Có một chuyện tình thời chiến như thế

Vô tình được đọc một tờ báo viết về nông trường trồng dâu nuôi tằm Ba Sao ở huyện Kim Bảng (Hà Nam), thấy bức ảnh chụp một cô công nhân có khuôn mặt xinh xắn, như bị 'thôi miên', người lính lái xe tăng số hiệu 846 trong chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975) bất ngờ cắt bức ảnh và giữ lại. Ít ai ngờ, từ bức ảnh vô tình ấy đã tạo nên một câu chuyện tình tuyệt đẹp…

Say sưa "vẽ lại" bức tranh lịch sử...

Hơn 40 năm trôi qua, ký ức về giây phút lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 vẫn khắc sâu trong tâm khảm của người lính lái tăng Trần Bình Yên ở huyện Kim Bảng. Có thể nói, chiến dịch Hồ Chí Minh như một bản hùng ca vang dội. Mặc dù đã ngoại lục tuần, nhưng mỗi lần nhắc đến kỷ niệm ngày 30/4 đó, là người lính xe tăng Trần Bình Yên không thể che giấu được niềm vui, sự kiêu hãnh, quyết đoán và đầy tự hào.

Người lính lái xe tăng 846 Trần Bình Yên .

Say sưa "vẽ lại" bức tranh lịch sử năm nào, người cựu chiến binh lái xe tăng kể, năm 1972, khi đang ở độ tuổi đôi mươi, chàng trai trẻ Trần Bình Yên hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc như bao người thanh niên khác. Trong số gần 50 thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ năm đó, chỉ có 9 – 10 người may mắn được lựa chọn tham gia lớp đào tạo lái xe tăng và Trần Bình Yên là một trong những người trong số đó.

Sau một thời gian đào tạo tại Vĩnh Phúc, chàng trai trẻ Trần Bình Yên được điều động vào Lữ đoàn thiết giáp 203 (Quân đoàn 2). Trong đội hình thọc sâu vào Dinh Độc Lập sáng ngày 30/4/1075, chàng trai trẻ Trần Bình Yên khi đó được “biên chế” vào đại đội 5, Tiểu đoàn 2 và giao nhiệm vụ lái chiếc xe tăng 846.

Bức ảnh bà Vân được ông Yên cắt trên báo giờ vẫn được ông cất giữ cẩn thận.

Được biết, chiếc xe tăng mà lái xe Trần Bình Yên lái chính là chiếc xe tăng mà nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chụp trưa ngày 30/4/1975 (Bức ảnh có chủ để "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975”).

Nhớ lại ngày tháng lịch sử của dân tộc, người lính lái xe tăng Trần Bình Yên kể, sáng ngày 30/4, được lệnh của Lữ đoàn, đội hình tăng của đại đội 5 vượt cầu Long Bình trên xa lộ Biên Hòa tiến vào Sài Gòn. Trong quá trình tiến công, khi đến chân cầu Sài Gòn thì gặp đội hình của Tiểu đoàn 1 và sát nhập lại. Lúc đó tại cầu Sài Gòn, lực lượng quân địch được bố trí rất đông với mong muốn chặn đứng mũi tiến quân của lực lượng quân giải phóng Việt Nam.

“Quân địch được bố trí rất đông từ phía đầu cầu bên kia nhằm ngăn chặn chúng tôi vào Sài Gòn, thậm chí, phía địch còn điều động cả máy bay trực thăng đến ném bom và tàu chiến hỗ trợ phía dưới sông, nhằm tiêu dịch quân ta và quyết thực hiện dã tâm đánh sập cầu Sài Gòn. Tuy nhiên, nhờ sự chiến đấu kiên cường của lực lượng quân giải phóng Việt Nam, cùng sự hỗ trợ của các đại đội tăng, pháo… quân địch không thực hiện được âm mưu của mình và phải rút lui”, ông Yên kể.

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 30/4, sau khi đẩy lùi quân địch thì đại đội nhận được lệnh của Lữ đoàn vượt cầu Sài Gòn tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Lúc này, xe tăng 846 do người lính trẻ Trần Bình Yên lái bất ngờ hết dầu phải dừng lại nên đi sau. Sau khi xin được dầu và tiếp tục thực hiện hành trình, điều bất ngờ khi đó là hình ảnh hàng vạn người dân cầm cờ đỏ sao vàng vẫy ngập trời ngay tại đầu cầu Sài Gòn khi đoàn quân bắt đầu tiến sâu vào mục tiêu cuối cùng, khiến cả đoàn quân xúc động.

“Khi xe tăng của chúng tôi vừa vượt qua cầu Sài Gòn để tiến vào trung tâm, thì tôi đã thấy hàng vạn người dân cầm cờ ra chào đón chúng tôi. Họ đứng rất trật tự, tất cả đều đứng gọn về phía bên trái. Chứng kiến hình ảnh đó trong những phút giây cuối cùng của trận đánh, khiến anh em chúng tôi rất xúc động và niềm tin về chiến thắng, hòa bình, độc lập dân tộc càng trở nên mạnh mẽ hơn”, ông Yên bùi ngùi nhớ lại.

