Có một 'đặc sản' mang tên TNR Holdings tại Hà Nội

TNR Goldsilk Complex đỏ rực băng rôn phản đối chủ đầu tư cùng đơn vị quản lý và phát triển dự án rồi tới 'đặc sản' mùi bể phốt ở TNR Goldmark City đang khiến cái tên TNG Holdings trở nên 'nổi bật' giữa Thủ đô hơn bao giờ hết.

Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (gọi tắt là "TNR Holdings"), Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ TNS Holdings là thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG đang được biết đến trong vai trò là các đơn vị quản lý và phát triển dự án Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội), dự án Gold Season 47 Nguyễn Tuân và dự án Goldsilk Complex (430 Vạn Phúc, Hà Đông). Tuy nhiên ở cả 3 dự án này đang tồn tại những bức xúc, lùm xùm cùng hàng loạt vấn đề nan giải khiến cư dân phẫn nộ căng băng rôn phản đối một cách gay gắt.

Ngậm quả đắng với TNR Goldsilk Complex: "Biểu tượng mới của Hà Đông"

Dù sống trong những căn hộ tiền tỷ, nhưng các cư dân ở TNR Goldsilk Complex Hà Đông vẫn phải đối mặt với việc thang máy "rơi" tự do, nước có sinh vật lạ đến việc chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động.

Cũng theo phản ánh của cư dân tại chung cư TNR Goldsilk Complex (quận Hà Đông, TP. Hà Nội), nhiều hạng mục công trình không đảm bảo an toàn về PCCC như lối ra thoát nạn, giải pháp ngăn cháy lan, hệ thống PCCC...chưa đủ điều kiện để cấp văn bản nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Cư dân TNR Goldsilk Complex căng băng rôn phản đối chủ đầu tư và đơn vị vận hành.

Cư dân TNR Goldsilk Complex căng băng rôn phản đối chủ đầu tư và đơn vị vận hành.

Nhiều cư dân tại TNR Goldsilk Complex phản ánh đi thang máy như đang chơi trò tàu lượn cảm giác mạnh. Vì đã từ lâu, thang máy của chung cư này thường xuyên xảy ra trục trặc, "rơi" tự do làm cư dân phát hoảng.

Thỉnh thoảng, thang máy xảy ra hiện tượng thả trôi giữa các tầng và khựng lại đột ngột. Tình trạng thang máy trục trặc thường xuyên như vậy nhưng chủ đầu tư chưa có biện pháp khắc phục triệt để, đảm bảo đời sống cho cư dân.

Chưa hết, cư dân TNR Goldsilk Complex còn cho biết tình trạng nước tại đây thường xuyên có vẩn đục, thậm chí có khi thấy cả "sinh vật lạ" được cho là giống giun trong nước từ vòi chảy ra.

Theo phản ánh, cư dân không hề mua nước sinh hoạt trực tiếp từ Công ty nước sạch Hà Đông mà phải thông qua chủ đầu tư, không giống như những gì chủ đầu tư nói, đó là: Nước sinh hoạt tại đây là nước sạch thành phố do Công ty Nước sạch Hà Đông cung cấp cho toàn bộ khu vực, nên về chất lượng nguồn nước được Công ty Nước sạch Hà Đông tiến hành lấy mẫu và kiểm định định kỳ theo quy định. Biểu hiện rõ ràng nhất cho sự việc này là giá nước ở chung cư cao hơn giá nước mà phía Nước sạch Hà Đông đang bán.

Về hệ thống PCCC, chủ đầu tư chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu cấp chứng nhận an toàn toàn bộ tòa nhà nhưng khi thông báo cho cư dân lại cố tình mập mờ, không nói rõ còn tầng 2, 3 và 4 chưa được chứng nhận an toàn PCCC. Điều này có thể khiến cư dân yên tâm về hệ thống PCCC nhưng hậu quả khôn lường nếu lỡ có cháy thật, nhất là cháy từ các tầng này.

Thang máy rơi tự do, trục trặc liên tục ở TNR Goldsilk Complex.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Xuân Vinh, trưởng Ban quản trị tòa nhà cho biết: "Mức phí dịch vụ tại tòa nhà là 7.700 đồng/m2 nhưng chất lượng dịch vụ đang chưa tương xứng. Chất lượng nguồn nước thì rất bẩn. Cư dân mặc dù đã đóng phí gửi xe nhưng thiếu chỗ để xe, trong khi ban quản lý tòa nhà lại tự ý để cho khách vãng lại bên ngoài gửi xe. Nhiều hạng mục như chống thấm tòa nhà chưa được khắc phục…"

Thời điểm đầu năm 2019, Ban quản trị của tòa nhà chung cư TNR Goldsilk Complex đã gửi đơn đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội và UBND quận Hà Đông yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần bất động sản HANO-VID bàn giao số tiền phí bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà lên tới gần 30 tỉ đồng mà chủ đầu tư đang nắm giữ.

