Có một Đội tuyển Việt Nam rất 'lạnh'

Nếu phải chỉ ra một phẩm chất nổi trội nhất của Đội tuyển Việt Nam trong những trận đấu đầu tiên tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á thì đấy chính là độ 'lạnh'. Mà không chỉ ở những trận đấu này, Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo trong suốt 2 năm qua về cơ bản cũng là một đội bóng 'lạnh lùng'!

Hãy bắt đầu với trận đấu đầu tiên trên sân nhà Mỹ Đình ở vòng loại World Cup với đối thủ Malaysia, đấy là một trận đấu mà trước khi bóng lăn mọi thứ diễn ra rất nóng. Nóng từ phía Malaysia, khi HLV trưởng Tan Cheng Hoe luôn miệng hô "quyết thắng".

Ông Tan Cheng Hoe hô như thế là bởi ở AFF Suzuki Cup 2018, đội bóng của ông gặp Việt Nam 3 lần thì hòa 1, thua 2. Nghĩa là ở lần tái đấu này, ông muốn đòi lại, và chắc chắn là sẽ làm tất cả để đòi lại cả vốn lẫn lãi ở sân Mỹ Đình. Cái nóng từ phía ông thầy lan sang cái nóng của các học trò, khi cầu thủ Malaysia nào trả lời phỏng vấn cũng tự tin là "sẽ thắng".

Có nhiều cách lý giải cho sự tự tin toàn diện của thầy trò người Mã, mà dễ nghe nhất là việc họ cứ phải "nói to" lên như thế cho đỡ sợ. Nhưng thực chất đấy có thể chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Ở một khía cạnh khác, không thể phủ nhận rằng Malaysia với sự xuất hiện đầy mới mẻ của các cầu thủ nhập tịch quả nhiên đã mạnh hơn chính mình so với một năm về trước. Mạnh hơn và quyết tâm hơn, đấy là một sức ép mà Malaysia tạo ra cho đội chủ nhà.

Ảnh: L.G.

Ảnh: L.G.

Tuy nhiên cái nóng của trận đấu không chỉ đến từ phía Malaysia, mà còn đến từ phía báo giới của cả hai nền bóng đá. Những đài truyền hình, những trang báo thể thao hàng đầu của hai nước đều không ngừng cập nhật và bình luận từng diễn biến nhỏ nhất liên quan đến trận đấu. Nói theo ngôn ngữ bóng đá là không khí đã được bơm căng tới mức không thể căng hơn.

Nhưng thầy trò Park Hang Seo rốt cuộc đã ứng xử với những cái nóng hầm hập ấy như thế nào? Vẫn là một cách tiếp cận trận đấu như những gì vốn có: lùi xuống phòng ngự, nhường trận địa tấn công cho đối thủ; bình tĩnh chờ thời, và trong một khoảnh khắc lóe sáng của bộ đôi tên Hải (Quế Ngọc Hải - Nguyễn Quang Hải) đã "ăn" bàn duy nhất.

Sự thực, cách đá của Đội tuyển Việt Nam không mới mẻ, bất ngờ với đối thủ, vì chúng ta đã chơi như thế trong ít nhất 2/3 trận đấu gặp Malaysia hồi năm ngoái. Nhưng để có thể tiếp tục chơi như thế, và quan trọng hơn: tiếp tục thành công thì hệ thống thi đấu bắt buộc phải rất lạnh lùng.

Trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2018 với chính Malaysia, khi tiền đạo Anh Đức ghi bàn thì lập tức HLV Park Hang Seo nhảy khỏi ghế huấn luyện, ra sát đường piste để vừa gọi cầu thủ, vừa liên tục ấn hai lòng bàn tay mình xuống đất. Ý ông lúc đó: Hãy bình tĩnh, chứ đừng vì bàn thắng sớm mà sôi lên! Và các học trò của ông quả nhiên đã "lạnh" từ thời điểm ấy cho đến khi hết trận.

Duy nhất 1 bàn thắng được ghi, 1 bàn thắng được bảo vệ, và nó được bảo vệ chặt chẽ đến mức đối thủ gần như không có bất cứ cơ hội gỡ hòa nào.

