anh hùng/ Nguồn xa, xa tận núi rừng hoang vu/ Lệ tiên kết đọng hồ sâu/ Còn mơ cao rộng nhớ màu gió trăng”.

2. Sông Đồng Nai do hai sông Đa Dưng và Đa Nhim (Lâm Đồng) hợp thành. Sông vượt qua nhiều ghềnh thác mà thác cuối cùng là thác Trị An nổi tiếng với công trình thủy điện ở miền Nam. Về phía thượng nguồn của thác Trị An, sông Đồng Nai tiếp nhận thêm nước của sông La Ngà tới hạ nguồn thì sông nhận thêm nước của sông Bé rồi chảy qua vùng đồng bằng Biên Hòa. Ngày đêm, dòng sông miệt mài bồi đắp nguồn sức sống cho đôi bờ, trở thành niềm tự hào của người dân Đồng Nai từ quá trình mở cõi, đến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng Đồng Nai là chứng nhân của biết bao sự kiện mang dấu ấn lịch sử. Dòng Đồng Nai luôn được xem làm “trục chính” trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Phần lớn những di tích lịch sử, danh thắng trên vùng đất này đều gắn liền với dòng sông và cảnh quan đôi bờ. Có thể kể đến như: chùa Ông, đình Tân Lân, Văn miếu Trấn Biên, Khu du lịch Bửu Long, Thành kèn Biên Hòa... Đây là một phần của lịch sử trong mạch chảy của dòng sông; một phần trong lịch sử văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai.

Du thuyền khám phá Cù lao Hiệp Hòa trên dòng Đồng Nai

Cũng bởi dòng sông gắn liền với nhiều “ký ức xanh” của bao lớp người Đồng Nai nên cứ đi xa họ lại nhớ quay quắt. Rồi chờ chực, hễ có dịp là quay về thăm lại dòng sông xưa, cứ như là thăm người yêu. Ngay cả người ở lại, sáng sáng, chiều chiều vẫn qua lại mà cứ nôn nao. Họ thường xuyên tập trung về đây hóng mát, tập thể dục và ngắm những ánh đèn điện đủ sắc màu trên bờ và lung linh dưới mặt nước. Sự giao hòa giữa thiên nhiên yên bình và nhịp sống hiện đại của một thành phố công nghiệp năng động khiến dòng sông lung linh, lộng lẫy lạ thường.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, sông Đồng Nai sẽ được biết đến nhiều hơn trong tương lai nếu việc gìn giữ các di tích hai bên bờ sông, thượng nguồn được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc và hiệu quả. Điều này phù hợp với hướng phát triển du lịch đường sông đã được triển khai thời gian qua nhằm mang đến cho du khách một trải nghiệm văn hóa độc đáo giữa truyền thống và hiện đại. Sông Đồng Nai còn là nơi kết nối giao thương gián tiếp các tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng…

3. Nếu đi thuyền dọc từ thượng nguồn sông Đồng Nai, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc ghe, thuyền nhỏ mưu sinh trên sông. Xung quanh các làng mạc trù phú, xuất hiện một vài làng bè nuôi cá. Những đứa trẻ cùng gia đình sống trên sông nước chiều chiều đứng trên mũi thuyền nhảy và hụp lặn xuống lòng sông. Mặt nước bị xé toang bởi cú nhảy. Những tiếng nói cười của lũ trẻ lẫn trong tiếng nước tạo nên một âm thanh đủ để đưa con người ta về với tuổi thơ, về với con sông quê bình yên. Chính những ngư dân chài lưới trên dòng Đồng Nai cũng đã góp phần tạo nét riêng cho con sông này.

Đặc biệt, ở đoạn sông Phố (bắt đầu từ cầu Hóa An đến Cù lao Hiệp Hòa) đã được cải tạo, trở nên hấp dẫn. Trừ những ngày mưa, nước từ thượng nguồn ào ào chảy xuống mạnh mẽ, dữ dội, đem theo nhiều phù sa nhuộm đỏ nước sông thì bình thường mặt sông phẳng lặng, xanh trong, nhìn như một cái hồ rộng và yên ả. Có lẽ bởi vậy mà vào thời phong kiến, người ta gọi đoạn sông này là Kính Hồ. Cùng với không gian phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, bờ sông hôm nay còn được bổ sung cây xanh, trong đó tập trung các loại cây vừa cho bóng mát, vừa cho hoa.

Nhiều người tự hỏi, sông Đồng Nai đang chảy về đâu? Câu hỏi như có vẻ lạ lùng? Dĩ nhiên là sông đang chảy về biển, và mãi mãi vẫn chảy về biển Đông. Trước khi đổ ra biển, sông nhập với sông Sài Gòn và Vàm Cỏ. Với người Đồng Nai, dòng sông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn với văn hóa vùng đất hơn 320 năm. Dòng sông ấy tượng trưng cho dòng thời gian, dòng đời mà bất cứ ai, kể cả những người khó tính nhất nếu đứng trước nó cũng phải “say”. Và trong tương lai, những ý nghĩa này chắc hẳn không thay đổi.

My Ny

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202005/co-mot-dong-dong-nai-nhu-the-3002609/