Vào đầu tháng 8/2019, do quá bức xúc với những tồn tại bấy lâu nay không được giải quyết, cư dân TNR Goldsilk Complex đã căng băng rôn trên các ban công căn hộ của tòa nhà để phản đối chủ đầu tư, yêu cầu đơn vị này trả hạ tầng cho cư dân bên cạnh việc yêu cầu đơn vị quản lý và phát triển dự án TNS Holdings rút lui khỏi dự án này.

"Đặc sản" mùi bể phốt ở TNR Goldmark City

Dự án Goldmark City, được thực hiện tại địa chỉ 136 đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân). Đến nay dự án do TNR Holdings tiếp quản để thực hiện dự án.

Hành động phản đối chủ đầu tư của cư dân TNR Goldmark City.

Ngày 18/8 vừa qua, cư dân TNR Goldmark City đã xuống sân căng băng rôn, xếp ô tô phản đối những bất cập trong chính sách của chủ đầu tư cũng như bức xúc trước việc cắt điện, nước sinh hoạt, với lý do chưa đóng phí dịch vụ.

Theo đại diện cư dân, họ phản đối việc thiếu minh bạch về quy định phí dịch vụ, các hạng mục của tòa nhà vừa bàn giao đã xuống cấp, vỡ hỏng và hơn trăm hộ dân bị chủ đầu tư giữ sổ hồng không chịu giao lại. Một cư dân bức xúc: "Nguyên nhân dẫn đến việc chúng tôi phản đối là do phía chủ đầu tư đã đơn phương đưa ra phí dịch vụ với mức giá "cắt cổ"12.688 đồng/m2 (giai đoạn trước mắt tạm thu 9.900 đồng/m2, bao gồm cả phí VAT). Trong khi chất lượng dịch vụ chưa tương xứng. Cho đến nay, chủ đầu tư chưa hề có một cuộc họp nào để thống nhất mức phí dịch vụ với cư dân, mà đã đơn phương thông báo với chúng tôi".

Điều 106 Luật nhà ở 2014, điều 30 Thông tư 02/2016/TT-BXD và đặc biệt là Điều 2 Thông tư 37/2009/TT-BXD về Hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư có nêu rõ:

“Giá dịch vụ nhà chung cư được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí, phù hợp với thực tế kinh tế xã hội của từng địa phương, thu nhập của người dân và được trên 50% các thành viên trong Ban quản trị nhà chung cư thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín.

Đối với nhà chung cư chưa thành lập được Ban quản trị thì giá dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% hộ dân cư đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp giá dịch vụ nhà chung cư đã có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ thì thực hiện như thỏa thuận đó.”

Theo Ban đại diện cư dân 2 tòa S1 và S4, khu đô thị TNR Goldmark City, để tiếp tục gây căng thẳng, nửa tháng trở lại đây Công ty Việt Hân, BQL tòa nhà đã cho nhân viên gọi điện đến các căn hộ để "đe" cắt điện nước nếu không đóng phí dịch vụ, yêu cầu cư dân phải đóng phí dịch vụ mới được nhận “Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ”.

Trong khi đó, hợp đồng mua bán căn hộ, không có điều khoản nào quy định phải nộp phí dịch vụ mới được nhận sổ hoặc phải nộp phí dịch vụ mới nhận lại được tiền chênh lệch diện tích. Ngoài ra, tại khu đô thị này còn xảy ra việc hầm bể phốt của tòa nhà liên tục bị vỡ chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, mùi bốc lên đến tận tầng 17 khiến cuộc sống bị của cư dân bị đảo lộn.

"Chúng tôi rất bất bình với cách chủ đầu tư đơn phương lựa chọn mức giá phí dịch vụ, trong khi hợp đồng yêu cầu chủ đầu tư phải thông qua cư dân mới thống nhất giá phí. Họ không thể tự nhiên yêu cầu chúng tôi đóng 12.000 đồng/m2 mà không quan tâm ý kiến cư dân", cư dân tòa nhà Sapphire bức xúc.