Đến lần tái đấu ở vòng loại World Cup năm nay thì vẫn tiếp tục có 1 bàn thắng sớm, nhưng sau bàn thắng, ông Park ngồi im trên ghế huấn luyện, chứ không phải ra nhắc các cầu thủ giữ nguyên cái lạnh như trước nữa. Cảm giác như các học trò của ông đã làm rất đúng và rất tốt những kế hoạch mà thầy trò chuẩn bị.

Hãy trở lợi với các phiên bản khác nhau của Đội tuyển Việt Nam trong quá khứ, để trả lời một câu hỏi: ở cái quá khứ ấy, đã bao giờ chúng ta có một Đội tuyện "lạnh" như vậy hay chưa?

Năm 2008, Đội tuyển Việt Nam thời Henrique Calisto lần đầu tiên vô địch AFF Suzuki Cup, và đấy là một chức vô địch mang đầy tính cảm xúc. Một chức vô địch mà chúng ta chỉ có nó sau cái phút xuất thần của Lê Công Vinh ở tận phút thứ 90+3 trong trận chung kết lượt về với Thái Lan.

Một chức vô địch mà trong hành trình chạm vào nó chúng ta đã phải đi qua rất nhiều những hỉ nộ ái ố, bắt đầu từ trận thua Thái Lan ở trận đầu tiên, nối tiếp với trận thắng hú hồn trước Malaysia ở những phút cuối cùng... Nó khác hẳn với cái hành trình vô địch rất "lạnh" và rất "tĩnh" ở AFF Cup 2018.

Đấy là so sánh cụ thể giữa hai phiên bản đội tuyển ở hai giải đấu mà chúng ta lên ngôi vô địch, còn nếu phải so sánh về mặt đặc tính, không khó nhận ra các đội tuyển Việt Nam dưới thời các ông thầy Riedl, Calisto, Falko Goetz, Toshiya Miura luôn có đặc tính "nóng" nhanh mà "xìu" cũng nhanh. Đơn cử rõ nhất là hai trận bán kết AFF Suzuki Cup năm 2014, khi thầy trò Miura từng thắng oanh liệt 2-1 trên sân Malaysia nhưng sau đó lại vỡ nặng 2-4 trên sân nhà mình.

Điều này có thể được lý giải ở khía cạnh, trong rất nhiều thời điểm của quá khứ, các thế hệ cầu thủ Việt Nam rõ ràng là bất thường hơn và khó nắm bắt hơn so với một thế hệ tinh tươm, sạch sẽ hôm nay. Thêm một lý do nữa, những va chạm quốc tế của những lứa cầu thủ này có lẽ là chưa đủ lớn, và sự tự tin, bản lĩnh vì thế cũng chưa nhiều như bây giờ.

Lý do cuối cùng, rất quan trọng nằm ở cách tổ chức đội bóng của các huấn luyện viên. Bởi vẫn với lứa cầu thủ này nhưng cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng tổ chức đội bóng khác hẳn HLV đương nhiệm Park Hang Seo, và kết quả mà hai HLV đạt được là trái ngược.

Nếu HLV Nguyễn Hữu Thắng luôn lấy quân Hoàng Anh làm nòng cốt, và triệt để theo đuổi triết lý tấn công thì ông Park Hang Seo lại xây dựng đội bóng trước hết từ hàng phòng thủ. Cái cách ông Park sử dụng con người cũng thể hiện rất rõ: ông là một nhà cầm quân công bằng, lý tính, và luôn lấy tiêu chí phong độ cầu thủ làm tiêu chí hàng đầu.

Tất cả những điều đó dẫn tới một kết luận: kể từ thời bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với làng túc cầu châu Á (năm 1991), đến bây giờ mới có một Đội tuyển Việt Nam thực sự lạnh lùng.

Hẳn nhiên không có bất cứ phẩm chất nào tuyệt đối, và không có bất cứ phẩm chất nào được duy trì từ đầu đến cuối với một chất lượng giống nhau. Thế nên cũng có những thời điểm cái "lạnh" bị phai nhạt, mà rõ nhất là khoảng 15 phút cuối trong trận đấu với Indonesia trên sân khách mới đây.