Là người may mắn được tham gia chiến dịch Hồ Chính Minh, lại vinh dự chứng kiến thời khắc lịch sử và trọng đại của dân tộc khi Dương Văn Minh bị bắt, người cựu chiến binh lái xe tăng 846 kể, chứng kiến giây phút đất nước được thống nhất trong tâm trí người lính trẻ Trần Bình Yên lúc đó cảm thấy rất “bình thường” bởi khi đó, niềm vui đã được những người lính kìm nén cảm xúc để tập trung bảo vệ, cảnh giới…

Cựu chiến binh Trần Bình Yên kể: “Phải đến buổi tối ngày 30/4 chúng tôi mới thật sự được hưởng trọn vẹn niềm vui của chiến thắng, của hòa bình bởi khi đó người dân kéo đến chúc mừng rất đông, khiến chúng tôi thật sự xúc động và hạnh phúc…Đó là những giây phút trọng đại trong lịch sử dân tộc mà tôi cũng như hàng vạn chiến sĩ khác đã may mắn được tham gia, được chứng kiến. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước ca khúc khải hoàn”.

Duyên trời định

Sau khi giải phóng miền Nam, từ Tổng kho Long Bình (Đồng Nai), đơn vị của ông Yên được lệnh chuyển ra Huế huấn luyện và tập trung cho nhiệm vụ mới. Vào năm 1977 – 1978, ông Yên được về nghỉ phép. Thời điểm này, anh bộ đội Trần Bình Yên tình cờ đọc được một bài báo viết về nghề trồng dâu nuôi tằm ở Nông trường Ba Sao quê mình.

Đăng kèm bài viết là bức ảnh chụp các cô gái đang hái dâu, trong đó, ông Yên chú ý tới một cô gái có khuôn mặt tròn trịa, xinh xinh đứng bên phải bức ảnh. Bị sức hút bất ngờ bởi cô gái trong ảnh, người lính trẻ vội vàng cắt ảnh và giữ lại với ý định sau này có cơ hội sẽ đi tìm…

Chỉ với một bức ảnh đen trắng, đến cái tên của cô gái ông Yên cũng không biết. Thế nhưng, có điều gì đó cứ thôi thúc ông phải đi, phải tìm…“Ngày đó, Nông trường Ba Sao ở gần nhà tôi, hàng ngày tôi vẫn thường thấy các nữ công nhân đứng làm việc trên chân ruộng xanh ngắt những vạt dâu, đôi tay thoăn thoắt hái lá, chiếc nón lá che nghiêng trên những khuôn mặt còn rất trẻ.

Nhiều lần tôi đạp xe đi dọc nông trường với hi vọng tìm được người con gái trong bức ảnh trên báo mà mình đang giữ, thế nhưng, nhìn ai cũng hao hao giống nhau. Mặc dù có quen biết một số công nhân cũ ở nông trường, nhưng dò hỏi về nữ công nhân được xuất hiện trên báo thì chẳng ai biết, vì hầu hết thời điểm tôi tìm kiếm nông trường đã tuyển những công nhân mới”, ông Yên kể.

Lần về thăm nhà năm ấy, chàng lính trẻ Trần Bình Yên không tìm thấy cô gái trong ảnh, thế nhưng trong tâm trí lúc nào cũng tin rằng sẽ có ngày hai người tìm gặp được nhau. Sau đó, đơn vị của ông Yên được lệnh thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, lúc lên đường, trong hành trang vẫn mang theo bức ảnh cô gái cắt từ tờ báo mà ông chưa từng gặp mặt.

Năm 1980, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ già yếu, ông Yên xin xuất ngũ, trở về quê hương. Sau khi về quê, cựu chiến binh Trần Bình Yên được mai mối với nhiều cô gái, tuy nhiên, một phần do không hợp, mặt khác ý định tìm kiếm cô nữ công trong bài báo năm nào vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế, ông Yên quyết tâm gạt bỏ mọi lời mai mối và đi tìm “mối duyên trời định” của mình.

Ông trời không phụ lòng người, trong một lần tình cờ ông Yên vô tình gặp được cô gái Trần Thị Vân, một nữ công nhân đang làm việc tại Nông trường Ba Sao có gương mặt giống với nữ công nhân trong bức ảnh mà mình đang giữ.

Ngờ ngợ rồi làm quen, sau thời gian tìm hiểu ông bất ngờ hơn khi biết bà Vân chính là cô gái trong bức ảnh ông tìm kiếm bấy lâu. Năm 1982 ông Yên và bà Trần Thị Vân quyết định về chung một nhà, tuy nhiên, bí mật về việc bà Vân là người phụ nữ trong ảnh mà ông đã tìm kiếm bấy lâu ông tuyệt nhiên giấu kín.

“Khoảng 2 - 3 năm trước, trong một lần gặp mặt đồng đội lái xe tăng từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi lại mang ảnh ra xem. Lúc này, tôi mới sực nhớ ra bức ảnh của vợ mình năm nào và lấy ra cho bà ấy xem có nhận ra mình ở trong bức ảnh đó hay không. Khi đó, vợ tôi rất bất ngờ và xúc động”, ông Yên chia sẻ.

Không muốn kể quá nhiều về cống hiến của mình cho đất nước bởi ông nghĩ đó là trách nhiệm của tất cả những người dân Việt Nam, cũng như mong muốn những ký ức chiến tranh được “ngủ yên”. Người lính lái xe tăng 846 trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm nào giờ sống giản dị, hạnh phúc bên gia đình trong căn nhà nhỏ tại hẻm núi ở thị trấn Ba Sao (Hà Nam), xung quanh là vườn cây ăn trái xanh tốt và người vợ hiền dịu cùng câu chuyện tình đầy cảm động. Ông Yên bảo, với ông cuộc sống đơn giản chỉ cần vậy là đã cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-mot-chuyen-tinh-thoi-chien-nhu-the-72510.html