Có một cửa tiệm 60 năm của 'bà trùm tạp hóa' ở Hà Nội khiến ai đi qua cũng nhớ về tuổi thơ

Dù đã cũ kỹ, nhuốm màu thời gian nhưng tiệm tạp hóa của cụ Bùi Thị Tâm vẫn là nơi để bao thế hệ nhớ về một thời ký ức tuổi thơ.

Tiệm tạp hóa 60 năm của cụ bà gần 90 tuổi

Những ngày gần đây, nhiều người tìm đến tiệm tạp hóa gần 60 năm tuổi của cụ Bùi Thị Tâm (88 tuổi, ở làng Chản, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội). Mọi người đến đây vì sự cổ kính, nguyên vẹn từ những năm tháng thời kỳ bao cấp. Nét đơn sơ, giản dị ấy khiến họ nhớ đến ký ức tươi đẹp của tuổi thơ.

Những ngày mua bim bim, kẹo mút... như ùa về và xuất hiện ngay trong ký ức của nhiều thế hệ mỗi khi ghé thăm tiệm tạp hóa. Nhiều người cũng không quên chụp ảnh, check-in như muốn "xin một vé để trở về tuổi thơ".

Cụ Bùi Thị Tâm (88 tuổi, ở làng Chản, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội)

Cụ Tâm luôn nở nụ cười mỗi khi có khách đến nhà

Ngồi sắp xếp lại những đồ đạc trong tủ hàng bày bán, cụ Tâm nở nụ cười hiền hậu khi có khách đến. Dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn tinh anh, giọng nói rành rọt. Căn nhà cụ Tâm đang sống là nhà của con trai út. Trước đây, người con đi làm ăn xa nên cụ ở nhà trông nhà cho con và bán tạp hóa.

Cụ Tâm nhớ như in những ngày đầu mở quán, lúc đó, cụ mới đôi mươi. "Thời còn trẻ, tôi buôn bán đủ nghề để kiếm thu nhập. Từ những mặt hàng rau củ quả đến những gánh bánh đúc, bánh giò", cụ Tâm kể.

Một thời gian sau, chồng cụ Tâm mất, cụ chuyển qua mở quán bán tạp hóa, bán nước và bia rượu. Tuy nhiên, khi bán rượu nhiều thanh niên đến ăn nhậu say xỉn rồi đánh chửi nhau nhiều nên các con không cho cụ bán. Từ đó, cụ Tâm chỉ bán tạp hóa, bán nước cho đến bây giờ.

Suốt hơn 60 năm gắn liền với tiệm tạp hóa, cụ Tâm coi công việc này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Giờ đây, ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", các con cụ không cho bán nhưng vì tiếc, cụ Tâm vẫn giữ lại.

Tủ đựng hàng của cụ Tâm đã cũ kỹ

"Bán hàng thì có người đến chơi, các cháu đến mua hàng cho vui cửa, vui nhà. Mình cũng vì thế mà thấy khỏe hơn, cứ ngồi 1 chỗ thì buồn chán với cả việc bán hàng này cũng chứa nhiều kỷ niệm của tôi lắm. Nó cũng là những kỷ niệm suốt bao nhiêu năm buôn bán nên không muốn bỏ đi", cụ Tâm nói.

Kể về những kỷ niệm với chúng tôi, cụ Tâm nhớ lại những câu chuyện dở khóc dở cười. Có lần khách hàng mua chịu rồi quên không trả tiền hay có những người thì cố tình quỵt tiền không trả.

Nhiều người không trả tiền nợ khiến cụ Tâm khá buồn nhưng cũng đành cho qua

"Số người mua chịu không ít đâu, tôi có cả cuốn sổ ghi lại nhưng cũng đành ngậm ngùi cho qua thôi vì số tiền không lớn. Hay nhiều khi người ta có cây thuốc lá không dùng hay những nhà có công việc đám cưới không dùng hết đồ đạc còn mới thì cũng nhờ mình bán hộ. Tình làng nghĩa xóm nên tôi bán hộ hết chứ không suy nghĩ gì cả. Mình làm sao cứ vui vẻ là chính thôi", cụ Tâm nói thêm.

"Bà trùm tạp hóa" tự bắt xe ôm đi đổ hàng, không nhờ con, cháu

Từ khi mở tới nay, tiệm tạp hóa của cụ Tâm chưa sửa sang gì. Ngày xưa còn khỏe, cụ Tâm gánh theo đôi quang ra tận thị trấn lấy hàng về bán. Sau này sức khỏe yếu, cụ bắt xe ôm tự đi lấy hàng, chẳng bao giờ nhờ con cháu. Thậm chí, dù sống ở nhà con trai nhưng cụ Tâm lại thích ăn ở riêng, không ăn chung với các con.

"Tôi thích ở riêng vì tôi già rồi, ăn uống nhiều khi không hợp lớp trẻ. Tôi thích ở 1 mình ăn lúc nào thì ăn, chơi đâu thì chơi, ngủ lúc nào thì ngủ, dậy lúc nào thì dậy, không vướng bận đến ai cho thoải mái nhất. Các con thì lúc nào cũng muốn chăm sóc nhưng mình thích sống như thế cho tự do, thoải mái.

"Còn bán hàng, tôi cứ thế này bán hàng thôi chứ không cải tạo nữa, giờ già rồi. Hết hàng thì gọi điện người ta mang đến chứ tôi có đi đâu được nữa đâu", cụ Tâm kể.

Trước đây, cụ Tâm có một thời được gọi là "bà trùm tạp hóa"

Cụ Tâm đã từng có một thời được người dân trong làng gọi là "bà trùm tạp hóa" bởi sự độc quyền, uy tín nhưng giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, cụ Tâm chỉ còn bán các mặt hàng như gói chè, gói thuốc lá, bánh kẹo cho các cháu nhỏ.

"Trước đây chỉ có một mình tôi bán trong vùng nên đắt khách lắm, giờ thì nhiều người bán rồi mình không còn cạnh tranh các mặt hàng hiện đại bắt kịp thời đại được. Giờ chủ yếu bán chè, bán thuốc lá là chính còn bánh kẹo cho các cháu thì chúng nó cũng không thích nữa rồi vì mình toàn đồ cổ điển", cụ Tâm cười.

Nhiều người dân hồi nhỏ mua đồ ở tiệm tạp hóa, đến khi có con, có cháu rồi lại dẫn ra quán của cụ Tâm mua

Nhiều người dân hồi nhỏ mua đồ ở tiệm tạp hóa, đến khi có con, có cháu rồi lại dẫn ra quán của cụ Tâm mua

Bà Hồng (53 tuổi, ở làng Chản, xã Vân Từ) cho biết: "Ngày tôi còn bé đã thấy tiệm tạp hóa này. Lớn lên đi lấy chồng, sinh con rồi có cháu thi thoảng tôi vẫn dẫn các cháu ra đây mua hàng. Giờ cửa hàng tạp hóa như của cụ Tâm hầu như không còn nữa. Mọi người đầu tư khang trang, sạch đẹp hơn. Mỗi lần ghé tới đây nhìn quán tôi lại hồi tưởng tới ký ức tuổi thơ của mình".

Theo Doanh nghiệp và tiếp thị

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/co-mot-cua-tiem-60-nam-cua-ba-trum-tap-hoa-o-ha-noi-khien-ai-di-qua-cung-nho-ve-tuoi-tho-20210413083712777.htm