Có một Điện Biên sau lũy tre

Tôi đến thăm chị. Đã định đi vài lần, vì con COVID-19, 'yêu nước thương dân, đang ở chỗ nào yên thân ở đó' nên lần lữa. Thôi, đi. Hồi còn mẹ tôi, chị cũng hay ghé thăm. Đi, mình gìn giữ một chút là được. Chị là dâu họ hàng bên ngoại.

Nhà vắng, như thường vậy. Vuông sân nhỏ, mảnh vườn nhỏ phía trước giáp con đường liên thôn cũng vắng. Đôi khi đi qua thường thấy chị lúi húi nhặt cỏ, hái rau, chăm sóc mấy cây chè, giàn trầu gần bể nước. Nhà ba gian, hai gian bên cạnh thường đóng cửa, tấm rèm trúc ở gian giữa buông quanh năm.

Góp sức cùng tiền tuyến chống giặc.

Góp sức cùng tiền tuyến chống giặc.

Dựng xe bên rào, đẩy cánh cổng khép hờ, tôi đánh tiếng: "Bà ơi, bà có nhà đấy chứ!". Im lặng. "Bác ơi, em đây...". - Tôi vừa gọi vừa cố í thả chân mạnh hơn một chút trên vuông sân gạch lấm tấm rêu. Bên trong hình như có tiếng động, một cái gì đó đang lịch xịch trườn đi. Tôi dấn thêm. Hóa ra đằng sau tấm rèm trúc, bốn cánh cửa vẫn mở.

"Chị ơi, em đây...".- Tôi xướng tên mình, nâng rèm, bước qua ngưỡng cửa. Chi, người Trung đội trưởng du kích năm xưa từ gian bếp đẩy xe lăn lom khom đi ra. Tôi mở cửa sổ hướng ra vườn sau, ánh sáng hửng lên khắp phòng. "Chú ngồi đi", chị dãy ghế sau bàn trà, chị bên kia, cái ghế tựa đặt sẵn gần cửa bếp, đủ xa như người ta khuyến cáo.

Chị ăn trầu, thú vui của các bà các cô ở nông thôn ngày xưa, bây giờ hi hữu người dùng. Chị đã có chắt, lên chức cụ, vẫn ở một mình, từ ngày anh "về già" như cách nói của những người cao tuổi quê tôi. Con chị, đứa lấy chồng xa, đứa cưới vợ trong Nam rồi định cư luôn ở đó; Tết nhất giỗ chạp, năm đôi lần gái trai dâu rể cháu chắt đổ về, ồn ã cười nói, lanh canh xoong nồi bát đũa, tất bật thăm hỏi xóm giềng, trẻ con chí chóe tranh giành đồ chơi vài ba ngày, lại "pim pim" gọi nhau cuốn đi hết. May là chị còn cô con gái út lấy chồng gần, ban ngày sấp mặt việc công ti, sáng sớm đêm hôm vẫn đáo qua thăm mẹ, nhà cũng đỡ tẻ.

"Chị. Sắp sửa kỉ niệm Điện Biên rồi đấy. Năm nay năm lẻ, với lại dịch nạn COVID...". "Điện Biên à....- Chị cúi xuống ý nhị đưa ngón tay lau vết nước trầu bên môi. - Ừ. Sáu mươi mấy năm rồi cơ đấy. Tưởng hết cuộc Điện Biên là xong, ai ngờ lại đến lượt các chú, đàn em đàn cháu các chú, đánh thằng nọ thằng kia liền mấy chục năm nữa, tổn hại bao nhiêu người".

Điện Biên Phủ - chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Tôi vâng. Một thoáng Điện Biên tôi gặp trong chuyến hơn mười năm trước dội về. Người cựu chiến binh râu bạc tóc bạc, quân phục thời "Hò kéo pháo" dày đặc huân chương, đi ngược chiều đoàn khách vào tham quan các di tích. Không có đồng đội ông trong đó. Thần kinh ông lão không bình thường, người ta nói thế. Ông đã tìm bạn bao năm...

Anh tôi, một người lính Điện Biên, từ di ảnh trên ban thờ đang nhìn thẳng, cười hồn hậu. Xưa anh trốn nhà đi bộ đội, chỉ mình chị biết. Anh bảo chị, "xong keo này, về ở với tôi nhé". Chị vâng. Một năm sau xong cuộc Điện Biên, anh chuyển ngành, vừa làm vừa học từ cấp 2 lên tới đại học, thành kĩ sư chế tạo máy. Đến khi nghỉ hưu, anh chưa bao giờ trở lại Điện Biên.

"Tôi đã bảo, cố đi lấy một chuyến. Ngày còn công tác, chú biết đấy, nghỉ phép ông ấy vẫn làm quần quật. Ruộng vườn, nhà cửa... Sửa cái nọ chữa cái kia... Làng xóm có việc, người ta mời cơm, cũng nhường vợ tất. "Tôi đi thoát li,- ông ấy nói thế, - ăn vỡ bát gãy đũa thiên hạ nhiều rồi. Tằn tiện lương hưu, còn bớt ra đỡ đần con cháu". Lại bảo, "thăm Điện Biên trên tivi cũng tốt". Chú xem, anh chú nói thế mà cũng đòi nói". "Chị sướng thế còn gì".- Tôi đùa. Chị lườm tôi, cười nhỏm nhẻm, nhặt miếng trầu bỏ vào cối nghiền.

