Có một Diêm Phố rất khác...

Bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc lễ hội Cầu Ngư; Diêm Phố còn một quần thể di tích nghè - chùa - phủ - miếu hết sức độc đáo. Sự độc đáo thể hiện trước hết ở sự 'tích hợp' của các kiến trúc thờ thần và thờ phật ngay trong một không gian. Sự hài hòa của các kiến trúc đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc quan niệm cùng cái nhìn rất thoáng, không câu nệ của cư dân nơi đây về tín ngưỡng, tôn giáo.

Cổng Tam Quan trước chùa Liên Hoa. Ảnh: Khôi Nguyên

iêm Phố một buổi sáng hanh hao nắng. Con đê quai ngăn biển phía ngoài làng, vốn là một đặc điểm nhận dạng của “phố biển” này, vẫn sầm uất và mặn mòi mùi biển. Nắng rọi vàng con đường và trải một lớp bột mịn lấp lánh trên mặt biển ngày lặng gió. Những tàu thuyền san sát, nằm gối đầu lên vụng biển sau những ngày vật vã vươn khơi. Tưởng chừng suốt bao thế kỷ, mảnh đất nơi cửa biển chỉ chảy trôi cái nhịp của thủy triều lên xuống và thời gian đời người cũng được đong đếm bằng những chuyến ra khơi. Thế nhưng, phía sau khung cảnh có phần tức mắt của nhà cửa như nêm và nhịp sống sôi động trên bến dưới thuyền ấy, người ta vẫn thấy thấp thoáng một Diêm Phố rất khác - rất bình lặng và đầy ý vị của một làng biển, mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng và đậm đà sắc thái biển xứ Thanh.

Làng Diêm Phố (nay là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) cách đây chừng 8 thế kỷ, được những cư dân đầu tiên dựng lên ngay sát mép nước biển, trên đất xứ Cồn Bò và cạnh cửa sông Lạch Trường. Họ đã đặt cho làng cái tên Diêm Phố, mà theo như lý giải của nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ, thì Diêm Phố là tên chữ - một cái tên gắn liền với quá trình lịch sử suốt mấy trăm năm, kể từ thời nhà Lê. Dựa trên Hán tự ký âm, thì “Diêm” nghĩa là muối, còn “Phố” nghĩa là bến nước, bãi sông, ở đây có thể hiểu là “nại muối”. Cách lý giải này cũng đúng với đặc điểm địa lý (nằm sát bờ biển) và nghề nghiệp (làm muối, đánh cá) của làng, mà dựa vào đó, người xưa đã định danh cho vùng đất.

Diêm Phố là một làng đánh cá lâu đời và đông dân bậc nhất Thanh Hóa. Đồng thời, cũng từ rất sớm, làng biển này đã nổi danh nhờ bởi sự đông đúc của phân bố dân cư và đất đai chật hẹp, chẳng kém gì phố cổ Hà Nội. Trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, với chủ trương “khép kín vùng mép nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phát triển kinh tế” của huyện Hậu Lộc, người dân Diêm Phố và làng Diêm Phố - Ngư Lộc, ví như ong san bọng, đã đan xen vào các xã dọc theo đường bờ biển, chạy suốt từ Đa Lộc đến Hòa Lộc. Từ đó, tạo thành một cộng đồng ngư nghiệp lớn mạnh. Còn theo một số liệu thống kê từ năm 1990, thì mặc dù đã qua nhiều lần di dân lập làng mới ở các nơi khác nhau, nhưng Diêm Phố vẫn là một làng (đồng thời là một xã) đông nhất huyện Hậu Lộc và tỉnh Thanh Hóa (với tổng số dân là 14.628 người).

Bờ biển Diêm Phố dài khoảng 1,2 km, chiếm 1/10 dải bờ biển huyện Hậu Lộc. Đây được biết đến là một vụng biển thấp, hõm và lầy bùn. Vào những hôm triều rặc, rất khó cho việc đi lại trên biển và thuyền bè cứ như bị chôn chân trong bùn. Tuy ngắn nhưng thường xuyên chịu tác động của khí hậu và nhất là thủy triều, khiến bờ biển Diêm Phố liên tục bị xói lở lởm chởm. “Những năm có bão to lụt lớn, ngoài biển cả có nước dâng, sóng biển ập vào phá lở ruộng đồng làng mạc, làm cho đoạn bờ biển từ Diêm Phố trở về phía Nam cứ lùi dần, lùi mãi vào bên trong đất liền, sâu đến 50m” (Địa chí Hậu Lộc). Bị biển cả ăn mòn suốt nhiều thế kỷ, mà địa hình hay hình dáng của làng cũng có sự thay đổi. Từ vị trí của cửa sông Lạch Trường xa xưa, qua mỗi thời kỳ, Diêm Phố lại tịnh tiến dần về phía Tây và Tây Bắc. Ngày nay, Diêm Phố có địa hình cơ bản ổn định ở điểm giữa hai cửa sông Lạch Sung và Lạch Trường. Nhìn trên bản đồ, Diêm Phố giống như một hình thang, mà đáy nhỏ là phần đất ăn sâu vào địa phận Minh Lộc, còn đáy lớn là mặt bể. Hình dáng của làng biển này chẳng khác nào cái phễu hút gió và đựng gió.