Cư dân "tố" TNR Gold Season yếu kém trong quản lý

Mới đây chị, N.N. Q đã đăng tải những thông tin về vụ việc của mình sau bao ngày bức xúc với cách làm và xử lý của ban quản lý tòa nhà TNR Gold Season (47 Nguyễn Tuân, Hà Nội). Cụ thể theo chị N.Q sau khi ban quản lý tòa nhà là TNS phê duyệt việc thi công, sửa chữa căn hộ của gia đình chị cùng với việc nhận 20 triệu tiền đặt cọc thì việc thi công đã tiến hành đúng theo bản vẽ, quá trình nghiệm thu đã diễn ra bình thường. Tuy nhiên sau đó, Ban quản lý lại đề nghị chị Q. trả lại nhà vệ sinh như ban đầu cùng với việc hỗ trợ kinh phí của ban quản lý trong khi số tiền đặt cọc trên ban quản lý nói rõ sẽ hoàn trả chỉ khi nhà vệ sinh được đưa về hiện trạng ban đầu.

Quá bức xúc với cách làm việc yếu kém và không chuyên nghiệp của ban quản lý, chị Q chia sẻ: "Tôi không hiểu chất lượng xây dựng của TNR Gold Season tốt đến mức nào mà tiếng xả nước của nhà trên khiến căn hộ phía dưới cũng nghe thấy trong khi ban quản lý tòa nhà không đo lường mức độ tiếng ồn và tìm nguyên nhân gây ra tiếng ồn đã vội vã giải quyết theo hướng sửa nhà vệ sinh và chịu 50% chi phí sửa chữa khi mà sửa lại về nguyên bản vẫn nghe thấy tiếng ồn bình thường?"

Xem thêm: Siêu dự án TNR Stars-OLECO Nghệ An: Lùm xùm hơn 7 năm mới san lấp mặt bằng đã rao bán rầm rộ

Chủ thực sự của các dự án liên quan TNR là ai?

Tập đoàn Đầu tư TNG - TNG Holdings Việt Nam (tiền thân là VID GROUP) thuộc sở hữu của cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Nguyệt Hường và Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MaritimeBank.

Tập đoàn TNG được biết đến là một trong số những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư phát triển khu công nghiệp. Trong giới kinh doanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là doanh nhân nổi tiếng và được biết đến như một bà đỡ cho các khu công nghiệp ở miền Bắc cũng như là một chuyên gia về thu hút đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 12, 13 và đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Bà còn có thời gian giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội; Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, vào tháng 7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp đột xuất, bỏ phiếu kín không công nhận tư cách ĐBQH khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do không đủ tiêu chuẩn và cá nhân có đơn xin rút. Sau đó, bà Hường cũng bị bãi nhiệm đại biểu HĐND TP. Hà Nội do vi phạm liên quan đến quốc tịch và kê khai tài sản.

Được biết, thực chất bà Hường đã thôi chức chủ tịch VID Group từ 2014. Đó là việc thay đổi trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp của doanh nhân này để đưa các doanh nghiệp của mình hoạt động dưới mô hình tập đoàn. Bà Hường thôi chức chủ tịch VID để lên làm chủ tịch Tập đoàn TNG.

Trước đó cái tên TNR Gold Season cũng được "bêu" trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc phải điều chỉnh tiến độ, vi phạm quy định về Luật Đất Đai cùng hàng loạt sai phạm khác gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Theo Thanh tra Chính phủ nguồn gốc đất trước khi chuyển mục đích do Công ty Dệt Mùa Đông thuê quản lý sử dụng. Để thực hiện di dời xưởng sản xuất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông đã hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (nay là TNG Holdings) để thành lập Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông - VID.

Cái tên TNR Gold Season dính không ít lùm xùm, sai phạm.

Ngoài ra, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Gold Season cũng có nhiều sai phạm. Cụ thể, UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất dự án tại Quyết định số 1704/QĐ-UBND ngày 13.3.2017, đã không loại khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư, và đưa khoản chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 30.6.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông chuyển nhượng phần vốn góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất (45,832% vốn điều lệ) với giá trị 114,58 tỷ đồng nhưng không kê khai, cơ quan thế chưa tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Đoàn thanh tra tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 22, 970 tỷ đồng. Đối với những sai phạm tại dự án Gold Season, TTCP chỉ rõ trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, Sở Tài Nguyên Môi trường, Cục Thuế Hà Nội, Chủ đầu tư dự án và Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông.

HOÀNG SƠN

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/co-mot-dac-san-mang-ten-tnr-holdings-tai-ha-noi-85591.html