Trận đấu này với các cầu thủ là quá dễ: chơi thong thả, và dẫn trước 3 bàn. Nhưng sau đó thì hàng thủ có vẻ lơ là, khiến đối thủ gỡ lại 1 bàn trong một tình huống mà nhiều nhà chuyên môn thống nhất với nhau rằng: nếu tập trung hơn, chúng ta sẽ không thua.

Chắc chắn là ông Park nhìn ra những khoảnh khắc như vậy. Cho nên một mặt ông vẫn trả lời báo chí rằng "nó là chuyện hết sức bình thường", và rằng "trong bóng đá sai số là khó tránh", nhưng mặt khác khi đối diện với các cầu thủ, chắc chắn ông sẽ có những biện pháp nhắc nhở, chỉnh đốn cần thiết.

Tháng 11, Đội tuyển Việt Nam sẽ đấu 2 trận rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới thành quả cuối cùng tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trước UAE và Thái Lan trên sân nhà Mỹ Đình. Quan sát những động tĩnh của 2 đối thủ này, đặc biệt là từ phía Thái Lan, không khó nhận ra họ đang muốn làm mọi thứ nóng lên.

Ví dụ rõ nhất là ông HLV trưởng Thái Lan, Nishino đột nhiên chỉ trích trung vệ Bùi Tiến Dũng đã nằm sân ăn vạ trong trận lượt đi Thái Lan - Việt Nam trên đất Thái ngày 5-9. Xin được nhắc lại, đấy là một trận đấu đã qua, kết thúc với tỷ số 0-0. Trận mới nhất của Thái Lan diễn ra cách đây ít ngày, khi họ thắng UAE 2-1.

Vậy thì hà cớ gì sau trận gặp UAE ông Nishino chợt lôi lại chuyện Bùi Tiến Dũng, và lôi lại theo cách của ông để đi đến kết luận của riêng ông rằng: "Ở một số quốc gia mà bóng đá chưa đạt mức cao nhất, thời gian của trận đấu thực tế ít hơn 90 phút. Họ thi đấu 50 - 60 phút. Tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển, cầu thủ sẽ cố gắng từng giây để đem về hiệu quả.

Tại đây, tôi không thể hiểu cách chơi bóng của họ. Bóng đá sẽ không thể phát triển nếu tồn tại những cầu thủ thi đấu nghiệp dư như vậy"? Có thể nói, qua việc phê phán Bùi Tiến Dũng, ông Nishino cũng gián tiếp phê phán nền bóng đá Việt Nam.

Thật khó tin đấy là một lời phê ngẫu nhiên. Và thật dễ tin nếu cho rằng đấy là một "đòn" tâm lý mà ông chủ động tung ra trước khi hai đội tái đấu ở sân Mỹ Đình. Quan sát Đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang Seo, ông Nishino thừa hiểu sức mạnh của hàng phòng ngự kỷ luật và một phong cách thi đấu lạnh lùng.

Chính vì sức mạnh ấy mà quân ông dù làm đủ cách, đủ kiểu cũng không thể khoan thủng được Việt Nam trong trận lượt đi. Vì thế chăng mà ông tung ra một phát biểu - một đòn tâm lý để "kích" cầu thủ Việt Nam nóng lên trong trận lượt về? Rõ ràng, một Đội tuyển Việt Nam "nóng" sẽ dễ trị hơn nhiều một Đội tuyển Việt Nam "lạnh".

Theo chúng tôi, bộ mặt một Đội tuyển Việt Nam bản lĩnh - lạnh lùng suốt 2 năm qua sẽ không dễ gì sập vào cái đòn tâm lý mà Nishino đang chủ động tung ra. Hơn ai hết HLV Park Hang Seo và các cầu thủ hiểu rằng, nói năng, phát ngôn, đánh giá, nhận xét là chuyện của người khác, còn tiếp tục thi đấu theo phong cách vốn có là chuyện của mình.

Có một Đội tuyển Việt Nam rất "lạnh", đó là điều mà chúng ta sẽ tiếp tục chứng minh bất chấp việc đối thủ đang làm mọi cách để vọng chúng ta không "lạnh" nữa!

Phan Chân

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/co-mot-doi-tuyen-viet-nam-rat-lanh-568056/