Người ta nói, đặc tính dân cư và văn hóa một vùng đất, luôn chịu tác động của các yếu tố vị trí địa lý hay địa hình cư trú. Điều này càng đúng với Diêm Phố. Bởi, nhắc đến Diêm Phố là nhắc đến một đời sống tinh thần – tâm linh – tín ngưỡng vô cùng đặc sắc và hết sức phong phú. Suốt nhiều thế kỷ hình thành và tồn tại mạnh mẽ, bất chấp sự khắc nghiệt của tự nhiên và tai ương từ biển cả, con người nơi đây vẫn luôn dựa vào biển, bám biển tìm kế mưu sinh. Để rồi, từ biển họ đã dần sáng tạo ra không gian sinh tồn và không gian văn hóa, phản chiếu qua các lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn và cả kiến trúc lăng miếu, chùa chiền...

Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố là một trong những lễ hội lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng và linh thiêng bậc nhất của cư dân miền biển Hậu Lộc nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Lễ hội không chỉ là nơi con người bày tỏ sự thành kính trước thần linh – những người bảo hộ nghề cá và xóm làng; mà còn phản ánh sự tài hoa và óc sáng tạo tuyệt vời của con người. Đồng thời, với những giá trị to lớn nó mang lại như tinh thần cố kết và sức mạnh cộng đồng làng xã; hay thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan thuần phác của cư dân biển... lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Một điểm nhấn của lễ hội này là rước Long Châu hay thuyền rồng – biểu tượng cho quyền lực của các vị thần vùng sông biển và gửi gắm trong đó nhiều ước muốn, tâm nguyện của người dân. Cùng với các nghi thức quan trọng của phần lễ, thì phần hội cũng được ví như sân khấu thu nhỏ của các loại hình nghệ thuật dân gian và tái hiện nếp sinh hoạt truyền thống của cư dân ven biển Ngư Lộc.

Bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc lễ hội Cầu Ngư; Diêm Phố còn một quần thể di tích nghè – chùa – phủ - miếu hết sức độc đáo. Sự độc đáo thể hiện trước hết ở sự “tích hợp” của các kiến trúc thờ thần và thờ phật ngay trong một không gian. Sự hài hòa của các kiến trúc đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc quan niệm cùng cái nhìn rất thoáng, không câu nệ của cư dân nơi đây về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, mỗi một kiến trúc vẫn được cấu tạo riêng, theo đặc điểm và lễ nghi của từng dạng tôn giáo, tín ngưỡng. Nghè (hay đền) là nơi thờ Đức Thánh Cả (Tứ Vị Thánh Nương), có kiến trúc vững chãi, uyển chuyển và đối xứng giữa nghè chính – tam quan – hai dải vũ. Chùa Liên Hoa được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, nằm sát nghè và hơi chếch về phía Tây Nam. Trước chùa có cổng Tam Quan với 3 tầng gác, gác giữa treo một chiếc chuông đồng lớn. Phủ thờ thần Cá Ông nằm sát chùa Liên Hoa, bên trong có thờ bộ xương cá voi từ năm 1739. Miếu nằm cạnh phủ thờ Cá Ông, có kiến trúc rất nhỏ và là nơi đặt bài vị của 344 ngư dân Diêm Phố bị bão cuốn khi đi biển năm 1931.

Một Diêm Phố rất khác, phản ánh qua những biến thiên của vùng đất từ khi hình thành cho đến tận ngày nay; cùng một đời sống văn hóa – tinh thần, tín ngưỡng vô cùng phong phú và đậm đà bản sắc. Chính cái đời sống khác ấy đã ra tạo điểm tựa, nâng đỡ con người và cho họ sức mạnh niềm tin, để đi qua những bão giông của biển cả và cuộc đời, mà gây dựng nên xóm làng trù mật.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/co-mot-diem-pho-rat-khac/104602.htm