Tôi gợi chuyện tiếp. "Chị này, ngày xưa, ngày anh đang chiến đấu trên Điện Biên ấy, đồng chiêm trũng quê mình cũng làm một Điện Biên, đúng không?". "Người ta nói vậy ư?". "Em đọc trong một cuốn sách, người ta viết thế, bảo để phối hợp với chiến trường chính". "Có chuyện Điện Biên ở làng mình thật à? Lâu quá rồi...". "Địch càn vào làng. Du kích chặn lại. Đến gần trưa thì hết đạn. Phải rút, mỗi người mỗi ngả. Dân đã tản cư...".

Chị xoa xoa hai bàn tay vào nhau, vuốt vuốt lắc lắc các ngón tay, để ý có thể nghe thấy tiếng những đốt xương va chạm. "À, chị nhớ rồi. Chị rút sau cùng, chị làm Trung đội trưởng thay anh. Chị lội xuống ao, chui vào hầm. Anh đã đào căn hầm bí mật từ đáy ao hõm sâu vào bờ, nóc hầm bên trong nhô cao khỏi mặt nước, có lỗ thông hơi lên bờ dưới bụi tre".

Mới chớm hè trời đã oi nồng, chị bảo tôi bật cây quạt. Cái ao chị vừa nhắc đến không còn, người ta lấp đi vượt thổ cư mới đã lâu, dựng ngôi nhà hai tầng rất ưa nhìn. Tre pheo chỗ ấy cũng hết, cả làng còn loe hoe mấy bụi. "Lâu quá. Gần hết kiếp người rồi còn gì.

Nhà văn Đỗ Văn Nhâm.

Chú không nhắc, chị cũng chẳng nhớ hết được. Buồn cười lắm. Chị nhớ là chị tiếc mấy con vịt". "Chị, sao lại gà mới vịt cơ chứ!". "Chú lấy hộ chị bình vôi. Mắt mũi bây giờ chán lắm, mờ hết cả, têm miếng trầu cũng miếng mặn miếng nhạt". "Chán thật, mới có 85 mắt đã mờ, tai đã nặng...". "Chú đừng có giễu người. Rồi còn đời chú đấy. - Chị cười,- Chú không kiêng khem thì… uống nước đi. Nước chè tươi đấy. Mà chú cũng bơn bớt cái món chè khô đi, toàn phân lân mí thuốc sâu, báu gì chứ!".

"Vâng. Chị kể chuyện mấy con vịt đi". "Đấy, tí nữa lại quên. Chả là thế này, lúc đã lội xuống ao, chị mới sực nhớ, quay lại mở cửa chuồng. Bùn đất trên lối đi, nước ao vẩn đục, dàn bèo tung tóe... bao nhiêu dấu vết mình phô ra, mấy con vịt xóa giùm hết. May thế chứ lị. Chúng nó hô hoán. Chúng nó tuông xuống ao... Súng nổ ngay trên đầu chị, chỗ bụi tre... Một lúc lâu thì im. Chị đội bèo ngó ra. Lông vịt rụng trắng trên bờ, dưới nước. Mẹ chồng bảo, "tôi thà mất cả biển vịt để đổi lấy con dâu". Đấy, bà cụ nói thế đấy".

"Chị thoát. Nhưng vịt thì không. Mất cả thảy mấy nàng thiên nga, chị nhớ không?". "Chú làm như chị giỏi lắm í. Nhớ sao được. À, chị biết một tay bắt vịt, người làng bên, hắn hung hăng nhất, gào to nhất. Sau này, hình như là trước ngày cưới chị, gặp hắn, chị bảo, này, trả ngay chị mày mấy con vịt". "Hắn ta nói sao?".

"Chị không để ý lắm. Hình như cũng chờn chợn. Anh mới ở Điện Biên về. Ngày ấy lính Điện Biên cao giá lắm. Như các chú sau đận Bảy Nhăm í, hỏi đâu chả đắt vợ". "Chị khen em hay khen cô em họ đấy!". - Tôi nói đùa. "Khen em tôi thôi.- Chị mủm mỉm, nối lại câu chuyện.- Chị nửa đùa nửa thật, giằn mặt cho chừa cái tham lam đi thôi. Chuyện đã qua thì cho qua. Cũng thương, chú ạ, con cháu nhà ấy không ra gì".

"Đận ấy du kích bị tróc một hầm bí mật. Giặc đã rút ra khỏi làng, một kẻ chạy theo khai báo, chúng nó quay lại. Chị nhớ không?". "Nhớ. Chuyện này chị nhớ như in. Lạ thế chứ. Nhưng thôi, quên đi chú ạ. Người ta cũng "về già" lâu lắm rồi. Với lại, cũng chẳng bắt được anh ấy. Lúc chúng nó quay lại, hầm hố trống không".

Cơi trầu têm sẵn đã cạn. Nhỏ thó trên ghế, chị hí húi rọc lá, tiện vỏ, bàn tay từng đánh giặc, gieo trồng, yêu thương lốm đốm đồi mồi. Tôi đứng dậy, chào chị ra về. "Chú đeo khẩu trang vào, giữ cho mình cho người. À, tắt hộ quạt cây. Chị có cái này, bé mà to gió lắm. Nghe nói sang hè điện lại tăng giá đấy".

Đỗ Văn Nhâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/co-mot-dien-bien-sau-luy-tre-591499/